Hầu hết các công ty đa quốc gia ở châu Âu đạt lợi nhuận tích cực

Hãng mỹ phẩm Pháp L'Oreal tại Trung Quốc, Công ty thực phẩm Danone, Thương hiệu thời trang cao cấp của Pháp Kering đều thông báo đạt doanh thu tich cực trong quý 3.

(Nguồn: Getty images)

(Nguồn: Getty images)

Kết quả kinh doanh của hầu hết các công ty đa quốc gia ở châu Âu trong quý 3/2021 đều khá tích cực, nhờ đà tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế Trung Quốc.

Việc Trung Quốc kiểm soát đại dịch COVID-19 một cách hiệu quả, tăng trưởng kinh tế ổn định và lòng tin của người tiêu dùng không ngừng được khôi phục đã phản ánh qua con số lợi nhuận của nhiều thương hiệu nổi tiếng châu Âu.

Trong hai năm qua, chi nhánh của hãng mỹ phẩm Pháp L'Oreal tại Trung Quốc liên tục duy trì mức tăng trưởng cao, với doanh thu quý 3 tăng 42,8% so với cùng kỳ năm 2019.

L'Oreal China tiếp tục đạt mức tăng trưởng hai con số và củng cố vững chắc vị trí dẫn đầu trong quý 3, với sự tăng trưởng năng động ở tất cả các sản phẩm, đặc biệt là mảng chăm sóc tóc và chăm sóc da, trong khi một số sản phẩm trang điểm cũng đang chứng kiến sự phục hồi tốt.

Công ty thực phẩm Danone cũng báo cáo cho thấy sự tăng trưởng mạnh. Theo Juergen Esser, Giám đốc Tài chính của Danone, mảng kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt của công ty đã chứng kiến sự tăng trưởng tốt, được thúc đẩy bởi nhu cầu dinh dưỡng dành cho người trưởng thành và nhu cầu sữa công thức dành cho trẻ em ở Trung Quốc tăng mạnh trở lại. Công ty đạt doanh thu ròng 6.158 triệu euro (7.081 triệu USD) trong quý 3, tăng 3,8% so với cùng ký năm ngoái.

Thương hiệu thời trang cao cấp của Pháp Kering cũng báo cáo doanh thu quý 3 đạt khoảng 419 triệu euro (482 triệu USD), tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ sưu tập mới của thương hiệu trang sức cao cấp Boucheron thuộc sở hữu của Kering đã được đón nhận rất nồng nhiệt, đặc biệt là ở Trung Quốc và Hàn Quốc, giúp kết quả kinh doanh của công ty này tăng trưởng ấn tượng.

Theo báo cáo của Mintel, một công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại London (Vương quốc Anh), chỉ số lòng tin về tài chính của người tiêu dùng Trung Quốc liên tục tăng trở lại và tổng chi tiêu của người tiêu dùng sẽ từ từ phục hồi về mức trước COVID-19 vào năm 2021.

Biểu tượng Daimler tại trụ sở hãng ở Stuttgart, miền nam Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Biểu tượng Daimler tại trụ sở hãng ở Stuttgart, miền nam Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi nhiều doanh nghiệp lớn của châu Âu bị hấp dẫn bởi thị trường tiêu dùng khổng lồ của Trung Quốc, các tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất cũng tiếp tục thúc đẩy các cam kết của họ với Trung Quốc bằng cách mở rộng đầu tư và hợp tác cùng có lợi trong lĩnh vực công nghệ cao.

Ngày 20/10, hãng sản xuất ôtô Daimler (Đức) đã chính thức khai trương Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) Công nghệ Trung Quốc mới tại Bắc Kinh. Với khoản đầu tư 1,1 tỷ nhân dân tệ (172 triệu USD), Daimler đang tăng cường "thể hiện" trình độ R&D và năng lực công nghệ của mình tại thị trường ôtô lớn nhất thế giới.

Hubertus Troska, thành viên hội đồng quản trị của Daimler AG, chịu trách nhiệm về thị trường Trung Quốc, cho biết các hoạt động R&D của công ty tại Trung Quốc dự kiến sẽ phát triển mạnh hơn nữa, thúc đẩy sự đổi mới của nước này và đóng góp vào thành công toàn cầu của họ.

Nokia cũng đang nhắm đến tiềm năng khổng lồ của Trung Quốc trong lĩnh vực số hóa và công nghệ thông tin. Ngày 25/10, công ty đã ký một thỏa thuận khung về hợp tác chiến lược với China Mobile, bao gồm các dịch vụ cơ sở hạ tầng mạng vô tuyến, vận tải và băng thông rộng gia đình, cũng như mạng di động 6G…

Sự phục hồi mạnh mẽ và tiềm năng đầy hứa hẹn của nền kinh tế Trung Quốc có thể được phản ánh rõ nét trong các khoản đầu tư và cam kết dài hạn của hàng loạt doanh nghiệp vào thị trường này. Điều đó cũng có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế thế giới, giữa bối cảnh tỷ trọng đóng góp của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế thế giới luôn ở mức cao trong nhiều năm liên tiếp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/hau-het-cac-cong-ty-da-quoc-gia-o-chau-au-dat-loi-nhuan-tich-cuc/753480.vnp