Hậu quả khi ho lâu mà không rõ nguyên nhân cần biết sớm kẻo hối hận
Có rất nhiều nguyên nhân gây ho, nhưng nếu tình trạng ho mãn tính kéo dài thì một trong những nguyên nhân đầu tiên cần phải nghĩ đến là do trào ngược dạ dày- thực quản.
Ông N.T.P. (56 tuổi, Bắc Giang) ho kéo dài hơn 1 năm nay, chữa trị nhiều lần không khỏi, tình trạng ho, khó thở, tức ngực ngày càng nhiều hơn.
Lo lắng mình bị ung thư phổi, ông P. đi khám, chụp chiếu, nội soi, lúc này ông được phát hiện mắc bệnh lý trào ngược thực quản và viêm loét dạ dày.
"Nhiều khi ho không phải bởi đường hô hấp bị viêm nhiễm mà lại do dạ dày có vấn đề do đang phải chịu đựng những cơn trào ngược. Ho do trào ngược dạ dày thực quản dù rất thường xảy ra nhưng lại ít khi được quan tâm.
Nhiều bệnh nhân được phát hiện trào ngược thực quản cho biết trước đó họ từng gặp bác sĩ nhiều lần, uống nhiều loại thuốc ho, thậm chí cả kháng sinh liều cao nhưng ho vẫn hoàn ho trong một thời gian dài" – TS. Lê Việt Khánh, Phó trưởng Khoa Cấp cứu tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức, chia sẻ.
TS. Dương Trọng Hiền, Trưởng khoa Cấp cứu tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức, cho biết thêm, trào ngược dạ dày - thực quản là một căn bệnh rất thường gặp, tỉ lệ phát hiện bệnh ngày càng nhiều. Tuy nhiên, bệnh này dễ nhầm lẫn và dễ bỏ sót, vì có nhiều biểu hiện khác nhau nên thường người bệnh khó phát hiện như biểu hiện viêm họng, nóng rát vùng xương ức…
Mức độ nguy hiểm của bệnh
TS. Hiền phân tích trào ngược dạ dày - thực quản còn được gọi là trào ngược axit dạ dày, là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên của dịch dạ dày lên thực quản.
Trào ngược dạ dày - thực quản có thể sinh lý, chức năng (không làm ảnh hưởng sinh hoạt và phát triển thể chất của cơ thể), hoặc bệnh lý có thể gây ra suy dinh dưỡng, viêm thực quản và một số biến chứng hô hấp khác, thậm chí tử vong.
Đáng chú ý, đa phần những người mắc trào ngược dạ dày - thực quản thường chủ quan, xem nhẹ các triệu chứng của bệnh mà không chữa trị dứt điểm làm cho bệnh diễn tiến nhanh, kéo dài, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm loét, chảy máu thực quản: Dịch dạ dày trào ngược lên thực quản thường xuyên làm tổn thương niêm mạc thực quản, gây viêm loét. Có thể làm người bệnh gặp các triệu chứng như: khó nuốt, nuốt đau, đau ngực... Đặc biệt, đau phía sau xương ức khi ăn uống, buồn nôn, ói mửa, mất cảm giác thèm ăn.
- Hẹp thực quản: Xơ hóa thực quản do viêm sẽ làm co rút thực quản, hẹp thực quản.
- Viêm đường hô hấp: Khi các thành phẩm trong dạ dày trào ngược lên thực quản vào đường hô hấp gây ra tình trạng viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phế quản, viêm phổi, ho kéo dài dẫn đến hen mãn tính và các bệnh lý đường hô hấp khác.
Người bệnh bị ho, khò khè kéo dài nhưng không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với các phương pháp điều trị thông thường. Một số bị khàn tiếng do dây thanh quản trong cổ họng bị dày lên. Ngoài ra, người bị bệnh trào ngược có thể bị mòn răng, viêm tai, viêm tuyến giáp…
- Barett thực quản (tiền ung thư thực quản): Đây là tình trạng các tế bào lót ở vùng thấp thực quản bị biến đổi màu sắc, do sự tiếp xúc lặp đi lặp lại với axit dạ dày. Chỉ có một tỉ lệ phần trăm nhỏ những người bị trào ngược dạ dày thực quản sẽ phát triển thành Barett thực quản.
- Ung thư thực quản: Trào ngược dạ dày dẫn đến Barett thực quản và gây ra ung thư thực quản là biến chứng hiếm gặp, nghiêm trọng. Các triệu chứng thường gặp như: nuốt nghẹn, trớ, đau sau xương ức, cảm giác đau dai dẳng, khàn tiếng, ho khạc liên miên, đau ngực, hội chứng nhiễm trùng nổi bật.
Đôi khi sờ thấy hạch to ở hố thượng đòn bên trái hoặc cả hai bên. Sau một thời gian mắc bệnh, toàn thân bệnh nhân gầy sút, trong vòng 1 tháng có thể sút hơn 5kg do nuốt nghẹn, suy dinh dưỡng, da sạm, khô, các nếp nhăn nổi rõ, mặt và hai bàn tay có nhiều nếp nhăn nổi rõ và dễ nhận thấy nhất.
Trào ngược dạ dày có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, trong đó có ho. Giải thích về điều này, các chuyên gia cho rằng: Cơ vòng thực quản dưới có nhiệm vụ ngăn không cho chất nhầy, axit trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Khi cơ vòng này suy yếu, sẽ khiến axit dễ dàng trào ngược lên thực quản hơn.
Khi tình trạng này diễn ra sẽ khiến người bệnh xuất hiện một vài biểu hiện ở đường tiêu hóa và cả khoang miệng, vùng họng hay đường hô hấp, dẫn đến các triệu chứng bao gồm, cảm giác nóng rát xuất hiện ở vùng ngực, bị ợ nóng hoặc ợ chua sau khi ăn.
Ngoài ra, người bệnh đôi khi cũng sẽ cảm thấy bị đau ngực, khó nuốt, thường xuyên ho hoặc bị viêm họng, viêm thanh quản. Những dấu hiệu này sẽ ngày càng nặng hơn khi bạn nằm xuống, sau khi ăn no hoặc ăn các loại thực phẩm cay, nóng, nhiều dầu mỡ,…
Cách phòng tránh
Để giảm triệu chứng trào ngược dạ dày - thực quản, bác sĩ Trần Cảnh, Bệnh viện K, chỉ ra các cách đơn giản như sau:
Ăn uống lành mạnh: Lựa chọn thực phẩm có tính kiềm, có khả năng trung hòa axit: thực phẩm từ tinh bột như bánh mì hay bột yến mạch, hay đạm dễ tiêu… vì các thực phẩm này giúp tránh sự bào mòn lớp nhầy trong dạ dày của axit, hạn chế các nhịp cơ thắt thực quản có axit trào lên. Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, tránh ăn quá no. Tránh ăn các loại thực phẩm cay, nóng, nhiều dầu mỡ, đồ ăn chiên xào. Tránh ăn các loại thực phẩm có tính axit cao như cam, chanh, bưởi, cà chua, thức ăn gây kích ứng như chứa hành, tỏi, bạc hà; đồ uống kích thích như cà phê, rượu, chè, đồ uống có gas; …
Giảm căng thẳng: Căng thẳng có thể làm tăng tiết axit dạ dày, từ đó tăng nguy cơ trào ngược. Tìm cách quản lý căng thẳng và áp lực, chẳng hạn như tập thể dục thường xuyên, thiền, yoga,…
Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá có thể làm tổn thương niêm mạc thực quản, tăng nguy cơ trào ngược.
Kiểm soát cân nặng: Béo phì có thể làm tăng áp lực lên dạ dày, từ đó tăng nguy cơ trào ngược.
Nâng cao đầu khi nằm ngủ: Nâng cao đầu khi nằm ngủ giúp giảm axit trào ngược lên thực quản. Không nên nằm ngay sau khi ăn 2 - 3 tiếng vì khoảng thời gian này thức ăn vẫn nằm trong dạ dày nên có thể dễ dàng trào ngược khi nằm.
Nên nằm tư thế nghiêng trái vì tư thế nằm nghiêng phải khiến dịch trong dạ dày dễ trào qua chỗ nối dạ dày thực quản hơn.
Trào ngược dạ dày - thực quản sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm vì vậy cần soi thực quản dạ dày định kỳ, hoặc soi dạ dày thực quản khi có một trong các dấu hiệu. Khi phát hiện ra bệnh cần điều trị sớm và triệt để, điều trị càng sớm hiệu quả càng cao và người bệnh càng ít bị biến chứng.
Quỳnh Chi (t/h)