Hầu tòa vì 'hô biến' đất nông nghiệp thành đất ở đô thị

Ngày 21/5, Tòa án Nhân dân (TAND) TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử 7 bị cáo trong vụ trục lợi chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: N.N

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: N.N

Theo đó, bị cáo Hoàng Văn Thành, Nguyễn Quang Hải bị xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nhóm bị cáo là cán bộ huyện Gia Lâm gồm: Lương Văn Thành - cựu Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT); Lý Duy Khoa - cựu cán bộ phòng TN&TM huyện Gia Lâm; Nguyễn Bá Hoán - cựu Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Trâu Quỳ; Phan Thế Long - cựu cán bộ địa chính. Các bị cáo bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Riêng bị cáo Nguyễn Ngọc Thuần - cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, bị xét xử về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo cáo trạng, năm 2011, Hoàng Văn Thành và Ngô Thị Thanh Thủy (đã mất năm 2021) góp tiền mua 9 thửa đất nông nghiệp, diện tích 5.233m2 ở Tổ dân phố Cửu Việt, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đến năm 2015, 2016, Thành và Thủy nhờ người đứng tên nhận ủy quyền định đoạt các thửa đất trên và xin tách thành 29 thửa đất nông nghiệp.

Sau đó, Thành bán cho Nguyễn Quang Hải 2/29 thửa đất. Để chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở đô thị và xin miễn giảm tiền sử dụng đất 70% - 90%, Thành và Nguyễn Quang Hải bàn nhau thuê người đứng tên các thửa đất trên.

Các bị cáo đã thuê 26 người đứng tên 26 thửa đất, những người này ký hợp đồng ủy quyền cho Thành, Thủy và Hải làm thủ tục chuyển đổi đất. Do vướng quy hoạch nên có 3 thửa đất không thể chuyển đổi mục đích sang đất ở. Dù biết 26 thửa đất này không phải là của những người có công với cách mạng mà là của Hoàng Văn Thành mua từ các hộ dân nhưng Phan Thế Long - cựu cán bộ địa chính; Nguyễn Bá Hoán - cựu Chủ tịch UBND thị trấn Trâu Quỳ, vẫn thụ lý và thẩm định các hồ sơ.

Long đã soạn thảo để Nguyễn Bá Hoán ký 2 tờ trình gửi UBND huyện Gia Lâm đề nghị cho phép 26 hộ dân được chuyển đổi từ đất nông nghiệp được giao nằm xen kẹt trong khu dân cư sang đất ở đô thị. Lương Văn Thành - cựu trưởng phòng TN&MT huyện Gia Lâm, biết các thửa đất của bị cáo Thành nhưng vẫn giao hồ sơ và chỉ đạo Lý Duy Khoa - cựu cán bộ phòng, thụ lý, giải quyết hồ sơ.

Theo chỉ đạo của cấp trên, bị cáo Khoa đã hoàn thiện 26 hồ sơ để Thành ký tờ trình đề nghị cho phép chuyển đổi đất gửi UBND huyện Gia Lâm. Bị cáo Nguyễn Ngọc Thuần, cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, đã tin tưởng cấp dưới tham mưu, đề xuất; không kiểm tra, xem xét kỹ lưỡng, đầy đủ về tiêu chuẩn, điều kiện miễn giảm nhưng vẫn ký 26 quyết định cho phép chuyển đổi đất và miễn giảm tiền đất trái pháp luật.

Đối với những người có công với cách mạng được mượn tư cách đứng tên trong giấy xác nhận người có công với cách mạng trong hồ sơ chuyển đổi đất, cơ quan điều tra xác định họ bị lợi dụng và bản thân không nhận thức được việc đứng tên trên giấy xác nhận là hành vi phạm tội nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý trong vụ án.

Thành khai, đã nhờ Hải đưa khoảng hơn 4 tỷ đồng cho lãnh đạo của UBND huyện Gia Lâm trước ngày 1/5/2016 và đưa tổng số 1,3 tỷ đồng cho Nguyễn Ngọc Thuần để xin chuyển đổi đất. Tuy nhiên, Hải khai không có việc đưa tiền. Ngoài lời khai thì Thành không cung cấp được tài liệu chứng minh nên cơ quan điều tra xác định việc này không có căn cứ. Ngoài ra, bị cáo Thành còn lừa bán cho anh Bùi Trung S 5 thửa đất với tổng diện tích 470m2 đất ở thị trấn Trâu Quỳ và hứa hẹn sẽ chuyển đổi đất cho anh S trong thời hạn 4 tháng.

Bị cáo Thành đã nhận của anh S hơn 9 tỷ đồng nhưng không thực hiện cam kết mà sử dụng chi tiêu cá nhân hết số tiền này.

Phiên tòa dự kiến xét xử trong nhiều ngày.

Nhật Nam

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/hau-toa-vi-ho-bien-dat-nong-nghiep-thanh-dat-o-do-thi-381664.html