Hậu quả khủng khiếp Israel sẽ phải gánh vì trái ý Nga, tấn công Syria
Bằng cách đe dọa Israel về việc dùng bạo lực, Nga đang gửi đi một tín hiệu rằng Israel sẽ làm tốt nếu tuân theo logic và thỏa thuận đã được Moscow nhắc đến ở Syria.
Theo RT, cách Nga phản ứng trước các cuộc tấn công của Israel vào các mục tiêu Iran bên trong Syria có thể tạo nên sự khác biệt lớn tới khu vực này: Một cuộc chiến toàn diện bùng phát hay xung đột tiếp tục âm ỉ ở mức nguy hiểm.
Trong một tuyên bố chính thức vào tuần trước, đặc phái viên của Tổng thống Nga tại Syria, Alexander Lavrentiev, chỉ ra rằng Moscow đang nhanh chóng mất kiên nhẫn với Israel về các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu được cho là của Iran trên đất Syria. “Không sớm thì muộn, sự kiên nhẫn của Nga và Chính phủ Syria có thể như giọt nước tràn ly và một cuộc tấn công trả đũa sẽ xảy ra, theo đó sẽ dẫn đến một vòng căng thẳng mới. Những cuộc tấn công này phải được dừng lại vì chúng phản tác dụng. Chúng tôi hy vọng rằng phía Israel sẽ nghe thấy những quan ngại của chúng tôi, bao gồm cả những lo ngại về khả năng leo thang bạo lực ở Syria ”, tuyên bố của ông Alexander Lavrentiev có đoạn.
Lời cảnh báo của ông Lavrentiev là một lời đe dọa thẳng thừng nhằm vào Israel. Nếu Israel tiếp tục ném bom Syria, Nga sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc bắn hạ máy bay của họ.
Kể từ thời điểm Nga điều lực lượng vũ trang của mình tới Syria vào tháng 9/2015 để ngăn chặn sự sụp đổ của chính phủ Syria của Tổng thống Bashar Assad dưới bàn tay của những kẻ khủng bố Hồi giáo do Mỹ hậu thuẫn, Moscow đã nhận thấy họ đang ở giữa của các trò chơi địa chính trị cạnh tranh.
Một trong những vấn đề chính mà Nga phải đối mặt là tránh cuộc xung đột trên không phận của nước này giữa lực lượng không quân và liên minh chống Nhà nước Hồi giáo do Mỹ đứng đầu. Nhiệm vụ này rất phức tạp bởi thực tế là Mỹ đang thực sự sử dụng chiến dịch chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) như một vỏ bọc để đào tạo và trang bị cho các lực lượng Hồi giáo chuyên tiêu diệt ám sát. Mỹ cũng tìm cách tận dụng ảnh hưởng của mình với người Kurd ở Syria để tạo ra một khu vực tự trị ở đông bắc Syria hoạt động bên ngoài sự kiểm soát của Damascus.
Nga phải đối mặt với vấn đề tương tự với Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO có tham vọng tham gia vào một chính sách mà nếu thành công, sẽ dẫn đến việc đưa tỉnh Aleppo của Syria vào khu vực chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ. Giống như Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia vào một quá trình kéo dài nhiều năm để tổ chức và trang bị cho các lực lượng chống chính quyền Assad. Các lực lượng này hoạt động dưới sự kiểm soát trực tiếp của các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, và khi Nga hỗ trợ chính phủ Syria nỗ lực giành lại lãnh thổ bị mất vào tay các nhóm này, máy bay của Nga thường xuyên tham gia vào các hoạt động quân sự trực tiếp chống lại lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Iran cũng chịu ràng buộc lớn ở Syria. Giống như Nga, sự can dự của Iran được đưa ra theo lời mời rõ ràng của chính phủ Syria. Và chính Iran đã thuyết phục Nga can thiệp vào quốc gia Trung Đông này. Do đó, Nga và Iran đều có mục đích chung là ổn định tình hình an ninh ở Syria. Tuy nhiên, sự can dự của Iran không chỉ đơn giản là giúp đỡ Syria, mà thay vào đó là một phần của chiến lược khu vực lớn hơn được xây dựng dựa trên khái niệm “trục kháng cự” mang ý nghĩa tăng cường an ninh khu vực của Iran.
Do đó, Iran đã sử dụng cuộc xung đột Syria như một vỏ bọc để tạo điều kiện hỗ trợ quân sự cho Hezbollah ở Lebanon, vừa cung cấp cho tổ chức đó các loại đạn dược dẫn đường chính xác có khả năng tiếp cận Israel vừa lập mặt trận thứ hai trên thực địa bằng cách giúp Hezbollah tự thành lập ở khu vực Golan, miền nam Syria.
Các hành động của Iran đã bị Israel coi là đe dọa và Israel đã đáp trả bằng cách thực hiện một chiến dịch không kích nhằm tiêu diệt và ngăn chặn hoạt động mà họ cho là “ác ý với Iran” .
Về phần mình, Nga cũng tìm cách gây áp lực buộc Iran phải giảm bớt sự hiện diện của họ dọc theo biên giới với Israel. Nhưng Nga có thể làm được rất ít trong nỗ lực ngăn chặn Iran cung cấp vũ khí cho Hezbollah.
Như vậy, Nga đã "bó tay" trong cách ngăn chặn các cuộc tấn công của quân đội Israel nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến bất kỳ hoạt động nào của Iran ở Syria. Trong khi Nga đã nhiều lần cảnh báo Israel về tác động gây mất ổn định của các cuộc không kích nhưng Nga đã tránh đưa ra bất kỳ mối đe dọa trực tiếp nào nhằm vào Israel. Và phát biểu mới đây của Lavrentiev đã làm thay đổi phép tính này.
Israel đã và đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột rộng lớn hơn với Iran và theo một số chuyên gia an ninh Israel dự đoán "miền nam Syria có thể biến thành nơi diễn ra cuộc chiến đầu tiên ở phía bắc giữa Israel và các lực lượng Iran"vào năm 2021. Tính toán lớn với Israel có thể bị chi phối khi Nga phản ứng.
Hiện tại, Nga đã ngăn cản Syria sử dụng các hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến do Nga cung cấp. Tương tự như vậy, Nga đã ngăn không cho các máy bay chiến đấu của họ hoạt động ở những khu vực mà họ có thể chạm trán với máy bay Israel. Chính sách kiềm chế này dường như đã khuyến khích Israel, quốc gia gần đây đã gia tăng cả phạm vi và quy mô các cuộc không kích nhằm vào các vị trí của Iran bên trong Syria.
Tuyên bố hết kiên nhẫn của Nga sẽ có thể sớm tác động đến các hành động của Israel ở Syria. Câu hỏi đặt ra là liệu Israel có tin rằng Nga đang đơn thuần đe dọa hay có sẵn sàng đáp trả các cuộc không kích ở Syria hay không.
Lịch sử cho thấy Nga hiếm khi đe dọa xuông. Cũng nên xem lại những hậu quả tiềm ẩn sau những đòn "trả đũa" của Nga. Moscow thừa nhận rằng giải pháp cho các vấn đề của Syria sẽ chỉ đến sau một thời gian dài thay đổi chính trị và ngoại giao. Bằng cách đe dọa Israel về việc dùng bạo lực, Nga đang gửi đi một tín hiệu rằng Israel sẽ làm tốt nếu tuân theo logic và thỏa thuận đã được Moscow nhắc đến. Mặc dù có thể không có giải pháp quân sự nào cho bài toán hóc búa Syria nhưng rất có thể hậu quả khủng khiếp sẽ đến với bất kỳ tính toán sai lầm nào của Israel.