Hậu quả lớn từ những mâu thuẫn bộc phát nhất thời

Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống, các đối tượng có thể dùng dao hoặc hung khí nguy hiểm gây thương tích cho đối phương. Tình trạng cố ý gây thương tích bằng hung khí ngày càng diễn ra liều lĩnh, manh động.

Đoàn Quang Pháp (giữa) cùng các đồng phạm phải lãnh án nặng về tội giết người và cố ý gây thương tích.

Đoàn Quang Pháp (giữa) cùng các đồng phạm phải lãnh án nặng về tội giết người và cố ý gây thương tích.

Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu là do: ăn nhậu không làm chủ được hành vi, mâu thuẫn khi tham gia giao thông, thách thức qua mạng xã hội, ghen tuông và nhất là tính hơn thua, muốn chứng tỏ bản thân của một bộ phận giới trẻ hiện nay…

Giận quá, mất khôn

Hầu hết những vụ cố ý gây thương tích đều là do nóng giận bộc phát nhất thời, xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống khiến cho đôi bên phải “đổ máu”.

Trong số đó có nhiều vụ việc xảy ra mâu thuẫn nhỏ giữa bạn bè, người thân và dùng bạo lực giải quyết. Để rồi khi hối hận thì lại quá muộn. Đơn cử như mới đây, bị can Nguyễn Vũ Đình (22 tuổi, ngụ phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa) bị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Biên Hòa truy tố về tội cố ý gây thương tích khiến bạn tử vong.

Nguyên nhân được xác định, vào ngày 28-1-2022, Đình đi nhậu với anh Lê Nguyễn Hoàng An (23 tuổi, ngụ cùng phường Tân Biên). Sau khi về đến nhà, Đình chê An nhậu kém, dẫn đến hai bên lời qua tiếng lại. Sau đó, cả 2 tiếp tục gọi điện, nhắn tin thách thức nhau nên Đình lấy tuýp sắt đến đánh anh An. Khi Đình giơ tuýp sắt lên đánh, anh An sợ bỏ chạy và vấp ngã úp mặt xuống đường dẫn đến tử vong.

Cũng có những vụ việc do mâu thuẫn trong quá trình chạy xe dẫn đến xô xát và gây thương tích khiến kẻ bị thương, người phải vướng vào vòng lao lý. Điển hình như ngày 6-11-2023, Phạm Văn Miên (43 tuổi, ngụ xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ) đang đứng trước cửa nhà thì có ông Dịp A Minh (42 tuổi, ngụ xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ) chạy xe máy ngang qua với tốc độ cao. Lúc này, ông Miên nói: “Mày khùng hay sao mà chạy dữ vậy, lỡ trúng người thì sao”. Nghe vậy, ông Minh quay lại chỗ ông Miên và hai bên xảy ra xô xát. Ông Miên đã lấy ná thun bắn trúng mắt của ông Minh gây thương tật tỷ lệ 25% và ông Miên bị truy tố về tội cố ý gây thương tích.

Cũng có những vụ việc để lại hậu quả nặng nề do mâu thuẫn sau cuộc nhậu dẫn đến người mất mạng và nhiều người khác bị thương. Đơn cử như ngày 16-1-2024, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Đoàn Quang Pháp (40 tuổi, ngụ xã Bình Sơn, huyện Long Thành) 13 năm tù về tội giết người và 4 bị cáo khác từ 18-24 tháng tù/bị cáo cùng về tội cố ý gây thương tích.

Nội dung vụ án xác định, vào tháng 9-2022, sau khi ăn nhậu và rủ nhau đi hát karaoke thì giữa Đoàn Quang Phi (ngụ xã Bình Sơn) và Cao Văn Bình (36 tuổi, ngụ xã Bình An) nảy sinh mâu thuẫn về việc tính tiền. Bình đã lấy dao đâm Phi gây thương tật tỷ lệ 14%. Biết tin Phi bị đâm, Pháp xách dao đến đâm Bình tử vong, còn Pháp bị thương tật tỷ lệ 5%.

Luật sư Vũ Văn Tăng, Đoàn Luật sư tỉnh, cho hay theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11-30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp như: dùng hung khí nguy hiểm, dùng acid hóa chất, gây án đối với ông, bà, cha mẹ… thì bị phạt tù cao nhất 3 năm. Trong các trường hợp gây tổn thương cơ thể người khác từ 31-60%, gây thương tích cho 2 người trở lên… thì có thể bị xử phạt đến 6 năm tù.

Đừng để nóng giận che mờ mắt

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh, tình trạng nhóm thanh, thiếu niên hư hỏng tụ tập, lôi kéo tham gia đánh nhau, gây rối trật tự công cộng để giải quyết mâu thuẫn vẫn tiếp tục xảy ra trong thời gian qua. Dù mâu thuẫn nhỏ nhưng các đối tượng đã thể hiện sự côn đồ, manh động trong cách ứng xử, gây hoang mang dư luận.

Những đối tượng tham gia đánh nhau đa số có độ tuổi còn trẻ, từ 16-30, thường bỏ học sớm, sống buông thả và tụ tập để đi đánh nhau. Đặc biệt nổi lên là tình trạng sử dụng chất kích thích như: rượu, bia và xảy ra mâu thuẫn khi ngồi nhậu chung dẫn đến đánh nhau gây thương tích. Bên cạnh đó, nhiều vụ cố ý gây thương tích do nóng giận bộc phát giữa đôi bên bởi va chạm trong sinh hoạt hàng ngày.

Cũng theo đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, hành vi cố ý gây thương tích thường rất nguy hiểm, thậm chí là gây ra án mạng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vẫn gặp khó khăn trong quá trình giải quyết và xử lý triệt để, nghiêm khắc đối với loại tội phạm này vì bị hại không chịu đi giám định nên khó xử lý đối với người gây ra hành vi cố ý gây thương tích…

Do đó, khi vụ án liên quan đến hành vi cố ý gây thương tích xảy ra, việc thu thập chứng cứ ngay từ đầu có vai trò rất quan trọng, công tác khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ và đưa bị hại đi giám định ngay từ đầu là điểm then chốt trong vụ án. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra sớm để đảm bảo vụ án được giải quyết đúng bản chất và xử lý nghiêm đối với các hành vi gây thương tích.

Bên cạnh đó, để kiểm soát tình trạng cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn tỉnh, rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng hỗ trợ từ người dân. Ngoài công tác tuyên truyền pháp luật của cơ quan chức năng thì khi phát hiện xảy ra mâu thuẫn, người thân, bạn bè của các đối tượng cần khuyên răn, ngăn chặn kịp thời. Đối với thanh, thiếu niên, nhất là học sinh, sinh viên, cần được giáo dục ngay từ gia đình, nhà trường để giúp các em hiểu được hậu quả lớn từ những cơn nóng giận nhất thời. Bởi mọi sự nóng giận đều khiến mỗi người phải trả giá rất đắt bằng tính mạng, sức khỏe và những bản án nghiêm khắc của pháp luật.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202406/hau-qua-lon-tu-nhung-mau-thuan-boc-phat-nhat-thoi-2dd4d0c/