Hầu hết các trạm BOT giảm thời gian thu phí sau quyết toán
Chính phủ báo cáo Quốc hội cơ bản các bất cập trạm thu phí BOT đã được giải quyết, hầu hết giá trị quyết toán thấp hơn tổng mức đầu tư ban đầu.
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội về tình hình triển khai Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
"Hầu hết dự án BOT có giá trị quyết toán thấp hơn tổng mức đầu tư ban đầu"
Báo cáo Chính phủ khẳng định, việc nghiên cứu thể chế, cơ chế chính sách luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trước, đảm bảo nguyên tắc đầu tư bình đẳng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, Nhà đầu tư và người sử dụng. Hầu hết các trạm thu phí BOT đều có hình thức miễn, giảm giá để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tại khu vực lân cận trạm thu phí được đi lại không mất phí hoặc với mức phí thấp. Không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu theo hình thức hợp đồng BOT để đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân. Thực hiện Nghị quyết, Bộ GTVT và các địa phương đã dừng việc nghiên cứu đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp đường hiện hữu trước đây theo hình thức hợp đồng BOT.
Mặc dù đã nỗ lực đưa ra nhiều chỉ thị, giải pháp song Chính phủ cũng đánh giá chưa giải quyết triệt để được một số tồn tại của các dự án BOT đã đầu tư trong giai đoạn 2011 - 2015 dẫn đến dư luận tiếp tục bức xúc về mức phí, vị trí trạm thu phí, thông tin dự án...; chưa đảm bảo đủ điều kiện để tiến hành thu phí tự động không dừng từ năm 2019 đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước theo Nghị quyết Quốc hội.
Cụ thể tới nay đã có 64/68 dự án BOT, BT đã hoàn thành được trình quyết toán, Bộ GTVT đã ban hành quyết định giao Nhà đầu tư và Ban Quản lý dự án lập, trình quyết toán theo quy định đối với 4 dự án còn lại. Đến nay, Bộ GTVT và các cơ quan có thẩm quyền đã chấp thuận quyết toán cơ bản được 62/64 dự án, đang thẩm tra quyết toán đối với 2 dự án. “Hầu hết các dự án đều có giá trị quyết toán nhỏ hơn giá trị tổng mức đầu tư ban đầu dẫn đến thời gian thu phí hoàn vốn chính thức đã được giảm xuống”, báo cáo Chính phủ nhấn mạnh.
Chỉ còn 4 trạm BOT đang phải xử lý bất cập
Đối với việc rà soát tổng thể vị trí đặt trạm, theo báo cáo, Bộ GTVT đã chủ động, tích cực làm việc với các Bộ, ngành, các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan để xử lý các bất cập tại các trạm thu phí và đến thời điểm này, cơ bản các bất cập tại các trạm thu phí đã được giải quyết như: dừng thu phí tại 2 trạm Đèo Ngang và tránh Hà Tĩnh do hết thời gian Hợp đồng; không thành lập trạm Nam Hải Vân, sử dụng Trạm Bắc Hải Vân để cùng hoàn vốn cho 2 dự án; chuyển Trạm Tân Đệ về tuyến tránh Đông Hưng.
Hiện chỉ còn 4 trạm đang phải tiếp tục xử lý. Cụ thể 2 trạm có vị trí nằm ngoài phạm vi dự án, do trước đây các trạm này đang thu phí để nộp ngân sách, Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng quyền thu phí để hoàn vốn cho các dự án BOT thay vì nộp ngân sách nhà nước, gồm Trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài và Trạm Bỉm Sơn - Thanh Hóa.
“Để xử lý triệt để, dứt diểm các bất cập của các trạm thu phí, Nhà nước cần bố trí nguồn vốn để mua lại các dự án. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, rất khó khăn để cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện. Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát báo cáo Chính phủ xem xét giải quyết từng trạm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, Nhà đầu tư và người sử dụng”, báo cáo nêu rõ
Đối với 2 trạm Cai Lậy và trạm Thái Nguyên - Chợ Mới, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải rà soát để giải quyết triệt để các vướng mắc, bất cập để có hình thức thu phí phù hợp.
Đã giảm giá sử dụng dịch vụ đường bộ của 39 dự án BOT
Liên quan tới chính sách miễn giảm giá, đến nay, toàn bộ các dự án BOT do Bộ Giao thông vận tải quản lý đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Nhà đầu tư phối hợp với địa phương rà soát đề xuất phương án miễn, giảm giá, trong đó đã giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ của 39 dự án.
Tuy nhiên báo cáo cũng phân tích: “Trong hợp đồng dự án Bộ GTVT ký kết với Nhà đầu tư, chỉ số giá và phương án tài chính có thỏa thuận mức giá 3 năm điều chỉnh 01 lần, mỗi lần tăng khoảng 18%/03 năm, sau khi được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đến nay có 49 dự án BOT đã đến kỳ tăng giá theo hợp đồng, tuy nhiên do Chính phủ chỉ đạo chưa tăng giá nên Bộ Giao thông vận tải chưa tăng giá theo lộ trình đã ký trong hợp đồng. Theo tính toán, sẽ có khoảng 9 dự án bị phá vỡ phương án tài chính nếu phải lùi thời điểm tăng giá đến năm 2022. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của dự án, không đảm bảo kế hoạch trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết với ngân hàng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến môi trường kêu gọi đầu tư”.
Về công tác quản lý doanh thu, Bộ GTVT đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân để hoàn thiện Thông tư thay thế Thông tư 49/2016/TT-BGTVT quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu phí, nhằm đảm bảo việc quản lý doanh thu minh bạch, chính xác và khách quan hơn.
Đến thời điểm này, cơ bản các trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã triển khai vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng (26 trạm); các trạm còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2019 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
"Nhìn chung, việc triển khai thu phí tự động không dừng tiến độ chậm so với yêu cầu của Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 nhưng phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại quyết định số 7/2017/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2017 (chậm nhất đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 thu phí tự động tất cả các trạm).
Nguyên nhân chủ yếu do tiến độ triển khai lắp đặt làn ETC và tiến độ dán thẻ ETC cho các xe còn chậm, có tính chất phức tạp vì tác động tới tất cả người sử dụng. Thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đồng bộ việc thu phí tự động trên toàn quốc", báo cáo nêu rõ.