'Hầu hết sức mạnh cốt lõi về công nghệ lượng tử Trung Quốc bị Mỹ liệt kê trong danh sách đen mới nhất'
Các hạn chế thương mại mới nhất từ Mỹ với Trung Quốc là 'chưa từng thấy' và sẽ có 'tác động sâu rộng' đến nghiên cứu lượng tử của quốc gia châu Á này, các nhà vật lý Trung Quốc cảnh báo.
Điều đó xảy ra sau khi danh sách kiểm soát xuất khẩu cập nhật của Bộ Thương mại Mỹ được công bố hôm 9.5 đã liệt kê tên 22 công ty hàng đầu Trung Quốc ở lĩnh vực nghiên cứu và công nghiệp hóa lượng tử trong số 37 thực thể Trung Quốc bị nhắm tới.
Danh sách đen xuất khẩu (danh sách thực thể) được thiết kế để ngăn các công ty Mỹ bán vật liệu và thiết bị cho các thực thể bị nhắm mục tiêu.
Theo các nhà khoa học Trung Quốc, đây là lần thứ hai các viện nghiên cứu và công ty liên quan đến lượng tử nước này bị Mỹ đưa vào danh sách đen xuất khẩu, nhưng phạm vi rộng hơn nhiều.
Yin Zhangqi, nhà vật lý tại Viện Công nghệ Bắc Kinh, cho biết: “Hầu hết sức mạnh cốt lõi của Trung Quốc trong nghiên cứu thông tin lượng tử đã bị Mỹ liệt kê”.
Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ nói về việc cập nhật danh sách đen xuất khẩu rằng: "22 viện nghiên cứu và công ty bị thêm vào danh sách đen đã mua hoặc cố gắng mua các mặt hàng có nguồn gốc từ Mỹ nhằm nâng cao năng lực lượng tử của Trung Quốc. Những hoạt động này có ứng dụng quân sự đáng kể và gây ra mối đe dọa đáng kể với an ninh quốc gia Mỹ”.
Lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc, gồm cả công nghệ thông tin lượng tử, đặc biệt liên quan đến năng lực quốc phòng của nước này, đã trở thành mục tiêu trừng phạt của Mỹ trong nhiều năm. Vào tháng 11.2021, hai công ty truyền thông lượng tử và một viện nghiên cứu đã trở thành những thực thể Trung Quốc đầu tiên bị Mỹ đưa vào danh sách đen xuất khẩu.
Tháng 8.2023, Tổng thống Mỹ - Joe Biden đã ký một lệnh hành pháp ngăn chặn dòng tiền USD đổ vào các chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) nhất định của Trung Quốc. Đây là nỗ lực không ngừng từ Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với những công nghệ như vậy.
Một số nhà vật lý lượng tử nói với trang SCMP rằng động thái mới nhất của Mỹ có thể gây ra hậu quả lớn cho các nghiên cứu liên quan ở Trung Quốc, từ việc tiếp cận thiết bị tiên tiến đến trao đổi học thuật.
Làm việc tại một trong những viện nghiên cứu Trung Quốc bị Mỹ nhắm mục tiêu, nhà khoa học họ Liu gọi cuộc truy quét mới nhất là “chưa từng có”. Lý do vì “hầu hết phòng thí nghiệm Trung Quốc liên quan đến nghiên cứu lượng tử đều bị Mỹ đưa vào danh sách đen”.
Nhà khoa học này (từ chối nêu tên đầy đủ do tính nhạy cảm của vấn đề) cho biết một máy laser đặt hàng năm ngoái sắp được chuyển đến từ Mỹ, nhưng ông vừa nhận thông báo rằng nó có thể bị giữ lại ở hải quan.
Một công ty nằm trong danh sách đen của Mỹ là Origin Quantum Computing Technology, được thành lập vào năm 2017 bởi hai nhà vật lý lượng tử hàng đầu của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (USTC). Họ là trụ cột cho nghiên cứu điện toán lượng tử và các ứng dụng công nghiệp của nước này.
Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc là viện tiên phong trong nghiên cứu lượng tử ở Trung Quốc. Được mệnh danh là “cha đẻ của lượng tử” của Trung Quốc, Pan Jianwei là giáo sư tại trường đại học này.
Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cũng là một trung tâm đổi mới đã sản sinh ra nhiều công ty khởi nghiệp nhờ những đột phá khoa học ổn định, nguồn nhân tài cạnh tranh và sự hỗ trợ hào phóng từ chính quyền địa phương.
Máy tính lượng tử thực tế đầu tiên của Trung Quốc được Origin Quantum Computing Technology giao vào năm 2021. Origin Wukong, máy tính lượng tử siêu dẫn thế hệ thứ ba do Trung Quốc tự sản xuất đầu tiên, đã trình làng với người dùng toàn cầu vào tháng 1.
Bốn trung tâm nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học hàng đầu Trung Quốc, gồm Centre for Excellence in Quantum Information and Quantum Physics (Trung tâm Xuất sắc về Thông tin Lượng tử và Vật lý Lượng tử), Institute of Physics (Viện Vật lý), Key Laboratory for Quantum Information (Phòng thí nghiệm Trọng điểm về Thông tin Lượng tử) và Shanghai Institute of Microsystem and Information Technology (Viện Công nghệ Vi hệ thống và Công nghệ Thông tin Thượng Hải), cũng nằm trong danh sách đen xuất khẩu vừa được Mỹ cập nhật.
Các viện nghiên cứu Trung Quốc khác bị Mỹ đưa vào danh sách đen gồm Beijing Academy of Quantum Information Sciences (Viện Khoa học Thông tin Lượng tử Bắc Kinh), Shanghai Centre for Quantum Science Research (Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Lượng tử Thượng Hải) và Shenzhen Institute of Quantum Science and Engineering (Viện Khoa học và Kỹ thuật Lượng tử Thâm Quyến).
Yin Zhangqi, nhà vật lý tại Viện Công nghệ Bắc Kinh, cho biết nghiên cứu lượng tử tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc được hưởng lợi từ việc cử sinh viên và nhà nghiên cứu đến phương Tây để đào tạo. Song trong khi nhiều sinh viên tốt nghiệp trường này có thể tiếp tục đến Mỹ để học cao hơn, biện pháp mới nhất này chắc chắn sẽ có tác dụng kìm hãm.
Yin Zhangqi cũng cho biết vì danh sách đen xuấ khẩu do Bộ Thương mại Mỹ ban hành, không liên quan trực tiếp đến Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ, nên khó có thể tác động trực tiếp đến đơn xin thị thực của sinh viên Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, danh sách đen xuất khẩu chỉ ra rằng Mỹ sẽ ngày càng nghiêm ngặt trong việc cấp thị thực cho sinh viên Trung Quốc trong các lĩnh vực liên quan đến STEM, Yin Zhangqi nói thêm. STEM là cụm từ viết tắt của Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học). STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
Trong cuộc trò chuyện trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội WeChat ngày 11.5, một nhà khoa học của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết việc Mỹ tiếp tục thắt chặt các biện pháp trừng phạt có thể “tác động sâu rộng” đến nghiên cứu lượng tử ở Trung Quốc.
Ông nói một hậu quả có thể xảy ra là các nhà nghiên cứu Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn khi xuất bản các bài báo trên các tạp chí học thuật hàng đầu như Nature và Science, với những phát hiện của họ phải được xem xét kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tuân thủ các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Tuy nhiên, bất chấp những thách thức, nhà khoa học họ Liu vẫn lạc quan. Theo ông, so với các lĩnh vực công nghệ cao khác như chất bán dẫn và AI, khoảng cách về lượng tử giữa các công ty Trung Quốc và các đối thủ phương Tây không quá lớn.
Liu cho biết Trung Quốc đang đẩy nhanh các nỗ lực để đạt được sự tự chủ trong lĩnh vực thiết bị lượng tử cao cấp. Về những trở ngại cho việc du học, ông cho rằng đây thực sự có thể là một điều tốt cho Trung Quốc.
“Nếu nhiều sinh viên tài năng hơn về học thuật ở lại quê nhà, Trung Quốc có thể đẩy nhanh tiến bộ khoa học”, Liu nhận định.