Hậu phương của người lính trên mặt trận chống dịch COVID-19
Phía sau những cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đang ngày đêm góp sức mình bảo vệ bình yên nơi biên giới, nhất là trên mặt trận chống dịch COVID-19, luôn có hậu phương vững chắc ở quê nhà, đó là những người mẹ, người vợ thầm lặng, tần tảo gánh vác việc gia đình, gác lại những nỗi lòng riêng để trở thành điểm tựa tinh thần, nguồn động viên to lớn cho những người lính an tâm công tác.
Hơn 26 năm qua, bà Phạm Thị Dinh, tổ 1, phường Chiềng An (Thành phố) luôn tự hào khi có chồng, con là những cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng. Năm 1994, vợ chồng bà Dinh nên duyên và cùng sinh sống, làm việc tại xã biên giới Chiềng Tương (Yên Châu). Đến năm 2010, gia đình chuyển về thành phố Sơn La, từ đó, vì đặc thù công việc nên cả gia đình ít khi được ở gần nhau. Chồng bà là Thiếu tá Tạ Đức Mạnh, cán bộ quân y Đồn Biên phòng Chiềng Tương (Yên Châu), còn bà Dinh công tác tại trường Tiểu học Lóng Phiêng A, xã Lóng Phiêng. Tự nhủ với bản thân rằng hậu phương vững chắc thì tiền tuyến mới vững vàng, bà Dinh luôn cố gắng vun đắp tổ ấm, nuôi dạy các con nên người, trở thành điểm tựa tinh thần cho chồng. Hai người con trai của vợ chồng bà Dinh lớn lên cùng với tình yêu, niềm mơ ước trở thành cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, mong muốn góp sức mình bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Hiện, con trai lớn của vợ chồng bà Dinh là Trung úy Tạ Đức Hải, đang công tác tại Đồn Biên phòng Phước Tân (Tây Ninh). Không chỉ là hậu phương vững chắc, bà Dinh còn nỗ lực, phấn đấu trong công tác, hiện, bà đang đảm nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lóng Phiêng A, xã Lóng Phiêng, là một cán bộ gương mẫu, được các giáo viên, học sinh và bà con vùng biên yêu quý.
Trong những ngày cả nước đang chung sức chống đại dịch COVID-19, chồng và con của bà cũng như các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng trên các địa phương luôn phải trực tại đơn vị, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chống dịch. Bà Dinh tâm sự: Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, chồng và con lớn chưa về nhà. Những ngày này, cả gia đình mỗi người một nơi, những bữa cơm luôn thiếu vắng các thành viên. Qua điện thoại, chúng tôi luôn động viên nhau cùng cố gắng gác lại những nỗi lo, nỗi nhớ gia đình. Đồng thời, tôi và con trai thứ hai ở nhà cũng thực hiện tốt các khuyến cáo, quy định để phòng, chống dịch COVID-19. Tôi nghĩ rằng, việc tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bản thân thật tốt trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp chính là việc làm thiết thực để chung tay phòng, chống dịch. Nhìn ánh mắt rạng rỡ của bà Dinh mỗi khi nhắc đến chồng, con, dẫu chẳng nói ra, nhưng chúng tôi hiểu nỗi thương nhớ, lòng tin yêu, tự hào về họ bao la đến nhường nào.
Còn chị Lê Phương Linh Vy, người vợ trẻ ở tuổi 26 không giấu được nỗi niềm xúc động, nghẹn ngào khi kể những câu chuyện về chồng - Trung úy Ngô Việt Trung, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Pa Khôm, Đồn Biên phòng Chiềng Tương (Yên Châu), hiện đang trực tiếp tham gia công tác tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 ở vùng biên giới. Theo chia sẻ của chị Vy, trước đây, cứ khoảng 3 - 4 tuần, anh sẽ về thăm nhà một lần, dù mỗi lần chỉ được khoảng 1 - 2 ngày, hoặc ngắn hơn nếu đơn vị có công việc đột xuất. Từ khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công việc của anh bận rộn hơn nên từ khoảng cuối tháng 2 đến nay, anh chưa về nhà. Chị Vy không phủ nhận có những khi bản thân thấy vất vả, tủi thân, chạnh lòng khi vừa lo toan công việc ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, vừa chu toàn vun vén cho gia đình, chăm sóc hai con, đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ 1 tuổi. Nhưng chị cũng luôn thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với những vất vả của chồng trong điều kiện làm việc, sinh hoạt khó khăn trên tuyến đầu chống dịch. Chị Vy tâm sự: Người vợ nào cũng muốn cả gia đình sum vầy, quây quần bên nhau. Nhưng do hoàn cảnh, nên tôi vừa động viên anh khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa chăm lo cho các con thật tốt để anh yên tâm công tác. Với tôi, động lực để xua tan những nỗi buồn thường nhật, đơn giản là khi mẹ con tôi được nói chuyện với anh qua điện thoại, để biết anh vẫn khỏe mạnh, công tác tốt, vậy là an tâm và tự hào lắm rồi. Nhớ nhất là đầu tháng 4 vừa rồi là ngày sinh nhật của con gái lớn, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian, bắt chút sóng điện thoại chập chờn từ chốt chống dịch nơi biên giới để gửi cho con những lời chúc mừng sinh nhật...
Do yêu cầu nhiệm vụ, những người lính biên phòng chưa thể về nhà thăm gia đình, thậm chí khi cả người thân trong gia đình ốm đau, bệnh tật, gia đình có việc hiếu cũng đành nén đau thương, nhờ hậu phương lo toan, gánh vác. Câu chuyện của gia đình bà Dinh, chị Vy là câu chuyện chung của gia đình những người lính biên phòng đang ngày đêm canh gác biên cương của Tổ quốc, nhất là trong thời điểm tập trung cao độ ngăn chặn dịch COVID-19 xâm nhiễm tuyến đầu biên giới, chất chứa tình cảm thiêng liêng, cao cả của hậu phương dành cho những người lính nơi tuyến đầu biên giới. Hậu phương vững chắc thì tiền tuyến mới vững vàng. Có lẽ vì vậy mà những người mẹ, người vợ của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng đã sẵn sàng gác lại những nỗi lòng riêng, trở nên kiên cường, mạnh mẽ, là nguồn động viên, khích lệ to lớn đối với những cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp sức cùng các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.