Hậu phương lớn trong kháng chiến chống Mỹ
Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước không chỉ là chiến công của các lực lượng vũ trang nhân dân, mà còn là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết dân tộc, nơi hậu phương là bệ phóng vững chắc cho mọi chiến công ngoài mặt trận.
Ra đi giữ nước, có hậu phương lo
Theo thống kê, trong giai đoạn 1965 - 1975, phong trào “Ba đảm đang” đã trở thành phong trào hành động cách mạng rộng rãi của Hội phụ nữ. Năm 1967, phụ nữ tỉnh đã tổ chức “Tháng thi đua lãnh đạo sản xuất vì miền Nam”, nuôi thêm được 4.023 con lợn, 21.370 con gà, trồng 5.931 luống rau xanh, cấy kỹ thuật và chăm sóc tốt 170 ha “ruộng Bình Thuận”, xây dựng 3.284 hũ gạo tiết kiệm. Chị em đi đầu trong phong trào động viên người thân tòng quân, thành lập các hội “Mẹ chiến sỹ”, “Vợ chiến sỹ” chăm lo công tác hậu phương quân đội.

Phụ nữ hăng hái tham gia phong trào Ba đảm đang.
Phụ nữ thời chiến là hậu phương, là điểm tựa tinh thần vững vàng của những người lính. Khi chồng con ra trận, họ “gánh” cả gia đình, ruộng đồng và nghĩa vụ với Tổ quốc. Bà Nguyễn Thị Cúc, 76 tuổi, thôn Phố Chinh, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) xúc động nhớ lại: năm 1971, bà sinh con gái đầu lòng được mấy ngày thì ông có lệnh lên đường nhập ngũ. Ông giấu gia đình, bởi mẹ chồng bà đang ốm yếu liệt giường, bố chồng đi đóng bè ở xa, dưới chồng bà còn những 9 người em, mọi sinh hoạt của mẹ chồng, không chỉ một tay bà, mà bà còn phải thay mẹ chồng, cáng đáng chăm lo cho 9 người em của chồng nữa. Xác định nhiệm vụ chung của Tổ quốc là trên hết, bà bảo: "thôi, có tiếng gọi của Đảng, anh cứ yên tâm mà đi, bố mẹ và các em ở nhà em sẽ hết lòng trông coi, chăm sóc".
Khi ấy bà Cúc đang làm Thường vụ Hội Phụ nữ xã Vinh Quang. Với bản tính tháo vát, bà làm công tác tư tưởng, động viên chị em phụ nữ trong xã vững vàng về tư tưởng, chăm lo gia đình, ruộng đồng để chồng con yên tâm lên đường làm nhiệm vụ. Công tác Hội Phụ nữ thời chiến rất nhiều, có vấn đề gì huyện triển khai xuống xã là bà lại địu con đi bộ cả 3 km để triển khai nội dung đến từng chị em. Việc nước, việc nhà bà đều chăm lo chu toàn. Bà Cúc bảo vất vả không kể xiết, nhưng biết bà phụng dưỡng mẹ chồng chu đáo, đảm đang chăm lo cho các em, chồng bà rất yên tâm trong suốt chặng đường 5 năm quân ngũ. Năm 1976, chồng bà trở về mang theo di chứng chất độc da cam, bà lại tảo tần chăm lo cho ông đến hơi thở cuối cùng trọn nghĩa, vẹn tình. Bà Cúc bảo, cuộc đời bà được sống hết mình cho người thân yêu, cho nghĩa cả, với bà, đó là cả một niềm hạnh phúc lớn lao.
Hợp tác xã, pháo đài kinh tế của hậu phương
Trong bức tranh hậu phương lớn thời kháng chiến, không thể không nhắc tới các Hợp tác xã (HTX). Thực hiện khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã phấn đấu thực hiện tốt nghĩa vụ lương thực, thực phẩm với Nhà nước. Trong 2 năm (1967 - 1968), lượng thóc thuế và thu mua đạt 12.784 tấn, nhân dân bán cho nhà nước 4.714 con trâu, 958,2 tấn lợn, 1.517 tấn ngô, sắn (quy thóc), hàng trăm tấn đỗ, lạc và nông sản khác. Đến ngày 20/4/1975 đồng bào đã nhập kho nhà nước 6.188 tấn lương thực. Các HTX, hộ xã viên cho nhà nước vay 241,90 tấn lương thực để trợ giúp cho đồng bào vùng giải phóng.
Ông Lê Xuân Hưng, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ỷ La; nguyên Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Tuyên Quang, nguyên Chủ nhiệm HTX nông nghiệp toàn xã Ỷ La nhớ lại: thời chiến tranh, khi ấy mình mới chỉ là xã viên thôi, nhưng mình ấn tượng tinh thần chi viện cho tiền tuyến dâng cao, các phong trào thi đua yêu nước rất sôi nổi, mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt. Bà con ở Ỷ La ngày ấy tích cực trồng lúa, nuôi lợn để hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước. Mình làm ra sản lượng lúa rất lớn, nhưng vẫn ăn độn ngô, sắn, khoai là chủ yếu, khi đó, tập trung toàn lực chi viện cho chiến trường.
Ỷ La từng nộp theo chỉ tiêu cả trăm tấn thóc/1 vụ cùng hàng trăm tấn lợn/1 năm (của 3 HTX của Ỷ La thời đó là: HTX Tiên Lũng, HTX Tráng Lập, HTX Tiến Thành của thị xã). Ban đêm, cứ từ 6h tối đến 9h tối là ông Hưng và xã viên HTX lại chở lúa xuống kho Ghềnh Riềng (An Tường) và kho Làng Pháp, xã Chân Sơn (Yên Sơn) khi ấy là 2 kho dự trữ quốc gia chi viện cho tiền tuyến. Ông Hưng bảo, thời điểm ấy, mình nuôi được lợn bằng thật, nhưng để được mổ lợn, phải được UBND xã xác nhận việc đã hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước, mới được phép mổ lợn, đúng nghĩa “thắt lưng buộc bụng”, dốc toàn lực chi viện cho tiền tuyến.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng bài học từ hậu phương lớn, một hậu phương vững chắc, đoàn kết, tự lực và đầy nghĩa tình vẫn mãi là giá trị cốt lõi trong hành trình bảo vệ và xây dựng đất nước. Đó là nơi hội tụ của ý chí, lòng yêu nước, đức hy sinh và tinh thần cộng đồng. Từng tấn gạo, nhu yếu phẩm gửi vào chiến trường đều chất chứa tình yêu thương và niềm tin chiến thắng. Không có một lực lượng hậu phương kiên cường, cần cù, sáng tạo và đầy hy sinh thì không thể có một tiền tuyến vững mạnh làm nên chiến thắng cuối cùng.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/hau-phuong-lon-trong-khang-chien-chong-my-210298.html