Hậu trường 'siêu tốc' chuyển 3 dự án cao tốc sang đầu tư công
Qua gần hai tháng làm việc miệt mài không quản ngày đêm của tổ công tác đặc biệt, một khối lượng công việc khổng lồ đã hoàn thành.
Chỉ hai tháng, từ khi Chính phủ đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam từ PPP (đối tác công - tư) sang đầu tư công, đến thời điểm được Quốc hội chấp thuận, một khối lượng công việc khổng lồ đã được hoàn thành. Thành quả đạt được có sự góp sức không nhỏ của những người thầm lặng...
Chuyên viên thành shipper, “ăn chực nằm chờ”
Vừa gặp trong căn phòng nhỏ tại tầng 7 trụ sở Bộ GTVT, ông Phùng Đức Dũng, chuyên viên Vụ PPP chia sẻ: “Đến giờ chúng tôi vẫn chưa hết vui mừng khi vừa hoàn thành một nhiệm vụ từng được coi là bất khả thi!”.
Ông Dũng kể, ngày 9/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 41/2020, trong đó giao Bộ GTVT thực hiện chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Yêu cầu của Chính phủ là chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư của các dự án phải kịp trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, nhưng phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục quy định pháp luật.
“Để trình Quốc hội xin ý kiến, Bộ GTVT sẽ phải tiến hành phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thẩm định nội bộ, sau đó trình Hội đồng Thẩm định Nhà nước rồi mới báo cáo Chính phủ trình ra Quốc hội. Trong khi, thời điểm Kỳ họp thứ 9 khai mạc chỉ còn hơn một tháng”, ông Dũng chia sẻ và cho biết, một dự án thông thường để hoàn thành các thủ tục, trình tự trên mất khoảng 6 - 7 tháng, thậm chí cả năm.
Tiếp lời, kỹ sư Phạm Văn Long, Phòng Quản lý chất lượng và Nghiên cứu phát triển (TEDI) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, từ ngày 20/4/2020, TEDI đã phối hợp với Ban QLDA6 gấp rút hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với mục tiêu phải xong trước ngày 30/4/2020 để trình Bộ GTVT thẩm định nội bộ.
“Hơn 30 nhân sự của TEDI và các cơ quan đã được triệu tập làm ngày, làm đêm trong suốt một tuần để khớp nối các nội dung trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi”, ông Long kể và cho biết, đến ngày 27/4/2020, Ban QLDA6 đã trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh để Bộ GTVT thẩm định.
Những ngày kế tiếp, tổ công tác đặc biệt thực hiện dự án của Vụ PPP, Ban QLDA6 và TEDI phải tranh thủ khoảng thời gian nghỉ lễ 30/4, 1/5 để hoàn thiện báo cáo thẩm định nội bộ của Bộ GTVT.
Tiến độ dự án rất khẩn trương, để tiết kiệm thời gian các bữa trưa, bữa tối đều được chuyển thành các bữa ăn nhẹ ngay tại bàn làm việc.
“Sau khi hoàn thành nội dung cập nhật báo cáo thẩm định nội bộ, phần công việc tiếp theo được dồn vào xưởng in hồ sơ của TEDI. Gần 100 bộ hồ sơ được chuẩn bị, mỗi bộ dày gần một gang tay. Khi đó, các thành viên trong xưởng in của TEDI cũng phải cắt ngắn kỳ nghỉ, tập trung cả ngày lẫn đêm để in ấn, đóng quyển” ông Long nói.
Sau kỳ nghỉ lễ, ngày 5/5/2020, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ thành lập Hội đồng Thẩm định Nhà nước gồm hơn 50 thành viên ở nhiều bộ, ngành khác nhau để tổ chức thẩm định, đánh giá báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án. Thông thường, hồ sơ sẽ được chuyển đến các thành viên trong Hội đồng Thẩm định Nhà nước bằng đường công văn và mất khoảng một tuần mới đến tay những người trực tiếp thụ lý.
Để đáp ứng tiến độ rất gấp, TEDI và Ban QLDA6 huy động nhân sự ở các phòng, ban chia thành 8 tổ đội “shipper” trực tiếp chuyển hồ sơ đến từng lãnh đạo phụ trách của các bộ, ngành nằm trong Hội đồng Thẩm định Nhà nước.
Ngoài hồ sơ, các tài liệu của Hội đồng Thẩm định Nhà nước cũng được chuyển liên tục tới các thành viên. “Chúng tôi huy động thêm 3 tổ đội “shipper” thường trực tại Bộ KH&ĐT để chuyển tài liệu đến các bộ, ngành liên quan ngay khi phát hành”, ông Long nhớ lại.
Cũng thời điểm này, bên trong các phòng họp của Bộ KH&ĐT, tổ công tác đặc biệt của Vụ PPP, Ban QLDA6, TEDI thường trực 7 ngày liên tục để phối hợp với Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ KH&ĐT) giải trình, bổ sung nội dung từ các bộ, ngành trong Hội đồng Thẩm định Nhà nước.
“Có những hôm cao điểm làm tới 2 - 3 giờ sáng, chúng tôi phải ăn ngủ luôn tại các phòng việc trong trụ sở Bộ KH&ĐT để kịp tiến độ hoàn thiện các nội dung giải trình”, ông Long chia sẻ.
Đánh giá về tiến độ thẩm định của dự án này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói: “Tôi chưa bao giờ thấy một dự án trọng điểm quốc gia có tiến độ thẩm định nhanh đến như vậy, có thể nói là thời gian kỷ lục, chắc không có lần thứ hai”.
Vỡ òa cảm xúc khi Quốc hội bấm nút thông qua
Ông Hoàng Triệu Long, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Ban QLDA6) cho biết, sau khi hoàn thành công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh, ngày 14/5/2020, Chính phủ chính thức có tờ trình Quốc hội.
Tuy nhiên, để đưa vào chương trình của Kỳ họp thứ 9, dự án còn phải trải qua hai phiên họp thẩm tra của Ủy ban Kinh tế; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tổ chức họp hai lần để cho ý kiến.
Trong quá trình báo cáo các cơ quan của Quốc hội có rất nhiều ý kiến đồng tình về sự cần thiết phải chuyển đổi hình thức đầu tư, nhưng cũng có một số người bày tỏ quan ngại, vì sẽ không phát huy được chủ trương thu hút xã hội hóa đầu tư trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua Luật PPP tại kỳ họp. Lúc này, tổ thực hiện dự án của Bộ GTVT tiếp tục bám sát, phối hợp cùng Vụ Kinh tế (Quốc hội) để làm rõ, giải trình các nội dung liên quan.
“Trong những buổi họp thẩm tra với Ủy ban Kinh tế xuất hiện một số ý kiến trái chiều về chất lượng hồ sơ, các tiêu chí xác định sự cần thiết để chuyển đổi hình thức đầu tư, chúng tôi cảm thấy rất lo lắng khi là những người trực tiếp chuẩn bị tài liệu. Sau khi kết thúc mỗi buổi họp, anh em về lại miệt mài phân tích, đánh giá các tình huống rồi đưa ra các giải pháp, chỉnh sửa hồ sơ. Ủy ban Kinh tế thường tận dụng thời gian họp sau giờ hành chính vào buổi tối, đêm là thời điểm nhóm dự án làm việc, tiếp thu và hoàn chỉnh báo cáo, kết thúc là lúc bước sang ngày mới”, ông Long chia sẻ.
Qua gần hai tháng làm việc miệt mài không quản ngày đêm của tổ công tác đặc biệt, một khối lượng công việc khổng lồ đã hoàn thành.
Đến sáng ngày 9/6/2020, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Sau các phiên thảo luận tại tổ và hội trường, ngày 19/6/2020, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc chuyển đổi phương thức đầu tư từ hình thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công đối với 3 dự án thành phần: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây với tỷ lệ 91,72% đại biểu tán thành.
“Trải qua 60 ngày miệt mài làm việc, quên ăn quên ngủ, áp lực công việc rất lớn nhưng các anh em trong tổ thực hiện dự án không phân biệt cơ quan, chức vụ, trở thành một khối đoàn kết thống nhất, cùng nhau làm nhiệm vụ chung, hoàn thành đúng tiến độ dự án theo yêu cầu của Bộ GTVT. Thời khắc Quốc hội bấm nút thông qua chủ trương chuyển đổi phương thức đầu tư dự án với tỷ lệ tán thành rất cao cũng là lúc anh em chúng tôi vỡ òa trong cảm xúc vui mừng khôn xiết khi được đóng góp một phần công sức vào quá trình xây dựng dự án quan trọng quốc gia như cao tốc Bắc - Nam”, ông Long chia sẻ.
Hơn một tháng sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 117 ngày 19/6/2020 về việc chuyển đổi hình thức đầu tư 3/8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam (Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây), ngày 30/7/2020, Bộ GTVT đã hoàn thành công tác phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật, dự toán các gói thầu của 3 dự án.
Đến ngày 8/8/2020, Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA7 đã phát hành hồ sơ mời thầu toàn bộ 13 gói thầu xây lắp của 3 dự án. Dự kiến, cuối tháng 9/2020, các gói thầu đầu tiên của 3 dự án này sẽ khởi công xây dựng theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.