Hậu thanh tra mua sắm thiết bị chống COVID-19: Hàng loạt lãnh đạo cơ sở y tế ở Bà Rịa-Vũng Tàu bị... phê bình, nhắc nhở
Ngày 3/11, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành thông báo kết quả kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan thuộc thẩm quyền của Giám đốc Sở này, theo Kết luận thanh tra 46/KL-TTr ngày 22/7/2022 của Chánh thanh tra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Cụ thể, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiểm điểm theo hình thức Phê bình đối với ông Nguyễn Văn Lên, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (CDC tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu); ông Trần Mạnh Hải, Chuyên viên phòng Kế hoạch tài chính Sở Y tế Bà Rịa-Vũng Tàu.
Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhắc nhở đối với ông Nguyễn Thanh Phước - Giám đốc Bệnh viện Vũng Tàu, ông Nguyễn Liên - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm y tế thị xã Phú Mỹ, ông Đoàn Văn Bỉ - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Đất Đỏ, ông Phan Châu Thanh - Giám đốc Trung tâm y tế huyện huyện Châu Đức, ông Hồ Văn Hải - nguyên Giám đốc Trung tâm y tế huyện Xuyên Mộc. Ngoài ra, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng nhắc nhở tập thể lãnh đạo phòng Kế hoạch tài chính Sở Y tế.
Hồi cuối tháng 8, ông Nguyễn Văn Đa, Chánh Thanh tra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ký ban hành văn bản số 1279/TB-TTr, thông báo kết luận thanh tra về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh này.
Qua thanh tra cho thấy, việc đề xuất nhu cầu mua sắm của các địa phương, các cơ sở y tế chưa lý giải đầy đủ, nêu rõ được tính cấp thiết về số lượng cần mua sắm mà chỉ nêu chung chung phục vụ cho việc phòng chống dịch.
Điển hình, tại gói thầu mua sắm test kháng nguyên SARS-CoV-2 phục vụ phòng chống dịch COVID-19 (đợt 5), CDC tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề xuất nhu cầu mua sắm về số lượng, chưa đề xuất chủng loại và không kèm theo biên bản họp Hội đồng Khoa học công nghệ.
Thiết bị máy thở mua có cấu hình, tính năng kỹ thuật khác với đề xuất của Bệnh viện Bà Rịa không đáp ứng để sử dụng cho cơ sở điều trị COVID-19, phải hoán đổi nhưng tại thời điểm mua sắm, Sở Y tế không nêu rõ lý do thay đổi so với đề xuất của bệnh viện.
Việc mua sắm vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm có giá trị trên 10 tỷ đồng do Sở Y tế thẩm định, đã không tham mưu UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện nội dung này nên không kiểm chứng được tính chính xác của chứng thư thẩm định giá do các đơn vị tư vấn thẩm định giá tư nhân phát hành.
"Việc Sở Y tế vừa là cơ quan lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, vừa là tổ chức thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu mua sắm vật tư y tế là chưa đảm bảo tính độc lập theo quy định" - cơ quan thanh tra chỉ ra sự bất cập.
Đáng chú ý, quá trình thanh tra xác định, kết quả lựa chọn nhà thầu cho thấy giá trúng thầu đối với các loại hàng hóa từ khi nhập khẩu và sản xuất trong nước đều được mua qua bán lại (giữa các nhà cung cấp và đơn vị trúng thầu) đến khi tổ chức mua sắm làm cho giá tăng. Chưa có sự kiểm soát chặt chẽ giá thiết bị, hàng hóa của các cơ quan chức năng quản lý về giá nhập khẩu, giá kê khai, để các doanh nghiệp tự quyết định về giá. Trong hồ sơ đấu thầu, các tờ khai hải quan không thể hiện giá nhập khẩu (xóa giá trị hàng hóa).
Tại 5 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế năm 2020, nhà thầu trúng thầu cung cấp hàng hóa không đúng theo thời hạn của hợp đồng và phải xin gia hạn.
Sở Y tế mượn 1,5 triệu kit test nhanh kháng nguyên chưa có sự đồng ý bằng văn bản của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sau đó đã tổ chức mua sắm để trả. Còn CDC tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mượn và nhận kit xét nghiệm, vật tư y tế, hóa chất đưa vào sử dụng nhưng việc mượn chưa thể hiện có sự đồng ý bằng văn bản của UBND tỉnh và đến nay chưa trả cho các đơn vị.
Về việc lập dự toán, phê duyệt dự toán gói thầu, nội dung kết luận thanh tra thể hiện, có 7 chứng thư thẩm định giá được Sở Y tế ký hợp đồng tư vấn thẩm định giá (với Công ty CP Tư vấn Thẩm định giá Đông Nam Á - SEAAC và Công ty TNHH Thẩm định giá Chuẩn Việt) làm căn cứ xây dựng giá dự toán mua sắm các gói thầu.
Tuy nhiên, Công ty Chuẩn Việt và SEAAC thực hiện tư vấn còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn như, có những hàng hóa, thiết bị được xác định giá trong Chứng thư thẩm định giá của đơn vị tư vấn vấn chỉ thu thập thông tin về tài sản so sánh từ 3 bản báo giá. Đây là các tài sản được chào bán (giao dịch chưa thành công), theo quy định tại điểm 4 mục II TĐGVN 08 thì Thẩm định viên cần phải thu thập thông tin, so sánh giữa mức giá chào bán với giá thị trường để có sự điều chỉnh hợp lý, tìm ra mức giá phù hợp trước khi sử dụng làm mức giá so sánh.
Thế nhưng, tại Báo cáo kết quả thẩm định giá của đơn vị tư vấn không đưa ra thuyết minh cho sự điều chỉnh hợp lý, tìm ra mức giá phù hợp theo quy định này, cũng như quy định tại điểm 1 Mục II TGGVN 06 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BTC.
Chưa hết, tại Báo cáo thẩm định giá của đơn vị tư vấn có nêu những hạn chế trong quá trình thẩm định giá như không có thông tin dòng thu thập, chi phí vận hành… nên không đủ cơ sở để áp dụng các phương pháp khác như phương pháp thu thập mà chỉ áp dụng phương pháp so sánh. Dù vậy, thẩm định viên lại không đưa ra căn cứ thực tế chứng minh cho việc không thể khắc phục được những hạn chế về thông tin này theo quy định tại điểm 6 Mục II TĐGVN 05.
Đáng nói hơn, đơn vị tư vấn thẩm định giá còn không lập kế hoạch thẩm định giá, không thực hiện khảo sát thực tế (không có biên bản khảo sát hiện trạng tài sản) theo quy định.
Thêm nữa, Công ty Chuẩn Việt đồng ý gia hạn Chứng thư số 3546/19/CER.VVALUSE ngày 20/6/2019 cho Sở Y tế khi đã hết hạn sử dụng là không có cơ sở pháp lý. Do đó, Sở Y tế sử dụng giá thẩm định tại Chứng thư số 3546 kể trên để lập dự toán mua sắm 13 trang thiết bị y tế thuộc 4 gói thầu năm 2020, với tổng dự toán hơn 30 tỷ đồng là chưa có đủ cơ sở để xác định đây là giá thị trường.
“Như vậy, việc thẩm định giá tại các chứng thư của đơn vị tư vấn có những hạn chế, có thể ảnh hưởng đến việc Sở Y tế xem xét, quyết định sử dụng để lập dự toán mua sắm. Trách nhiệm thuộc về SEAAC và Công ty Chuẩn Việt theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 42 Luật Giá 2012”, kết luận thanh tra nêu rõ.
Với những sai sót trên, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giao Sở Nội vụ tham mưu, xem xét trách nhiệm của Giám đốc Sở Y tế đối với nội dung nêu trong kết luận; giao Giám đốc Sở Y tế xem xét trách nhiệm của CDC tỉnh, trách nhiệm của các cơ sở y tế, các tổ chức, cá nhân đã tham mưu dẫn đến những thiếu sót trong thông báo kết luận.
Sở Tài chính cũng được giao nhiệm vụ xem xét, xử lý vi phạm hành chính đối với các công ty có liên quan đến quá trình mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.