Hầu hết các thương vụ M&A tại Việt Nam có giá trị quy mô nhỏ

Theo nhóm Nghiên cứu Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF Research) và Trung tâm Nghiên cứu đầu tư và mua bán, sáp nhập (CMAC), mặc dù hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều sụt giảm về giá trị M&A (mua bán và sát nhập), tuy nhiên Việt Nam vẫn xếp thứ 2 sau khu vực, chỉ sau Thái Lan. Đáng chú ý, các thương vụ M&A tại Việt Nam chủ yếu là các giao dịch quy mô nhỏ (5 - 6 triệu USD, tương đương 100 - 120 tỷ đồng), chiếm trên 90% về số lượng.

Thị trường bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng đang là "thỏi nam châm" thu hút vốn ngoại đầu tư tại Việt Nam.

Thị trường bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng đang là "thỏi nam châm" thu hút vốn ngoại đầu tư tại Việt Nam.

Ông Đặng Xuân Minh, Trưởng nhóm nghiên cứu MAF, cho biết không chỉ có thương vụ M&A quy mô 100 – 120 tỷ đồng, những doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cũng sẵn sàng “bán mình” với giá từ 10 – 15 tỷ đồng. Hiện có hàng ngàn thương vụ doanh nghiệp nước ngoài vào mua lại các công ty với giá này.

Lý do khiến lĩnh vực hàng tiêu dùng trở thành “thỏi nam châm” hút vốn đầu tư qua M&A là nhu cầu của dân số gần 100 triệu người, trong đó gần 70% ở độ tuổi lao động, 34% sinh sống ở đô thị và GDP bình quân khoảng 2.385 USD/người (tăng 10% hàng năm). Thêm vào đó, sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ cũng là yếu tố không nhỏ góp phần cho lĩnh vực sản xuất tiêu dùng thêm hấp dẫn. Theo đó, thị trường sản xuất tiêu dùng đang ở giai đoạn “vàng” và có tốc độ tăng trưởng cao.

Ngoài ra, theo phân tích của nhiều chuyên gia, trước sự hội nhập sâu rộng trong những năm gần đây, các lĩnh vực sản xuất tiêu dùng và bán lẻ của doanh nghiệp nội gặp nhiều sự cạnh tranh gay gắt khi có nhiều đối thủ đến từ nước ngoài. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh, buộc phải “bán mình”, hoặc kêu gọi góp vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài để đẩy mạnh năng lực kinh doanh và cạnh tranh.

“Tôi mới gặp gỡ doanh nghiệp Ấn Độ mua lại một công ty trong ngành dệt may sắp phá sản với giá 15 tỷ đồng. Tôi cho rằng, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, các thương vụ M&A sẽ tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, bán lẻ…”, ông Đặng Xuân Minh chia sẻ thêm.

Các chuyên gia chia sẻ hoạt động M&A sẽ là cơ hội tích cực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng và hội nhập quốc tế.

Các chuyên gia chia sẻ hoạt động M&A sẽ là cơ hội tích cực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng và hội nhập quốc tế.

Không chỉ doanh nghiệp nước ngoài quan tâm mua lại doanh nghiệp có quy mô nhỏ, mà ngay cả doanh nghiệp nội cũng góp phần làm cho thị trường M&A Việt Nam thêm sôi động. Cụ thể, tháng 6/2019, Saigon Co.op công bố tiếp nhận 18 cửa hàng Auchan đang hiện diện cùng các hoạt động thương mại điện tử, nền tảng online. Thương vụ này diễn ra khi “gã khổng lồ” ngành bán lẻ đến từ Pháp quyết định rút lui khỏi Việt Nam sau 4 năm do “không tìm được mô hình kinh tế đạt lợi nhuận”. Một số chuyên gia bán lẻ cho rằng, đây là một vụ “bán tháo” của Auchan để rút nhanh khỏi thị trường Việt Nam và đem lại giá trị tốt cho Saigon Co.op.

Trước đó, tháng 4/2019, VinCommerce, công ty phụ trách mảng bán lẻ tổng hợp của Vingroup, nhận chuyển nhượng chuỗi 87 cửa hàng Shop&Go với giá 1 USD. Chuỗi bán lẻ đến từ Singapore này rút lui do bị cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.

Thực tế, Vingroup đã rất tích cực trong các hoạt động M&A bán lẻ với việc thâu tóm những đối thủ nhỏ hơn như Fivimart hay Viễn Thông A, Ocean Mart, MaxiMark và Vinatexmart để tăng doanh thu bán lẻ của Tập đoàn.

Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor International nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam trở nên tập trung hơn trong năm 2017 và 2018 khi các doanh nghiệp lớn thâu tóm các công ty nhỏ để mở rộng mạng lưới và tăng thị phần. Có thể kể đến các thương vụ như: Thế Giới Di Động mua lại chuỗi cửa hàng dược phẩm Phúc An Khang hay Vingroup mua lại Viễn Thông A và Fivimart. Các hoạt động M&A giúp “ông lớn” trong ngành bán lẻ khẳng định vị thế hàng đầu, đồng thời loại bỏ các công ty nhỏ khỏi cuộc chơi.

Bình luận về xu hướng này, ông Richard Burrage, Giám đốc điều hành Công ty Cimigo, cho biết các nhà bán lẻ trong nước có nhiều lợi thế khi mở rộng thị phần qua kênh M&A. Họ gần gũi với người tiêu dùng trong nước hơn, nhanh nhẹn hơn và ít sợ thất bại hơn, nhanh chóng học hỏi để tiến lên phía trước.

Nhận định thêm về vấn đề này, Luật sư Seck Yee Chung, Công ty Luật Baker & McKenzie tại Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam có nhiều sáng kiến nhằm nới lỏng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, cũng như tăng cường thoái vốn nhà nước tại các công ty lớn, giá trị M&A trong lĩnh vực bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng… dự kiến sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm.

Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/hau-het-cac-thuong-vu-ma-tai-viet-nam-co-gia-tri-quy-mo-nho-20190807152757790.htm