Hậu quả chính trị, kinh tế và quân sự từ cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga

Cuộc tấn công của quân đội Ukraine vào tỉnh Kursk ở Nga đầu tháng này đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc xung đột. Bước ngoặt này đang tái định hình các cuộc đàm phán hòa bình và có thể sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong tương lai gần.

Binh sĩ Nga giao tranh với lực lượng Ukraine ở khu vực Kursk. Ảnh: TASS

Binh sĩ Nga giao tranh với lực lượng Ukraine ở khu vực Kursk. Ảnh: TASS

Theo bình luận của các chuyên gia tại Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan (PISM) và Trung tâm Nghiên cứu phương Đông (OSW-Ba Lan) mới đây, cuộc tấn công của quân đội Ukraine vào tỉnh Kursk ở Nga đã gây chấn động lớn và để lại những hậu quả sâu rộng cả về chính trị, kinh tế lẫn quân sự. Đây là một bước ngoặt trong cuộc xung đột giữa hai nước và ảnh hưởng của nó sẽ còn tiếp tục lan rộng trong tương lai.

Về mặt chính trị, tác động của cuộc tấn công là củng cố vị thế của Ukraine trước các cuộc đàm phán tiềm năng với Nga, có thể diễn ra sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay. Nếu Ukraine duy trì hoặc mở rộng quyền kiểm soát đối với các vùng lãnh thổ ở Nga, Kiev có thể sử dụng chúng như một con bài mặc cả, yêu cầu quân đội Nga rút quân khỏi một phần hoặc toàn bộ vùng lãnh thổ phía Đông Ukraine.

Cuộc tấn công của Ukraine cũng có thể làm suy yếu tiếng nói đã gia tăng ở phương Tây trong nhiều tháng qua, rằng xung đột đã đi vào bế tắc, Nga không thể bị đánh bại và Ukraine phải thừa nhận thực tế mới. Lập luận của những người phản đối việc tấn công lãnh thổ Nga trên quy mô lớn hơn, vốn chỉ ra nguy cơ leo thang đáng kể và dẫn đến việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, cũng sẽ bị suy yếu.

Cuộc tấn công thành công cũng có tác động củng cố tinh thần của phía Ukraine, vốn đã suy yếu sau nỗ lực thất bại trong việc vượt qua các tuyến phòng thủ của Nga vào mùa Hè năm ngoái. Một mối đe dọa đáng tin cậy nhằm mở rộng phạm vi tấn công từ Ukraine thậm chí còn trở thành một yếu tố gây áp lực buộc Nga phải đàm phán.

Tuy nhiên, cuộc tấn công này cũng có thể củng cố tình cảm chống Ukraine và chống phương Tây trong xã hội Nga, tạo điều kiện cho Điện Kremlin tiếp tục huy động nguồn lực cho cuộc xung đột. Đây cũng có thể là lý do để chính quyền Nga tiến hành một cuộc huy động quân sự mới, điều mà họ đã tránh làm cho đến nay.

Về mặt kinh tế, cuộc tấn công vào khu vực Kursk đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong cuộc xung đột. Lực lượng vũ trang Ukraine đã chiếm được trạm đo khí Suja, một phần của đường ống dẫn khí đốt Urengoy-Pomary-Uzhhorod, điều này đã khiến giá khí đốt tại châu Âu tăng nhẹ do lo ngại về an ninh đường vận tải.

Đường ống dẫn khí đốt Urengoy-Pomary-Uzhhorod hiện là kết nối duy nhất qua đó khí đốt của Nga tiếp tục chảy qua Ukraine đến các nước EU (chủ yếu đến Slovakia, CH Séc và Áo). Trong nửa đầu năm nay, khoảng 8 tỷ m3 khí đốt được vận chuyển qua tuyến đường này, tương ứng 5% tổng lượng nhập khẩu của EU. Mặc dù nguồn cung cấp khí đốt không bị gián đoạn, nhưng sự kiện này đã làm dấy lên những lo ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng mới tại châu Âu.

Việc kiểm soát trạm đo khí Suja không chỉ có ý nghĩa chiến lược mà còn tạo ra một đòn bẩy trong các cuộc đàm phán tương lai giữa Ukraine và Nga. Nếu Ukraine duy trì quyền kiểm soát đối với các khu vực này, điều đó sẽ cải thiện vị thế của Ukraine trong các cuộc đàm phán trong tương lai, đồng thời gây áp lực lên các nước EU nhận khí đốt từ Nga.

Về mặt quân sự, khả năng Nga phản công để giành lại các khu vực bị Ukraine chiếm đóng là rất cao. Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định không sử dụng quân đội mà thay vào đó là triển khai cơ quan an ninh FSB để thực hiện chiến dịch chống khủng bố, thể hiện một nỗ lực khác, nhưng điều này có thể làm suy yếu khả năng phản công hiệu quả của Nga tại các mặt trận khác như Donbas, tạo cơ hội cho Ukraine đột phá tiền tuyến.

Trong khi đó, Jasen J. Castillo, đồng Giám đốc Trung tâm Chiến lược Albritton, Trường Chính phủ George HW Bush, Đại học Texas A&M cho rằng, mục tiêu quân sự của cuộc tấn công này trong ngắn hạn có thể làm giảm áp lực lên hệ thống phòng thủ của Ukraine khi Nga điều động lực lượng để ngăn chặn. Về lâu dài, Ukraine, quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực và trang thiết bị, sẽ làm cạn kiệt các đơn vị tinh nhuệ vốn cần thiết ở những nơi khác. Theo chuyên gia Castillo, trong một cuộc chiến tiêu hao, nhân lực và trang thiết bị là điều quan trọng.

Dự báo trong những ngày tới Ukraine có thể tận dụng điểm yếu của Nga để mở rộng quyền kiểm soát các khu vực khác đồng thời tập trung vào việc tăng cường phòng thủ ở các khu vực họ đang chiếm đóng. Mặc dù Nga quyết tâm đẩy lực lượng Ukraine ra khỏi lãnh thổ của mình nhưng Moskva có thể gặp khó khăn trong việc tập hợp lực lượng cần thiết để thực hiện điều đó. Việc sử dụng lực lượng quân sự được huấn luyện trên quy mô lớn hơn có thể gặp khó khăn do sự tham gia của hầu hết lực lượng ở Ukraine. Việc sử dụng lực lượng trên bộ cũng có thể sẽ gây khó khăn cho Nga trong việc tiếp tục tấn công ở Donbas và tạo cơ hội cho Ukraine phản công ở tiền tuyến.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo PISM/OSW)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/hau-qua-chinh-trikinh-te-va-quan-su-tu-cuoc-tan-cong-cua-ukraine-vao-lanh-tho-nga-20240821115103249.htm