Hậu trường nghẹt thở của bom tấn 'No time to die'
Hollywood Reporter thừa nhận, 'No time to die' là phần phim James Bond đắt nhất trong lịch sử, tuy nhiên con số cụ thể không được tiết lộ.
Sau 18 tháng trì hoãn, bom tấn triệu đô “No time to die” chính thức ra rạp từ tháng 10/2021.
Để làm được những thước phim hành động nghẹt thở cùng sự góp mặt của dàn sao đình đám, nhà sản xuất không ngại chi số tiền khổng lồ cho tác phẩm.
“No time to die” là phần phim 007 cuối cùng có sự tham gia của nam tài tử Daniel Craig
Phần phim về James Bond đắt đỏ nhất lịch sử
Hollywood Reporter thừa nhận, “No time to die” là phần phim James Bond đắt nhất trong lịch sử. Con số cụ thể không được tiết lộ nhưng trang Screenrant dự đoán nó dao động từ 250-301 triệu USD.
Con số này vượt xa cả phần phim trước đó như “Spectre” (250 triệu USD), “Skyfall” và “Quantum of Solace” (200 triệu USD) và “Casino Royale” (150 triệu USD).
Điều này giúp phim lọt top 15 bộ phim có kinh phí đắt đỏ nhất thế giới, cùng với “Harry Potter và Hoàng tử lai” (2009) và “Vua sư tử” bản remake (2019).
Hollywood Reporter lưu ý thêm, kinh phí nói trên của “No time to die” còn chưa kể đến khoản chi phí phát sinh khổng lồ mà nhà sản xuất phải chi trả sau 5 lần phải hoãn chiếu.
Từ cuối năm 2020, Hollywood Reporter tiết lộ rằng, khoản vay mà nhà sản xuất MGM đã vay để thực hiện “No time to die” khiến hãng phải trả 1 triệu USD/ tháng cho tiền lãi. Do đó, tính đến đầu năm 2021, số lãi này đã đội lên đến 20 triệu USD.
Bên cạnh việc chi trả cho quá trình sản xuất, tiền cát-sê cho đội ngũ ngôi sao đình đám như Daniel Craig, kinh phí quảng bá cũng khiến nhà sản xuất đau đầu.
Báo cáo của Hollywood Reporter tiết lộ, một chiến dịch tiếp thị quốc tế cho một bộ phim tầm cỡ như “No time to die” dao động quanh mốc 200 triệu USD.
Như vậy, nếu tháng 4/2020, MGM đã chi 200 triệu USD để quảng bá, đến nay, sau 18 tháng, chi phí phát sinh này đã đội lên 400 triệu USD.
Ngoài ra, giới chuyên môn nhận định, việc bộ phim chậm trễ ra rạp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hợp đồng với các nhãn hàng tài trợ như: Nokia, Adidas, Bollinger và Land Rover…
Thậm chí, MGM có thể còn phải bồi thường các khoản hợp đồng này. Hollywood Branded tiết lộ, các hợp đồng như thế này thường trị giá khoảng 5 triệu USD. Do đó, vị chi MGM có thể tiếp tục phải tiêu tốn thêm 40 triệu USD nữa.
Không chỉ đầu tư khủng cho mỗi cảnh quay, quảng bá, trang phục trong phim của James Bond (Daniel Craig) cũng khá tốn kém.
Chỉ tính riêng thiết kế cho Bond của hãng Tom Ford, có tới 30 bản sao mới đủ đáp ứng cho các góc quay khác nhau trong phim. Nhìn vào số kinh phí khổng lồ này, cây viết Jon Fuge của trang Movieweb dự đoán, “No time to die” phải kiếm được 900 triệu USD ở phòng vé thì mới có cơ hội hòa vốn.
Những pha hành động mãn nhãn
Một phân cảnh hành động trong phim
Series phim James Bond xoay quanh một nhân vật mật vụ người Anh hư cấu, được sáng tạo bởi nhà văn Ian Fleming vào năm 1953. Fleming đã khắc họa Bond trong 12 cuốn tiểu thuyết và 2 tuyển tập truyện ngắn.
“No time to die” là phần phim thứ 25 của series ăn khách này. Phim được cầm trịch bởi đạo diễn Cary Fukunaja và là bộ phim thứ 5 mà Daniel Craig đảm nhận vai điệp viên 007.
Đây cũng là lần xuất hiện cuối cùng của anh với vai diễn đình đám này sau 15 năm gắn bó.
Nhắc đến James Bond, không thể không nhắc đến những pha hành động kịch tính, mãn nhãn “made by 007” đã trở thành đặc sản của phim.
Thậm chí, để thực hiện những phân cảnh hành động, Daniel Craig từng bị chấn thương mắt cá chân trong một cảnh quay chạy nước rút ở Jamaica.
Trong suốt phần phim, cảnh quay nam chính thực hiện cú nhảy 70 ft (khoảng 22m) lên quảng trường Piazza del Duomo bằng xe máy để lại nhiều ấn tượng với Daniel.
Anh cho biết, diễn viên đóng thế đã phải thực hiện cảnh phi xe mạo hiểm trên đoạn đường dốc 8m ở tốc độ 50-60 dặm/h để chinh phục bức tường 22m bằng chiếc motor 450 phân khối có lẽ là cảnh quay đáng nhớ nhất với ê-kíp phim.
Daniel Craig tiết lộ với với tạp chí Total Film: “Đó là một kỹ thuật mạo hiểm. Bạn phải nhấn phanh sau và hạ phần đầu xe xuống vì bánh trước đang như một con quay. Để có lực kéo trên bề phẳng mịn, diễn viên đóng thế Lee Morrison chỉ cho tôi mẹo sử dụng đồ uống có gas. Anh ấy đã đề xuất xịt khoảng 8.400 gallon nước ngọt có gas lên khắp bề mặt con đường để giảm bớt độ trơn trượt cho bánh xe khi chạy qua”.
Total Film nhận định, Lee Morrison đã tiêu tốn của nhà sản xuất khoảng 106.000 USD cho cảnh quay này.
Daily Mail tiết lộ, “No time to die” là phần đầu tiên trong lịch sử series phim đình đám có những phân cảnh được thực hiện bằng máy quay phim IMAX 15/70, với độ phân giải cực cao.
Nhờ đó, khán giả có cơ hội thưởng thức phim ở phạm vi rộng hơn, chất lượng hình ảnh ngoạn mục chưa từng có. Bên cạnh đó, chất lượng âm thanh cũng sử dụng công nghệ hiện đại tương xứng.
Theo News18, “No time to die” còn gây choáng ngợp với hàng chục chiếc xế hộp đắt đỏ. Chỉ tính riêng xe hơi, James Bond đã xuất hiện bên 4 chiếc Aston Martin từ cổ chí kim.
Đây là những mẫu xe đặc trưng nhất của hãng siêu xe hạng sang đã gắn liền với thương hiệu 007 nhiều năm liền.
Tuy nhiên, để những nhân vật và đạo cụ được lên hình đẹp mắt nhất, nhà sản xuất sẵn sàng bỏ thời gian, tiền bạc cho bối cảnh đẹp như tranh vẽ trải dài từ London đến Italia.
Layton, một kỹ sư thương mại, đã dành 20 năm trong lĩnh vực đua xe thể thao trước khi chuyển sang làm phim tiết lộ với trang Carbuzz: “Chúng tôi đến các địa điểm từ London đến Italia, hay quần đảo Faroe để thực hiện các pha nguy hiểm. Song, làm thế nào để diễn viên vừa thực hiện các pha nguy hiểm, vừa đọc lời thoại nhưng vẫn đảm bảo an toàn có hình ảnh, âm thanh chất lượng là bài toán không dễ”. Layton cho biết, anh và ê-kíp đã phải dành nhiều giờ thảo luận với các hãng phụ tùng ô tô để tìm ra phương án tối ưu nhất.
“Tôi nghĩ tôi thích nhất là màn rượt đuổi bằng ô tô xuyên qua Matera. Điều này thật độc đáo, vì đường sá và điều kiện ở một thị trấn 3.000 năm tuổi thật tuyệt”, Layton bồi hồi nhớ lại.
Theo Hollywood Reporter, “No time to die” đã mang về doanh thu lên đến 119,1 triệu USD tại 54 thị trường trên toàn cầu sau 3 ngày công chiếu.
Tính riêng tại Anh và Ireland, đã thu về 11,4 triệu USD trong cuối tuần qua. Đây cũng là con số doanh thu cao nhất trong một ngày đối với một phần phim của series, cũng như doanh thu trong ngày cao nhất của một bộ phim trong thời dịch.
Phim được phát hành vào ngày 30/9 tại Anh, 8/10 tại Mỹ và 11/11 tại Úc cùng một số quốc gia khác.