Hậu quả từ việc phát triển trồng cây đinh lăng tự phát
Xã Trực Thắng (Trực Ninh) có tổng diện tích đất tự nhiên gần 600ha. Từ nhiều năm trước, nắm bắt nhu cầu của thị trường tận dụng lợi thế thổ nhưỡng của địa phương người dân trong xã đã phát triển trồng cây đinh lăng dược liệu. Từng được người dân ví như
Xã Trực Thắng (Trực Ninh) có tổng diện tích đất tự nhiên gần 600ha. Từ nhiều năm trước, nắm bắt nhu cầu của thị trường tận dụng lợi thế thổ nhưỡng của địa phương người dân trong xã đã phát triển trồng cây đinh lăng dược liệu. Từng được người dân ví như “nhân sâm của người nghèo” nhưng thời gian gần đây, giá đinh lăng giảm mạnh ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người trồng.
Theo con đường trải bê tông nhỏ, hai bên xanh mướt màu của lá đinh lăng, chúng tôi tìm đến nhà của ông Nguyễn Văn Thọ ở xóm 3. Là một trong những người đầu tiên của xã đem cây đinh lăng về trồng, ông Thọ tâm sự: Trên diện tích 1ha đất trồng cam, chanh hiệu quả không cao, ông chuyển đổi sang trồng cây đinh lăng. Đinh lăng là loại cây khá dễ trồng. Ông Thọ đã tìm hiểu kỹ càng cách trồng chăm sóc cây nên không gặp nhiều trở ngại, cây phát triển tốt, được người mua đánh giá cao. Ba năm đầu trồng đinh lăng, ông Thọ thu lãi hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giá đinh lăng ngày càng xuống thấp. Nếu trước kia giá bán toàn bộ rễ, thân, lá khoảng 30-40 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên tới 50 nghìn đồng/kg thì giờ chỉ còn được 1/3 đến 1/4 so với giá ban đầu. Không những vậy, người mua đinh lăng lại yêu cầu cây đinh lăng phải đúng 3 năm tuổi, chỉ mua củ và mua rễ đinh lăng phần cách mặt đất 20cm trở xuống thay vì từ gốc đến ngọn như trước đây. Bao nhiêu tâm huyết ông Thọ đặt hết vào vườn cây đinh lăng, giờ giá xuống quá thấp, người trồng bị lỗ. Ông Phạm Văn Quang ở xóm 2 có khoảng 2.000 cây đinh lăng cũng đang trong tình cảnh đứng ngồi không yên vì giá cây đinh lăng xuống thấp. Để vườn cây đinh lăng tốt tươi như hôm nay, ông đã bỏ ra nhiều công sức. Ông Quang cho biết: “Tôi thường đến tận vườn hoặc vào các đại lý uy tín để chọn giống đinh lăng lá nhỏ, khỏe mạnh, già cành để làm giống”. Mặc dù đinh lăng là một loại cây khá “dễ tính” nhưng cũng không thể tránh khỏi việc cây bị sâu bệnh. Vì vậy, ông phải phun thuốc phòng trừ sâu, ủ hỗn hợp đất ải, phân gà, phân vịt, phân lân, tro, vỏ trấu… để chăm bón. Ông cho biết: “Để có được vườn cây đinh lăng như hiện nay, tôi đã phải đầu tư rất nhiều, từ giống, phân bón, tiền công làm đất, chăm sóc… Chỉ mong cây đinh lăng sớm lấy lại được giá trị của mình để người trồng cây đinh lăng như tôi không bị thua lỗ”.
Hiện nay hầu hết người trồng đinh lăng ở xã Trực Thắng đang gặp khó khăn. Nguyên nhân do các sản phẩm từ cây đinh lăng được xuất bán chủ yếu sang thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc. Nhưng gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 không thể xuất bán được nên lượng mua và giá thành bị ảnh hưởng. Trước kia, chỉ có ở huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng trồng cây đinh lăng theo đơn đặt hàng của các công ty dược phẩm. Do thấy lợi nhuận cao nên người dân ở các địa phương cũng đổ xô trồng dẫn tới không theo quy luật cung cầu. Nhiều gia đình đầu tư sau, đến khi sắp thu hoạch giá đinh lăng bất ngờ giảm mạnh dẫn tới khó khăn chồng khó khăn.
Để khắc phục những khó khăn trên, xã Trực Thắng cần rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch vùng trồng cây đinh lăng trên địa bàn. Thực hiện giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sang trồng cây đinh lăng, kiên quyết quản lý trồng theo quy hoạch. Trước mắt các địa phương cần phối hợp với các ngành chức năng trong tỉnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ giúp người dân sớm ổn định cuộc sống./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa