Hầu hết các nước EU vi phạm giới hạn về ô nhiễm không khí năm 2020
Dữ liệu sơ bộ được Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) công bố ngày 21/9 cho thấy, hầu hết các quốc gia thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) đã vi phạm ít nhất 1 giới hạn về ô nhiễm không khí trong năm 2020, bất chấp thực tế rằng các biện pháp phong tỏa kiểm soát dịch Covid-19 đã giúp cải thiện chất lượng không khí ở nhiều khu vực.
Vài năm trở lại đây, khoảng 10 nước thành viên EU đã phải ra hầu tòa vì gây ô nhiễm không khí quá mức. Dù chất lượng không khí đã được cải thiện đáng kể trong thập kỷ này, song nó vẫn đang là nguy cơ sức khỏe môi trường lớn nhất của châu Âu.
Theo dữ liệu sơ bộ từ các trạm quan trắc của EEA, gần như tất cả 27 quốc gia EU đã vi phạm ít nhất 1 giới hạn về các chất gây ô nhiễm không khí hồi năm ngoái.
Các điểm nóng ở 8 nước thành viên trong khối đã phá vỡ giới hạn hằng năm về ô nhiễm khí nitơ dioxide (NO2), tuy nhiên đây cũng đã là sự cải thiện đáng kể so với con số 18 quốc gia được ghi nhận năm 2019, EEA cho hay.
Nguyên nhân một phần là do áp dụng các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn đại dịch Covid-19, giúp giảm mạnh lượng phương tiện tham gia giao thông trên đường. Đã từ lâu giao thông là nguồn gốc ô nhiễm NO2 chính gây ra bệnh hen suyễn và các vấn đề về hô hấp.
Dữ liệu cũng cho thấy, có 8 quốc gia thành viên đã ghi nhận các khu vực vi phạm giới hạn hằng ngày của EU về chất dạng hạt (gọi tắt là PM) trong năm 2020, ít hơn 1 nửa so với năm 2019 (16 quốc gia). Trong khi đó, chỉ có 2 nước thuộc khối này vi phạm giới hạn chất dạng hạt hằng năm.
Quá trình tiếp xúc lâu dài với chất dạng hạt có thể gây ung thư phổi và bệnh về tim mạch. Nguồn phát thải chất dạng hạt chính là đốt nhiên liệu rắn, và nồng độ chất dạng hạt đặc biệt cao ở các khu vực Trung và Đông Âu, nơi than đá thường được sử dụng để sưởi ấm trong nhà.
Theo EEA, tổng cộng có 17 quốc gia EU đã vi phạm các giá trị mục tiêu của khối về ô nhiễm ozone, một chất gây ô nhiễm được hình thành bởi các phản ứng hóa học giữa nhiệt, ánh sáng và các khí nhà kính khác.
Cơ quan này cũng cho biết, các biện pháp phong tỏa nhằm chống dịch Covid-19 không tác động nhiều đến ô nhiễm ozone, khi nguồn chính của ô nhiễm này là do điều kiện khí tượng.
Nhằm giảm thiểu nguy cơ tử vong sớm do không khí bẩn, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết sẽ sửa đổi các giới hạn ô nhiễm của EU vào năm tới để bảo đảm phù hợp hơn với các khuyến nghị sắp tới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).