Hậu Lộc - 'cái nôi' của cách mạng
Hậu Lộc là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Không chỉ là 'cái nôi' sản sinh ra những nhà yêu nước, chí sĩ cách mạng, mà Hậu Lộc còn là nơi nuôi dưỡng, che giấu cán bộ cách mạng của Đảng trong những năm tháng gian khó, ác liệt nhất của thời kỳ đầu đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ngôi nhà mẹ Tơm (xã Đa Lộc, Hậu Lộc) - cơ sở cách mạng của Đảng thời kỳ 1942-1945. Ảnh: Tư liệu
Nơi sản sinh ra những chí sĩ yêu nước
Trong lớp lớp thế hệ cách mạng tiền bối của Hậu Lộc, Đinh Chương Dương (quê xã Hải Lộc) là người đặt nền móng cho phong trào yêu nước, phong trào cộng sản ở Hậu Lộc cũng như trong tỉnh. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, ngay từ nhỏ Đinh Chương Dương đã sớm ý thức ra đi hoạt động cách mạng. Hơn 40 năm hoạt động, Đinh Chương Dương đã đi khắp đất nước, sang Campuchia, Trung Quốc, thành lập và tham gia trong nhiều tổ chức yêu nước ở Thanh Hóa, Nam Định, vận động phú hào lục tỉnh Nam bộ góp vốn phát triển nông nghiệp, chấn hưng công nghiệp, vận động thanh niên du học mở mang dân trí... Hoạt động cách mạng từ lúc tuổi còn trẻ, đến lúc tóc đã ngả hoa râm, ông mới trở thành người cộng sản. Trải qua ba hệ ý thức tư tưởng: Thời kỳ đầu là tư tưởng của các sĩ phu yêu nước, thời kỳ thứ hai là theo tư tưởng quốc gia của các tầng lớp tiểu tư sản và tư sản dân tộc và cuối cùng là tư tưởng cộng sản. Đó là một quá trình từ bỏ dần những ý thức cũ, lĩnh hội tư tưởng cách mạng mới trong con người Đinh Chương Dương. Không chỉ hoạt động cách mạng nhiệt huyết, sôi nổi, Đinh Chương Dương còn giác ngộ cho vợ và các con của mình tham gia hoạt động cách mạng. Ông còn là một người yêu thơ văn, thuộc nhiều thơ cổ điển của Việt Nam và Trung Quốc. Ông đã làm gần 100 bài thơ để ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi truyền thống đấu tranh của Nhân dân, của Đảng ta, tố cáo tội ác của thực dân phong kiến.
Tiếp thụ truyền thống cách mạng của gia đình, Lê Hữu Lập (quê xã Xuân Lộc) đã sớm trở thành người trọng lẽ phải, có ý chí chống giặc ngoại xâm cứu nước. Năm 1924, ông được Đinh Chương Dương đưa sang Trung Quốc tham gia vào tổ chức Tâm tâm xã. Cũng năm ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sau bao nhiêu năm đi tìm đường cứu nước đã bí mật về Trung Quốc để bắt liên lạc với những người Việt Nam yêu nước ở đây, nhằm tiến tới thành lập chính đảng kiểu mới để lãnh đạo Nhân dân ta đấu tranh giành độc lập, tự do. Từ Tâm tâm xã, Nguyễn Ái Quốc tuyển chọn những thanh niên ưu tú, lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng. Các đồng chí: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Lê Hữu Lập, Lê Duy Điếm... là những người đầu tiên được Nguyễn Ái Quốc tuyển sang Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Năm 1925, Lê Hữu Lập cùng Lê Duy Điếm và các đồng chí khác được phái về nước hoạt động gây dựng cơ sở. Về nước, ông liền bắt liên lạc với những người yêu nước, đi vào quần chúng Nhân dân, tuyên truyền giác ngộ gây dựng cơ sở. Nhờ thế mà sách báo cách mạng được lưu hành rộng rãi, tư tưởng của Chủ nghĩa Mác-Lênin được thâm nhập vào Nhân dân, phong trào đấu tranh của quần chúng ngày càng lớn mạnh. Từ một số tổ chức cách mạng, Lê Hữu Lập phát triển thành tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Thanh Hóa và trở thành người đảng viên cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Được Nguyễn Ái Quốc giác ngộ và đào tạo, Lê Hữu Lập đã học ở Người nhiều đức tính và tinh thần cách mạng cao quý, như: Sự tận tụy hy sinh vì nghĩa lớn, lòng yêu nước, thương yêu đồng chí như ruột thịt; khả năng tuyên truyền giác ngộ quần chúng, khả năng xây dựng phong trào trên một địa bàn lớn; tài nghệ hoạt động che mắt địch...
Là người thông minh, tính tình cương trực, ngay thẳng, Nguyễn Chí Hiền (quê xã Hòa Lộc) bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng trong nhóm học sinh có chí hướng và có lòng yêu nước. Ông tìm đến Lê Hữu Lập để biết thêm về những kiến thức mà Lê Hữu Lập đã được học ở Quảng Châu, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp truyền thụ. Ít lâu sau, Nguyễn Chí Hiền được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên của Thanh Hóa, phụ trách phong trào Hậu Lộc. Ông được tuyển chọn cùng với một số thanh niên khác sang dự lớp huấn luyện chính trị của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên do Nguyễn Ái Quốc tổ chức ở Quảng Châu. Hai tháng học đã giúp ông có được cái nhìn mới về thế giới, về thời cuộc, về đất nước. Học xong, ông trở về Thanh Hóa tiếp tục hoạt động trong tổ chức thanh niên. Nguyễn Chí Hiền được Xứ ủy Bắc Kỳ bổ sung vào Tỉnh ủy Thái Bình, được phân công chỉ đạo phong trào ở Tiền Hải và trực tiếp lãnh đạo cuộc biểu tình. Ông đã đề nghị với Xứ ủy Bắc Kỳ phát động phong trào ở những nơi khác để ủng hộ và cổ vũ phong trào của nông dân Tiền Hải. Nhưng sau đó, ông bị địch bắt, tra tấn, đánh đập, song vẫn vững vàng không khai báo. Năm 1933, ông trút hơi thở cuối cùng tại nhà tù Sơn La của thực dân Pháp, hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân.
“Những trái tim như ngọc sáng ngời”
Trên mảnh đất Cồn Chông cỏ muống, sát bờ biển có một túp lều rơm hai gian, một chái đứng bên rặng phi lao xanh tốt, ở đầu xóm Liên Thành, thôn Hanh Cát, xã Đa Lộc trên đường đi ra bến đò Sung sang đất Nga Sơn, đó là ngôi nhà nghèo khổ của mẹ Tơm. Mẹ Tơm tên thật là Nguyễn Thị Quyển. Khi sinh ra, mẹ Tơm đã chịu cảnh đắng cay, tủi cực. Mẹ không có một tấc đất cắm dùi, căn nhà bé nhỏ của mẹ cũng phải làm nhờ trên đất của người bác họ. Lên bảy tuổi mẹ đã phải đi ở như cả bốn chị em ruột. Lớn lên, về nhà chồng, cuộc sống vẫn gieo neo, phải đi ở, đi làm thuê. Các con của mẹ là Sồ và Hậu cũng phải đi ở, làm thuê, cuốc mướn, xoay xở học nghề cắt tóc kiếm ăn.
Năm 1942, các đồng chí Tố Hữu, Lê Tất Đắc vượt ngục từ nhà lao Đắc Tô về Thanh Hóa hoạt động đã tìm đến nhà ông Đinh Chương Dương ở gần một tháng. Ở lâu sợ lộ vì nhà Đinh Chương Dương đang bị địch theo dõi ráo riết. Đinh Chương Phượng - con trai nhà cách mạng Đinh Chương Dương đã bố trí đưa các đồng chí Tố Hữu, Lê Tất Đắc về nhà mẹ Tơm. Được các đồng chí tuyên truyền giác ngộ, mẹ Tơm đã nhường hẳn chái buồng của mình cho các đồng chí ở và làm việc. Bàn viết là chiếc chõng tre nhỏ, đặt sát vách có mở lỗ nhỏ để lấy ánh sáng bên ngoài vào. Được hai tháng lại thêm mấy đồng chí đến nữa, thường xuyên ở, làm việc. Cả nhà thành 14 miệng ăn, lại đang là lúc tháng ba đói kém. Ngày hai bữa chỉ trông vào tiền cắt tóc của anh Sồ, anh Hậu nên gia đình mẹ phải nhường cơm cho các đồng chí ăn để lấy sức làm việc. Hôm nào có nhiều tiền, mẹ Tơm thường dành cất một ít bỏ hũ (tiền đồng) để dự phòng những ngày mưa gió, bão bùng để không đứt bữa. Ban ngày mẹ Tơm xoay xở chợ búa, mua khoai gạo, lo cơm nước cho cả nhà. Tối có động gì thì mẹ báo mật hiệu, ngồi ở cửa buồng canh gác. Tại đây, các đồng chí trong Tỉnh ủy đã tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng, in truyền đơn, in báo. Cơ quan Tỉnh ủy ở nhà mẹ Tơm được gần một năm thì bọn mật thám đánh hơi thấy. Nhờ tinh thần cảnh giác cao và sự phán đoán sáng suốt của các đồng chí nên cơ quan đã kịp thời bí mật rời sang cơ sở xã bên cạnh...
Nhà thơ Tố Hữu, trong lần về thăm “Quê mẹ nuôi xưa” tháng 7-1961 đã làm bài thơ Mẹ Tơm để ca ngợi quê hương, cuộc đời, công lao đức độ của mẹ, trong đó có câu:
Sống trong cát, chết vùi trong cát
Những trái tim như ngọc sáng ngời!
Không trở thành hình tượng văn học như mẹ Tơm, nhưng mẹ Muội cũng hội tụ đầy đủ phẩm chất anh hùng của người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang”. Mẹ Nguyễn Thị Muội sinh ra trong một gia đình nông dân, có truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, ở thôn Y Bích, xã Hải Lộc. Lớn lên, mẹ xây dựng gia đình với nhà cách mạng Đinh Chương Dương. Chồng và các con của mẹ đều tham gia hoạt động cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp. Một mình mẹ sớm khuya tảo tần, cấy lúa, trồng khoai, mò cua, bắt tép, bán muối lấy tiền, không chỉ nuôi bố mẹ chồng, nuôi chồng con khôn lớn, tham gia hoạt động cách mạng, mà còn che giấu, nuôi dưỡng các chiến sĩ cộng sản, như: Tố Hữu, Trịnh Ngọc Điệt, Hoàng Xung Phong... Những lần chồng, con bị giam cầm ở huyện đường, ở nhà lao Thanh Hóa, mẹ cơm đùm, cơm nắm tiếp tế, chuyển tài liệu, giữ mối liên hệ giữa chồng, con với tổ chức ở bên ngoài. Tổng đốc Thanh Hóa, tri huyện Hậu Lộc nhiều lần cho lính về khám xét nhà mẹ, bắt, tra khảo mẹ, tịch thu tài sản của nhà mẹ. Ở địa phương, bọn quan lại luôn rình mò, theo dõi, o ép, đe dọa, nhưng tất cả đều không lay chuyển được ý chí cách mạng của mẹ. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, mẹ tiếp tục vận động 5 cháu nội, ngoại lên đường kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược...
Không thể kể hết những tấm gương tiêu biểu, những người con ưu tú điển hình của huyện Hậu Lộc đã đóng góp công sức, trí tuệ, tính mạng và của cải cho công cuộc kháng chiến cứu nước. Những tên tuổi ấy sẽ mãi đi vào lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những ngày Tháng Tám lịch sử này, nhớ về Hậu Lộc - “cái nôi” của cách mạng, thêm tự hào với truyền thống của cha ông, bồi đắp và nhân lên niềm tin, khát vọng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/hau-loc-cai-noi-cua-cach-mang/123124.htm