Hậu Giang thông qua Nghị quyết quy hoạch tỉnh
Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng Nam Sông Hậu.
Ngày 14-7, kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Hậu Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua 21 Nghị quyết về kinh tế, chính trị, xã hội. Trong đó, có Nghị quyết quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo nội dung Nghị quyết, tỉnh Hậu Giang xác định đến năm 2030, sẽ kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển hiệu quả, bền vững.
Cạnh đó, tối ưu hóa các nguồn lực, hình thành được các vùng động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn. Từ đó, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu là tỉnh công nghiệp phát triển, đạt mức thu nhập khá trong vùng.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng Nam Sông Hậu, có trình độ phát triển khá so với cả nước. Công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế, tỉ trọng nông nghiệp giảm xuống còn dưới 10%.
Cân đối được thu, chi ngân sách bền vững. Trở thành vùng công nghiệp hiện đại, đô thị xanh, nông nghiệp thông minh, du lịch sinh thái, chống chịu biến đối khí hậu, đảm bảo thu nhập cho người dân ở mức khá so với cả nước.
Quy hoạch cũng đề ra năm nhiệm vụ trọng tâm và bốn đột phá chiến lược trong thời kỳ quy hoạch là “Một tâm, Hai tuyến, Ba thành, Bốn trụ”. Cụ thể, một tâm là phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm phát triển về công nghiệp và đô thị của tỉnh trong trung và dài hạn.
Hai tuyến là tập trung khai thác phát triển theo hai tuyến động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP.HCM và tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu.
Ba thành là ưu tiên phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị TP Vị Thanh, TP Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ. Bốn trụ là phát triển bốn trụ cột: công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng.
Nghị quyết cũng đưa một số giải pháp để triển khai có hiệu quả, như: chủ động nguồn vốn đáp ứng yêu cầu thực hiện quy hoạch, tăng cường tận dụng và nâng cao hiệu cao sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, ưu tiên các công trình dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Cạnh đó, tăng cường hợp tác công - tư (PPP) trong phát triển hạ tầng chiến lược. Ngoài ra, tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân đặc biệt là doanh nghiệp quy mô lớn và doanh nghiệp FDI, trên cơ sở vận dụng tối đa cơ chế đặc thù cho tỉnh Hậu Giang. Mặt khác, huy động vốn từ các tổ chức phi chính phủ để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, bền vững.
Tỉnh Hậu Giang đề ra mục tiêu cụ thể cho giai đoạn, trong đó, giai đoạn 2026-2030, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 10-12%.
Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 150 triệu đồng; cân đối được thu chi từ ngân sách địa phương.
Nguồn PLO: https://plo.vn/hau-giang-thong-qua-nghi-quyet-quy-hoach-tinh-post742344.html