'Hãy coi việc mặc đồng phục là tự nguyện từ phía học sinh và phụ huynh!'
'Nhà trường nên coi việc mặc đồng phục là tự nguyện từ phía học sinh và phụ huynh. Trường nên phối hợp với phụ huynh và đoàn thanh niên lên ý tưởng thiết kế đồng phục chứ không nên áp đặt', thầy Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh nói.
Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho biết không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới vẫn duy trì việc mặc đồng phục, thậm chí mặc đồng phục một cách nghiêm túc.
'Tôi từng đến nhiều nước có nền giáo dục phát triển như Nhật Bản, Singapore hay Úc thì học sinh ở những nước này đều mặc đồng phục, nhiều nước khác trên thế giới cũng thế. Theo quan điểm của tôi, học sinh nên mặc đồng phục đến trường', thầy Bình nói.
Thầy Bình cho rằng việc mặc đồng phục đến trường giúp học sinh không mặc cảm vì sự phân biệt giàu nghèo.
Nếu cho học sinh ăn mặc tự do khi đến trường sẽ xuất hiện tình trạng gia đình có điều kiện cho con ăn mặc theo mốt thời thượng, gia đình nghèo cho con ăn mặc giản đơn, như vậy, ngay trong một lớp học đã có sự khác biệt.
Thậm chí, không tránh khỏi việc học sinh đua đòi, bắt ép bố mẹ phải mua trang phục thời trang để ganh đua với các bạn trong lớp.
'Bộ đồng phục còn phản ánh thương hiệu, giá trị, hình ảnh của từng trường trong môi trường giáo dục.
Khi đến trường chung màu áo, các em sẽ tự thấy gắn kết hơn, hay trên con đường từ nhà đến trường hay từ trường về nhà, các em sẽ có trách nhiệm với bộ đồng phục đang mặc.
Thời gian qua, tôi đã nghe nhiều chuyện tiêu cực về bộ đồng phục ở những cơ sở giáo dục khác.
Tôi cho rằng các nhà trường nên cải tiến chất liệu đồng phục để giúp học sinh thoải mái hơn khi tham gia các hoạt động trong trường, vừa đảm bảo mát về mùa Hè và ấm về mùa Đông', thầy Bình cho hay.
Tất nhiên, theo thầy hiệu trưởng, không thể có một bộ đồng phục đáp ứng tất cả các yêu cầu nên khi thời tiết quá lạnh, nhà trường có thể linh động cho phép học sinh không phải mặc đồng phục mà mặc đồ đảm bảo đủ ấm.
Ngoài ra, bộ đồng phục cũng cần cải tiến cả về thời trang, màu sắc cũng như kiểu dáng vì học sinh thời nay, nhất là học sinh thành phố, luôn muốn có một bộ đồng phục thật đẹp. Nếu đồng phục lạc hậu về kiểu dáng, các em sẽ không thích.
Ngoài ra, bộ đồng phục cần phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa phương nên giá cả cũng là vấn đề cần lưu ý.
Nhà trường nên coi việc mặc đồng phục là tự nguyện từ phía học sinh và phụ huynh. Trường nên phối hợp với cha mẹ học sinh cũng như đoàn thanh niên lên ý tưởng thiết kế đồng phục chứ không nên áp đặt.
Hơn nữa, trường cũng chỉ nên quy định đồng phục mùa Đông, mùa Hè, đồng phục thể dục chứ không nên 'bày vẽ' nhiều loại, gây tốn kém cho cha mẹ học sinh.
'Ở trường Lương Thế Vinh, bộ đồng phục năm nay có thay đổi so với năm ngoái, thời trang hơn, chất liệu đẹp hơn. Bộ trang phục được ban giám hiệu cùng cha mẹ học sinh, đoàn thanh niên góp ý và lựa chọn.
Ở góc độ nhà trường, tôi cho rằng đồng phục giúp quản lý học sinh dễ hơn, tạo môi trường đẹp mắt, văn minh hơn. Hơn nữa, quy định mặc đồng phục khi đi học sẽ giúp các em có vẻ ngoài lịch sự, đồng bộ và đúng với tác phong mà học sinh cần có.
Đây cũng là cách để tránh việc học sinh ăn mặc lòe loẹt, sặc sỡ, không phù hợp với môi trường học đường', thầy Bình khẳng định.
Hiện nay, nhiều trường quy định học sinh phải mặc đồng phục tất cả các ngày. Có những trường quy định 'thoáng' hơn, như cho một ngày học sinh được mặc đồ tự do, miễn đảm bảo tính lịch sự và phù hợp.
Nói về điều này, thầy Bình cho hay: 'Cách làm cởi mở như thế rất hay. Sẽ có ngày các em được ăn mặc thoải mái nhưng không quá ngắn, quá mỏng, không phù hợp với thuần phong mỹ tục'.
Đồng phục, tưởng chỉ là một câu chuyện nhỏ liên quan đến quần áo. Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ quyền tự do biểu hiện bản sắc, phong cách, cá tính, tự do lựa chọn của từng em học sinh, và điều kiện hoàn cảnh từng gia đình thì đằng sau câu chuyện đồng phục có lẽ cũng có nhiều điều cần trao đổi, nhìn nhận lại.
Ban Giáo dục báo VietNamNet mở diễn đàn: "Học sinh có cần mặc đồng phục không?".
Mời bạn đọc gửi ý kiến về: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!