Hậu Giang triển khai nhanh GPMB, chuẩn bị các mỏ vật liệu làm cao tốc
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hậu Giang tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, gỡ 'nút thắt' của địa phương.
Sáng 17/7, tiếp tục chương trình làm việc ngày thứ 3 tại Hậu Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang.
Khai thác hiệu quả các tuyến cao tốc
Báo cáo cùng Thủ tướng và đoàn công tác, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, địa phương xác định quy hoạch là kim chỉ nam, định hướng phát triển thời kỳ 2021-2030 với quan điểm "nhất tâm, nhị tuyến, tam thành, tứ trụ, ngũ trọng tâm".
Trong đó, "nhất tâm" là phát triển huyện Châu Thành thành trung tâm công nghiệp và đô thị; "nhị tuyến" là khai thác tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP.HCM và tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu.
"Tam thành" là nâng tầm các đô thị Vị Thanh, Ngã Bảy, Long Mỹ.
"Tứ trụ" là phát triển 4 trụ cột công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch.
Còn "ngũ trọng tâm" là hoàn thiện thể chế, chính sách, phát triển nhân lực chất lượng cao; cải cách hành chính - ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, hiện nay, quy mô kinh tế của tỉnh nhỏ nhất trong các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBCSL), chỉ chiếm 4% GRDP toàn vùng.
Địa phương đặt ra mục tiêu phấn đấu nằm trong tốp 3 các địa phương có môi trường kinh doanh tốt nhất vùng ĐBSCL, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt từ 8-10%/năm, đến năm 2030 trở thành tỉnh có nền công nghiệp ở mức khá.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét, cho phép tỉnh đầu tư nâng cấp tuyến QL61C nối Cần Thơ với Hậu Giang từ nguồn vốn vay nước ngoài phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; tách công tác GPMB thành một dự án độc lập để triển khai các dự án.
Đồng thời chuyển một phần diện tích của khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) thành rừng sản xuất để kêu gọi thu hút đầu tư…
Đầu tư hệ thống giao thông chiến lược
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu Hậu Giang cần tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Đẩy mạnh việc tiêm chủng vaccine, theo dõi sát tình hình và kịp thời phòng chống hiệu quả các loại dịch bệnh.
Trong công tác quy hoạch, Thủ tướng lưu ý địa phương phải phát huy tối đa các tiềm năng, cơ hội, lợi thế, tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển toàn diện.
Từ quy hoạch, xây dựng các đề án, dự án cụ thể, đồng thời xây dựng và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng cường hợp tác công tư, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ đề nghị địa phương tăng cường việc quản lý, sử dụng ngân sách một cách tiết kiệm, hiệu quả, có trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Nhất là đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối tỉnh Hậu Giang với vùng ĐBSCL. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương có các dự án cao tốc đi qua, triển khai tốt công tác GPMB, chuẩn bị các mỏ vật liệu.
Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Hậu Giang đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp, năng lượng, công nghiệp thực phẩm, logistics và phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tăng cường đối thoại, đồng hành và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của Hậu Giang, Thủ tướng cơ bản nhất trí nhiều nội dung.
Riêng đề xuất chuyển đổi một phần diện tích sang rừng sản xuất tại khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là tài sản quý hiếm không những của Hậu Giang mà còn cả ĐBSCL, không chỉ có giá trị về mặt sinh thái, thiên nhiên mà còn gắn với lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng.
“Do đó, chúng ta cần phải nâng niu, giữ gìn, có thái độ ứng xử phù hợp, bảo vệ, phát huy một cách khoa học, hiệu quả nhất, mang tính thực tiễn sâu sắc nhất, bảo vệ môi trường, sinh thái một cách nghiêm ngặt nhất.
Nếu chúng ta chưa làm được gì tốt hơn thì cũng đừng làm gì ảnh hưởng xấu tới khu bảo tồn này, lá phổi xanh này", Thủ tướng nhấn mạnh.