Hậu quả của 'Kế hoạch hòa bình một bên'
Những ý kiến phản đối 'Kế hoạch hòa bình Trung Đông' của Mỹ tại phiên họp Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc, một lần nữa cho thấy bản kế hoạch mà Washington gọi là 'thỏa thuận thế kỷ' khó có thể trở thành giải pháp cho cuộc xung đột dai dẳng Israel - Palestine.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã chọn phiên họp HĐBA, thảo luận các diễn biến mới đây sau khi Mỹ công bố bản kế hoạch, để bác bỏ “thỏa thuận thế kỷ”, khẳng định rằng đây là bước đi đơn phương, vi phạm luật pháp quốc tế, chủ quyền và quyền dân tộc tự quyết của người dân Palestine; sẽ không mang lại hòa bình cho khu vực. Nhiều nước ủy viên HĐBA và là đồng minh của Washington ở châu Âu như Pháp, Đức, Bỉ và Estonia, cũng bày tỏ không đồng tình với “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” mà Mỹ vừa công bố.
Những động thái tại phiên họp HĐBA diễn ra sáng 12/2 (giờ Việt Nam) đã tiếp nối xu hướng phản đối “thỏa thuận thế kỷ” của Mỹ. Liên minh châu Âu (EU) khẳng định rằng văn bản này vi phạm "các giới hạn mà cộng đồng quốc tế đã nhất trí”.
Liên đoàn Arab (AL) thống nhất tẩy chay “thỏa thuận thế kỷ” với lý do kế hoạch không đáp ứng bất kỳ yêu cầu nhỏ nhất nào của Palestine. Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), gồm 57 quốc gia, tuyên bố kế hoạch của Mỹ “không đáp ứng những nguyện vọng tối thiểu và các quyền lợi hợp pháp của người dân Palestine, cũng như đi ngược lại tiến trình hòa bình”.
Ai Cập và Jordan, hai quốc gia Arab láng giềng và có hiệp định hòa bình với Israel, tuy không mạnh mẽ phản đối kế hoạch, nhưng nêu rõ lập trường ủng hộ giải pháp hai nhà nước, ủng hộ thành lập nhà nước Palestine độc lập có đường biên giới năm 1967, Đông Jerusalem là thủ đô và hồi hương người tị nạn Palestine.
Các diễn biến trên rõ ràng làm lung lay "giải pháp hai nhà nước một cách thực tế” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố.
Có thể thấy kế hoạch hòa bình của Mỹ về lý thuyết là thuận theo giải pháp hai nhà nước, một nhà nước Israel và một nhà nước Palestine, nhưng trên thực tế kế hoạch chỉ đề xuất thành lập lãnh thổ cho người Palestine phi quân sự, nằm bên trong lãnh thổ Israel và phụ thuộc bên ngoài, Bờ Tây và Dải Gaza vẫn là các vùng lãnh thổ tách rời, được nối với nhau bằng một đường hầm nhưng không nêu rõ thời gian xây dựng. Nói cách khác, những gì Palestine nhận được chỉ là những mảnh đất bị chia cắt thành từng mảnh.
Theo kế hoạch, Jerusalem vẫn sẽ là thủ đô không thể chia cắt của Israel; cho phép Israel duy trì các hàng rào an ninh hiện đang phân chia địa lý giữa Đông Jerusalem và phía Đông của Jerusalem (khu ngoại ô nằm ở phía Đông). Phần Đông Jerusalem mà Mỹ đề xuất cho Palestine làm thủ đô là phần ngoại ô của Đông Jerusalem mà Palestine đòi hỏi. Israel có chủ quyền với khu thành cổ Jerusalem, là khu vực linh thiêng của cả ba tôn giáo là Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo.
Như vậy, kế hoạch này đặt thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai ở một khu vực gần với Jerusalem, chứ không phải trong phạm vi thành phố này, trái với yêu cầu của Palestine rằng Đông Jerusalem phải được thừa nhận là thủ đô của nhà nước Palestine.
Kế hoạch của Mỹ cũng cho phép Israel sáp nhập các khu định cư tại Bờ Tây và Thung lũng Jordan, đồng nghĩa với hợp thức hóa việc Israel chiếm giữ phần lớn Bờ Tây. Ngay cả nếu một nhà nước Palestine tồn tại thì Israel vẫn có thể kiểm soát toàn bộ sự tiếp cận đối với nhà nước Palestine và sẽ chi phối về mặt kinh tế và quân sự, bởi để được công nhận là nhà nước độc lập, Palestine phải thỏa mãn các yêu cầu về an ninh của Israel như phải phi quân sự hóa, giải giáp các lực lượng vũ trang.
Giới phân tích nhìn nhận kế hoạch của Tổng thống Trump đề xuất trao cho người Palestine ít hơn những kế hoạch mà các chính quyền Mỹ trước đây đề xuất trao cho Palestine, thậm chí còn ít hơn những gì Israel đề xuất trao cho Palestine trong 20 năm qua. Bởi vậy, kế hoạch của Mỹ được đánh giá là xem trọng các mục tiêu chiến lược của Israel nhiều hơn là tính đến quyền lợi của người Palestine, mà như cách gọi của tuần báo Anh The Economics là “Kế hoạch hòa bình một bên".
Giáo sư về luật quốc tế tại Đại học Hebrew của Jerusalem (Israel), ông Yuval Shany, cho rằng kế hoạch này cho phép Israel đơn phương sáp nhập vùng lãnh thổ được cộng đồng quốc tế coi là một phần của những khu vực mà quyền tự quyết của Palestine cần được thực thi. Do đó, kế hoạch này không cho người dân Palestine thực hiện quyền tự quyết của mình theo luật quốc tế và sẽ không dẫn đến sự tồn tại của một nhà nước Palestine.
Nhà nghiên cứu địa chính trị Pascal Boniface tại Viện Nghiên cứu quốc tế và chiến lược có trụ sở tại Paris (Pháp) thì nhận định đây đích thực là một bản kế hoạch được trực tiếp lập ra giữa Israel và Mỹ, một "kiểu hòa bình của kẻ thắng" và mô hình hòa bình kiểu Mỹ này có nguy cơ làm tiêu tan mọi triển vọng hòa bình thật sự giữa Israel và Palestine.
Chính quyền Palestine phản đối kế hoạch của Mỹ, tái khẳng định lập trường về thành lập một nhà nước Palestine độc lập với đường biên giới năm 1967, Đông Jerusalem là thủ đô, hồi hương người tị nạn Palestine. Đối với Israel, khối cánh hữu nhìn chung ủng hộ kế hoạch, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, phát biểu khi cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump dự buổi công bố kế hoạch tại Nhà Trắng, còn tuyên bố sẽ tiến hành các bước đi tiến tới sáp nhập tất cả các khu định cư tại Bờ Tây và Thung lũng Jordan.
Tuy nhiên, một bộ phận thuộc giới trí thức Israel cho rằng đây là kế hoạch tồi bởi kế hoạch này trong tương lai có thể dẫn tới giải pháp một nhà nước vì khi đó người Do Thái và người Palestine/Arab sẽ cùng chung một quốc gia với dân số tương đương hoặc số lượng người Palestine/Arab lớn hơn
Giới phân tích đánh giá kế hoạch hòa bình này “thiên vị”, quá ưu đãi cho Israel và điều đó sẽ có thể kích động người dân Palestine phản ứng bạo lực ở Bờ Tây cũng như có thể tiến hành các cuộc tấn công bằng rocket từ dải Gaza nhằm vào Israel. Hậu quả lâu dài và đáng kể nhất mà kế hoạch hòa bình của Tổng thống Trump gây ra sẽ là sự chôn vùi giải pháp hai nhà nước.
Giáo sư Richard Betts, Giám đốc Viện Saltzman nghiên cứu chiến tranh và hòa bình, Giám đốc Chương trình Chính sách an ninh quốc gia tại Đại học Columbia (Mỹ) nhận định “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” của Tổng thống Trump không có tính thực tiễn.
Theo Giáo sư Richard Betts: “chẳng ai tin là kế hoạch hòa bình của ông Trump sẽ giải quyết được gì, trừ việc tạo điều kiện cho chính quyền Israel có thêm tự do để làm những gì họ muốn”. Với việc Mỹ “bật đèn xanh”, chính quyền Israel có thể có thêm nhiều hành động hiếu chiến nhằm chiếm đoạt thêm các vùng lãnh thổ và khiến cho việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập ngày càng khó khả thi.
Nhìn chung, thời điểm Tổng thống Trump công bố “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” và nội dung kế hoạch làm cho “thỏa thuận thế kỷ” này không thực sự là kế hoạch ngoại giao, nên khó dẫn tới đàm phán giải quyết xung đột Israel - Palestine.
Bản thân thời điểm công bố kế hoạch cũng được đánh giá là để Tổng thống Trump chứng minh cho cử tri Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống cuối năm nay, rằng ông có thể làm được những việc lớn lao và đầy khó khăn, đồng thời đảm bảo rằng Thủ tướng Israel Netanyahu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 3 khi củng cố được lực lượng cử tri cánh hữu. Khả năng Israel và Palestine đạt được thỏa thuận hòa bình như đề xuất trong kế hoạch của Mỹ là chưa rõ ràng vì Palestine và khối Arab đã bác bỏ kế hoạch này.
Do đó, “kế hoạch hòa bình Trung Đông” của Tổng thống Trump có thể giải quyết được xung đột Israel - Palestine hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ và phải chờ đợi cho đến sau cuộc bầu cử tại Israel vào đầu tháng 3 tới, nhưng rõ ràng là chưa thể có một nhà nước Palestine độc lập trong tương lai gần.