Hãy để người dân tự cam kết
Đã có thời trên nhiều loại giấy tờ có một câu cam kết rất rõ: Tôi cam đoan những lời khai trên đây là đúng với sự thật; nếu có gì sai, tôi xin chịu toàn bộ trách nhiệm trước pháp luật. Đây là cách để cho công dân thể hiện trách nhiệm của mình, nhất là trong các vấn đề dân sự hay trong các thủ tục hành chính.
(KTSG) – Đã có thời trên nhiều loại giấy tờ có một câu cam kết rất rõ: Tôi cam đoan những lời khai trên đây là đúng với sự thật; nếu có gì sai, tôi xin chịu toàn bộ trách nhiệm trước pháp luật. Đây là cách để cho công dân thể hiện trách nhiệm của mình, nhất là trong các vấn đề dân sự hay trong các thủ tục hành chính.
Chẳng hạn, một tin nổi bật tuần qua là chuyện có thể sắp tới không cần giấy xác nhận độc thân khi làm thủ tục đăng ký kết hôn. Đây chính là nơi việc công dân cam kết khai đúng sự thật, chịu trách nhiệm về lời khai của mình phát huy hiệu quả; nếu chấp nhận việc cam kết thay cho xác minh lúc đó thủ tục hành chính sẽ tinh gọn hơn, giảm được các khâu xác minh phiền hà, tốn kém. Việc rà soát sẽ chuyển từ “tiền kiểm” bằng việc yêu cầu nộp giấy chứng nhận độc thân trong nhiều trường hợp sang “hậu kiểm” – tức sẽ phạt thật nặng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có gian dối.
Theo các bản tin, việc bỏ giấy xác nhận tình trạng độc thân khi làm thủ tục kết hôn, theo đề xuất của Bộ Tư pháp, là do cán bộ công chức sẽ gửi yêu cầu xác minh tình trạng hôn nhân đến nơi người đứng đơn có hộ khẩu thường trú để xác nhận tình trạng hôn nhân mà không yêu cầu người dân cung cấp xác nhận. Việc yêu cầu xác minh như thế là tương đối dễ dàng một khi có sự kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, việc liên lạc giữa các đơn vị hành chính trong cả nước thông suốt, nhanh chóng.
Tuy nhiên, cách hay hơn vẫn là chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” như đã nói ở trên. Trong hàng ngàn tình huống cần xác định tình trạng hôn nhân, có lẽ người cố tình gian dối ắt không nhiều; cách cam kết và chịu trách nhiệm về cam kết của mình nhẹ nhàng hơn, văn minh hơn, tránh được sự phiền toái phải đi lại nhiều lần để xin xác nhận tình trạng độc thân như báo chí đưa tin. Không lẽ chỉ vì một hai con sâu cố tình gian dối mà gây khó khăn cho đại đa số người dân bình thường.
Để chuyện “hậu kiểm” cũng không gây tốn kém công sức của bộ máy hành chính, cần áp dụng cách kiểm tra theo xác suất, chọn ngẫu nhiên trong hàng ngàn hồ sơ một hai hồ sơ để “hậu kiểm” bằng cách tra cứu cơ sở dữ liệu dân cư. Chỉ cần công khai các trường hợp khai gian kèm hình phạt thích đáng sẽ ngăn ngừa các trường hợp tương tự trong tương lai.
Vấn đề còn lại là làm sao nhanh chóng triển khai việc cho phép các tổ chức, đơn vị ngoài các cơ quan nhà nước như các văn phòng công chứng được phép truy cập có giới hạn cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm giúp họ hoàn thành vai trò của mình. Theo luật định, các tổ chức như ngân hàng, công ty viễn thông, văn phòng công chứng, thừa phát lại không được khai thác thẳng từ cơ sở dữ liệu dân cư mà phải qua con đường gián tiếp như qua cổng dịch vụ công hoặc qua yêu cầu bằng văn bản. Để giải quyết vướng mắc này, một mặt cần khuyến khích công dân tự cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của sự cam kết, mặt khác cần nhanh chóng triển khai các phương thức khai thác gián tiếp cho các tổ chức cung cấp dịch vụ dân sự.
Các văn bản pháp luật đặt ra cơ sở pháp lý cho việc chia sẻ thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia đã có sẵn, kể cả thông tư của Bộ Tài chính quy định mức thu phí khai thác và sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vấn đề còn lại là triển khai việc kết nối, không chỉ cho các văn phòng công chứng mà còn các tổ chức, đơn vị khác để xây dựng một nền hành chính thông suốt, thuận tiện và hữu ích.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/hay-de-nguoi-dan-tu-cam-ket/