Hậu ông al-Assad: Thù địch giữa Lebanon và Syria có chấm dứt?
Sau nhiều thập niên quan hệ căng thẳng, liệu sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad có dẫn mở ra kỷ nguyên ổn định mới giữa Lebanon và Syria hay không?
Trong nhiều thập niên, Lebanon và Syria đã trải qua mối quan hệ căng thẳng, thậm chí thù địch, được định hình do chiến tranh, các vụ ám sát, chiếm đóng và những xung đột nội bộ.
Nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến Syria, bắt đầu từ các cuộc biểu tình ôn hòa năm 2011. Các chiến binh Hezbollah bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh đối với dân thường tại những khu vực chống đối ông al-Assad.
Theo các nhà phân tích, sự sụp đổ của chính quyền ông al-Assad vào tháng 12-2024 là một đòn kép đối với Hezbollah, vừa phản ánh vị thế suy yếu của Hezbollah sau cuộc chiến với Israel, vừa làm giảm khả năng tái vũ trang của nhóm này.
“Đây là cơ hội để tái định hình mối quan hệ Lebanon-Syria trên nền tảng mới, tôn trọng hơn” - ông Bilal Abdullah, một nghị sĩ Lebanon thuộc đảng Xã hội Tiến bộ (PSP), nhận định với tờ The New Arab.
“Sự ra đi của chính quyền ông al-Assad mở ra cánh cửa để Lebanon và Syria xây dựng lại quan hệ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và lợi ích chung, không còn chịu bóng đen của sự can thiệp từ phía Syria trong các vấn đề nội bộ của Lebanon” - ông Abdullah nói thêm.
Phản ứng và sự thận trọng
Các phe phái chính trị ở Lebanon đã có những phản ứng khác nhau trước sự sụp đổ của chính quyền ông al-Assad.
Đối với liên minh 14 Tháng Ba - những người từ lâu đã phản đối ảnh hưởng của Syria ở Lebanon - sự sụp đổ của ông al-Assad là một minh chứng cho lập trường của họ. Nghị sĩ Lebanon Bilal Abdullah ca ngợi cuộc gặp “thân tình” gần đây giữa lãnh đạo đảng PSP Walid Jumblatt với lãnh đạo lâm thời của Syria Ahmed al-Sharaa như một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình hòa giải.
Tuy nhiên, sự thận trọng vẫn chiếm ưu thế trong hàng ngũ Hezbollah và các đồng minh của nhóm này.
“Những thay đổi tại Syria đang được những người ủng hộ chế độ cũ, đặc biệt là Iran và Hezbollah, nhìn nhận với sự lo ngại, khi họ phải đối mặt với việc mất Syria như một căn cứ chiến lược cho các hoạt động kháng chiến” - nhà phân tích chính trị Mohammad Hamieh nhận định.
Ông Hamieh cũng nhấn mạnh mối quan ngại ở cấp khu vực về việc các phe Hồi giáo cực đoan gia tăng ảnh hưởng trong giai đoạn chuyển tiếp của Syria. “Sự nổi lên của các nhóm như Anh em Hồi giáo có thể làm phức tạp vị thế của Lebanon, đặc biệt khi nước này đang cố gắng duy trì sự ổn định trong bối cảnh khu vực đầy bất ổn” - theo vị chuyên gia.
Những thách thức dai dẳng
Sự sụp đổ của ông al-Assad đã thắp lại hy vọng giải quyết các tranh chấp kéo dài giữa Lebanon và Syria. Một vấn đề cấp bách là kiểm soát biên giới.
“Biên giới giữa Lebanon và Syria đang ở trong tình trạng hỗn loạn, từ lâu đã trở thành điểm nóng của nạn buôn lậu, đặc biệt là Captagon - loại ma túy khiến quan hệ giữa Lebanon và các quốc gia vùng Vịnh thêm căng thẳng” - ông Abdullah giải thích.
Theo The New Arab, nội chiến Syria đã biến quốc gia này thành trung tâm sản xuất Captagon. Biên giới lỏng lẻo giữa Lebanon và Syria đã tạo điều kiện cho loại ma túy này tràn vào các thị trường vùng Vịnh, làm trầm trọng thêm các mối quan hệ. Theo các nhà phân tích, việc cải thiện an ninh biên giới là điều cần thiết để hai nước đối phó hiệu quả với hoạt động buôn lậu này.
Cuộc khủng hoảng người tị nạn cũng là một vấn đề gây tranh cãi khác. Hơn 1,5 triệu người tị nạn Syria hiện đang sinh sống tại Lebanon, gây áp lực nặng nề lên nền kinh tế vốn mong manh của Lebanon. Kể từ tháng 12-2024, hơn 58.000 người Syria đã trở về quê hương, nhưng một kế hoạch toàn diện để hồi hương họ đòi hỏi sự ổn định, tái thiết và hỗ trợ quốc tế.
“Ổn định Syria và đảm bảo an ninh biên giới có thể giải quyết tới 90% các vấn đề về buôn lậu và tị nạn” - nhà phân tích chính trị Asaad Bishara nhận định. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc trong việc hỗ trợ tái thiết và tạo điều kiện cho người tị nạn trở về.
Đầu tháng này, trong những dấu hiệu căng thẳng đầu tiên, Syria đã áp đặt các hạn chế mới đối với công dân Lebanon muốn nhập cảnh, sau các cuộc đụng độ vũ trang giữa quân đội Lebanon và một nhóm người Syria có vũ trang tại một cửa khẩu biên giới.
Trước đó, công dân Lebanon có thể vào Syria chỉ cần hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân mà không cần visa (thị thực).
Ngoài ra, các vấn đề phân định biên giới chưa được giải quyết - cả trên đất liền và trên biển - vẫn tiếp tục cản trở tiến trình. Việc giải quyết hòa bình các tranh chấp này có thể mở đường cho một mối quan hệ hợp tác hơn giữa hai quốc gia.
Triển vọng kinh tế và động lực khu vực
Sự kết thúc của chế độ ông al-Assad mang lại cơ hội hiếm có để Lebanon và Syria điều chỉnh lại mối quan hệ kinh tế. Lebanon từ lâu đã phải chịu những mất cân đối kinh tế trong mối quan hệ với Syria.
“Dưới thời ông al-Assad, các mối quan hệ kinh tế bị cản trở do căng thẳng chính trị. Giờ đây, cả hai quốc gia có thể hưởng lợi từ sự hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và du lịch” - theo ông Bishara.
Ông Bishara cho rằng việc hợp tác trở lại có thể giúp tái thiết nền kinh tế kiệt quệ của Syria đồng thời mang lại sự cứu trợ kinh tế rất cần thiết cho Lebanon.
Bối cảnh khu vực rộng lớn hơn cũng sẽ định hình quỹ đạo của mối quan hệ Lebanon-Syria. Chuyên gia Hamieh nhấn mạnh rằng thái độ của cộng đồng quốc tế đối với chính phủ chuyển tiếp của Syria, đặc biệt là từ các quốc gia vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, sẽ ảnh hưởng đến cách tiếp cận của Lebanon.
“Việc bình thường hóa quan hệ của Syria với các quốc gia vùng Vịnh có thể dẫn đến sự tái định hình khu vực rộng lớn hơn, mang lại lợi ích kinh tế và chính trị cho Lebanon” - vị chuyên gia nêu quan điểm.
Theo các chuyên gia, khi khu vực dần thích nghi với thực tế hậu ông al-Assad, Lebanon đang ở một bước ngoặt quan trọng. Những thách thức là rất lớn, nhưng nếu được điều hướng một cách khéo léo, đây có thể là bước khởi đầu cho một mối quan hệ ổn định và hợp tác hơn giữa hai quốc gia láng giềng có mối liên kết lịch sử.