Hậu Giang xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi đạo đức là nền tảng của người cách mạng, cũng giống như gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối, Bác viết: 'Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang'(1). Xuất phát từ nền tảng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, việc xây dựng chuẩn mực, đạo đức trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên; chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị tại tỉnh Hậu Giang thời gian qua được Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT

Thứ nhất, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể thực hiện tốt việc xây dựng, triển khai những chuẩn mực đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên.

Tính đến thời điểm hiện tại, Đảng bộ tỉnh Hậu Giang có tổng số 33.850 đảng viên và 18.295 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Đảng, đoàn thể, Nhà nước của tỉnh đều được quán triệt, học tập các chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ trước và sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW đến nay.

Mặt khác, quán triệt tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW và Quyết định số 1847/QĐ-TTg, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thủ trưởng 20 cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh, Chủ tịch UBND 8 huyện, thị xã, thành phố, 101 cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện; 75 xã, phường, thị trấn quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp. Từ đó, ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức trong cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

 “Ngày thứ sáu nghe dân nói” ở xã Đông Phước A là mô hình thiết thực trong học tập và làm theo gương Bác.

“Ngày thứ sáu nghe dân nói” ở xã Đông Phước A là mô hình thiết thực trong học tập và làm theo gương Bác.

Thứ hai, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả việc xây dựng những chuẩn mực, đạo đức cách mạng.

Trên cơ sở 4 chuẩn mực đạo đức cách mạng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: (1) Trung với nước, hiếu với dân; (2) Yêu thương con người; (3) Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; (4) Tinh thần quốc tế trong sáng, tỉnh đã cụ thể hóa thành 5 chuẩn mực đạo đức cơ bản của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức của tỉnh, gồm:

Một là, đối với quê hương, đất nước, chế độ xã hội chủ nghĩa:Phát huy truyền thống yêu quê hương, đất nước, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; ra sức phấn đấu xây dựng tỉnh Hậu Giang giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng, an ninh.

Hai là, đối với nhân dân:Phải gần dân, hiểu dân, học dân, tôn trọng nhân dân, có trách nhiệm với dân, vì nhân dân phục vụ; chống quan liêu, mệnh lệnh, nhũng nhiễu với nhân dân.

Ba là, đối với đồng chí, đồng nghiệp:Phải thân ái, đoàn kết, tương trợ, hợp tác giúp nhau cùng tiến bộ; chống chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, hẹp hòi, vị kỷ.

Bốn là, đối với công việc:Phải tận tụy, trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Năm là, đối với bản thân:Phải gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không ngừng học tập, ra sức thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm, kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng gia đình văn hóa mới.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục cụ thể hóa thành những chuẩn mực đạo đức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, ngành nghề để tổ chức thực hiện.

 Đảng ủy phường IV lắp đặt bảng “Quy định về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Đảng bộ phường IV” ngay trụ sở làm việc để nhắc nhở nhiều người chấp hành nghiêm các chuẩn mực.

Đảng ủy phường IV lắp đặt bảng “Quy định về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Đảng bộ phường IV” ngay trụ sở làm việc để nhắc nhở nhiều người chấp hành nghiêm các chuẩn mực.

Triển khai thực tế, 100% cơ quan ban, sở, ngành cấp tỉnh đã treo bảng Năm chuẩn mực đạo đức tại trụ sở làm việc; 100% các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy có triển khai việc cụ thể hóa các chuẩn mực đạo đức thành những chuẩn mực đạo đức của ngành, của đơn vị, địa phương mình để triển khai cho các tổ chức đảng trực thuộc treo trong trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Ngoài ra, một số ngành như: giáo dục và đào tạo, y tế, ngân hàng, thuế, toàn án, viện kiểm sát, quân đội, công an,… đều có cụ thể hóa những chuẩn mực đạo đức cách mạng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực của ngành và đơn vị để tổ chức thực hành làm theo.

Các cơ quan hành chính nhà nước đã đưa nội dung văn hóa công sở vào quy định thực hiện nội quy, quy chế của cơ quan làm tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm; xây dựng phong cách ứng xử, kỹ năng giao tiếp chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thông qua những việc làm cụ thể trong thực thi công vụ, trên mọi lĩnh vực công tác; thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp; thực hiện “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡtại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận một cửa và tiếp công dân của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Mặt khác, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử thành những khẩu hiệu hành động, tiêu chí thi đua để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên thực hiện, tiêu biểu như các khẩu hiệu: “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”, “Cán bộ kiểm sát phải: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”,... Qua đó, tạo được những chuyển biến rõ nét về tác phong, phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là chuyển biến tích cực về kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới phong cách gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với nhân dân; chống bệnh “thành tích”, bệnh “hình thức”; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…; nâng cao tinh thần trách nhiệm, “nói đi đôi với làm”, góp phần nâng cao niềm tin của Nhân dân với cấp ủy, chính quyền, với hệ thống chính trị của tỉnh. Ý thức trách nhiệm và đạo đức, tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không ngừng được nâng lên.

Nhìn lại những kết quả đạt được, có thể thấy, trong những năm qua, việc thực hành tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu làm theo những chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực; cán bộ, đảng viên luôn tiên phong, gương mẫu, đề cao tinh thần, trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, gương mẫu đi đầu, tận tụy với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức, xây dựng văn hóa công vụ của tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên; vẫn còn một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống dẫn đến bị xử lý kỷ luật, làm suy giảm lòng tin của nhân dân; việc thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của một ít cán bộ đảng viên vẫn còn hạn chế…

Nguyên nhân, là do chưa có chuẩn mực đạo đức chung nên quá trình xây dựng các chuẩn mực đạo đức của tỉnh, của từng ngành còn lúng túng, các nội dung của các đơn vị thiếu tính nhất quán, mỗi ngành xây dựng các nội dung khác nhau về chuẩn mực đạo đức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ngoài ra, do chưa có bộ tiêu chí đánh giá việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động theo bản cam kết và kế hoạch làm theo nên còn gặp khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM QUÝ

Qua kết quả đạt được, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai quán triệt, tổ chức thực hiện việc xây dựng và thực hành các chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, Hậu Giang rút ra một số bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng chuẩn mực đạo đức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên được thực hiện như sau:

Thứ nhất,việc xây dựngcácchuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ phải gắn với phương châm “Sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”. Triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chính sách, pháp luật liên quan đến đạo đức công vụ. Quan tâm việc xây dựng các văn bản của tỉnh để cụ thể hóa các văn bản của Trung ương cho sát với tình hình thực tiễn của tỉnh. Cụ thể, tỉnh Hậu Giang đã ban hành Quy định số 1972-QĐ/TU về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Trong đó, nội dung thứ 2 về đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc nêu rõcán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị “Phải là tấm gương về phẩm chất, đạo đức, lối sống; trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp”.

 Hội thi tìm hiểu Chương trình 50 của Tỉnh ủy Hậu Giang

Hội thi tìm hiểu Chương trình 50 của Tỉnh ủy Hậu Giang

Thứ hai, quan tâm xây dựng các văn bản chỉ đạo việc rèn luyện đạo đức, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Ban thường vụ Tỉnh ủy Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành và tổng kết Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 10/12/2015 của Tỉnh ủy “Về việc nâng cao ý thức trách nhiệm, rèn luyện đạo đức, tác phong; xây dựng lề lối làm việc khoa học, hiệu quả; công khai, dân chủ”; sau đó ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 13/7/2022, về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tỉnh Hậu Giang có bản lĩnh chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức tốt; có khát vọng, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ”. Trong đó, nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ hai đã tập trung nội dung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, cụ thể bằng việc: nêu cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời; thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”; người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý nêu cao tinh thần vì nhân dân phục vụ…

Thứ ba, triển khai, quán triệt các văn bản của Trung ương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có xác định trọng tâm, trọng điểm trong định hướng chỉ đạo. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch số 53-KH/TU, ngày 22/10/2021 về thực hiện Kết luận số 01-KL/TW; trong đó nội dung về“Thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã nhấn mạnhcán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên “Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, mẫu mực về nhân cách, lối sống; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; không tham nhũng, không bị chi phối bởi lợi ích nhóm, không để người nhà, người thân lợi dụng vị trí công tác để vụ lợi. Nghiêm túc tự phê bình và phê bình, thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh”.

Thứ tư, Tỉnh ủy Hậu Giang đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các Kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án văn hóa công vụ, Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025 theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; theo đó các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa tiêu chí đánh giá phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị; tổ chức rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy định về Văn hóa công sở theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện quy định nếp sống văn hóa trên địa bàn Tỉnh phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thứ năm, tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong thực hiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng. Thực tế, tại tỉnh Hậu Giang, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức cơ sở đảng, các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, các cá nhân trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao theo chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm, trong đó có đánh giá phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên trong thực hiện các chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó, góp phần tích cực cho việc giảm số vụ việc đảng viên vi phạm về đạo đức, lối sống bị thi hành kỷ luật Đảng.

TRẦN VĂN HUYẾN
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy

Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.601.

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/theo-guong-bac/hau-giang-xay-dung-va-thuc-hien-chuan-muc-dao-duc-cach-mang-doi-voi-can-bo-dang-vien-144689