Hãy để người lao động lựa chọn tuổi nghỉ hưu
Theo nhiều bạn đọc, nên quy định số năm đóng BHXH tối thiểu là 20 năm với điều kiện tuổi tối thiểu theo tính chất lao động, ít nhất là 55 tuổi đối với lao động nặng nhọc… để được hưởng lương hưu, đóng càng cao thì mức hưởng càng cao.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm gần 750.000 lao động hưởng BHXH một lần. Khoảng 10% lao động rút một lần có thời gian đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên.
Trong Dự thảo BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu.
Trong chương trình đối thoại tháng 5 với chủ đề "BHXH với doanh nghiệp và công nhân'' do Công đoàn Viên chức TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, góp ý đề xuất này, ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Việt Nam, cho rằng, hiện nay ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước đa số là lao động trực tiếp sản xuất, đến độ tuổi 45 - 47, doanh nghiệp đã có xu hướng cắt giảm để tuyển lao động trẻ. "Lực lượng lao động ở độ tuổi 45 - 47 bị sa thải khỏi doanh nghiệp thì ai sẽ thuê họ làm việc tiếp cho tới tuổi nghỉ hưu. Nếu vừa giảm thời gian đóng BHXH vừa tăng tuổi nghỉ hưu thì chắc chắn NLĐ sẽ rút BHXH 1 lần", ông Hồng nhấn mạnh.
Gởi ý kiến đến Báo Người Lao Động, nhiều bạn đọc cũng có cùng nhận định trên. Bạn đọc Lê Thái Sơn góp ý: "Diễn đàn tuổi nghỉ hưu của Người Lao Động" đã từng được Báo Người lao động và người lao động lên tiếng rất nhiều từ những năm 2019 khi dự luật ra đời. Với những người lao động công chức nhà nước không nói gì. Nhưng không hiểu sao bộ luật này lại áp dụng chung cho cả khối lao động ngoài nhà nước. Thời gian qua, số lượng người rút BHXH một lần hơn 90% là lao động ngoài nhà nước. Vậy mà các nhà làm luật không biết hay cố tình không chịu biết...??? Lý do thì rất nhiều. Quan trọng nhất là những thành viên ban soạn thảo Luật BHXH sửa đổi lần này vẫn không chịu lắng nghe tiếng nói của người lao động ngoài nhà nước. Giảm 15 năm, chứ 10 năm thì người lao động cũng không có hứng thú khi tuổi 60-62 cứ áp dụng". Cũng theo bạn đọc này, nếu cứ cứng nhắc như vậy thì hậu quả như thế nào hồi sau sẽ rõ. Người lao động bây giờ họ cũng nản lòng lắm rồi. Công việc thì bấp bênh, nay còn mai mất.
Theo bạn đọc Nguyễn Thị Khánh Hòa, đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu là phi thực tế và thiên lệch cán cân lực lượng lao động. Thử hỏi, có doanh nghiệp nào tuyển công nhân 45, 47 tuổi làm việc hay không. Ở độ tuổi này, doanh nghiệp thải hồi thì có. Bạn đọc Trần Phàn bức xúc: "Sao không giảm tuổi nghỉ hưu mà cứ giải thích loanh quanh. Giảm thời gian đóng BHXH để làm gì khi không thuyết phục được người lao động?". Bạn đọc Nguyễn Văn Dũng bày tỏ: Ban soạn thảo nên đặt mình vào người lao động thì mới thấy nổi khổ của họ. Tuổi 45 trở lên thì việc làm chân tay yếu hẳn rồi, sao chờ 10-15 năm nữa để có lương hưu".
Bạn đọc Huỳnh Thanh Vân chia sẻ: "Thống kê số liệu thì số người rút BHXH 1 lần năm sao cao hơn năm trước. Thử hỏi các nhà làm luật tính toán cơ chế, chính sách BHXH như thế nào mà người lao động cứ đua nhau rút BHXH 1 lần? Người lao động không hiểu hết cơ chế, chính sách hay do chính cơ chế, chính sách bhxh làm người lao động cứ rút BHXH 1 lần".
Bạn đọc Phan Nghĩa Đại chua chát: "Trường hợp cá nhân tôi làm việc nay 32 năm đóng BHXH 28 năm và phải đến năm 2027 mới đủ tuổi hưu (sinh 1965), giờ đau yếu thường xuyên, huyết áp, khớp, dạ dày...nhưng ra giám định không đủ tiêu chuẩn mất sức lao động để đủ nghỉ trước tuổi. Nếu có được cũng bị trừ 20%, còn làm tiếp thì liệu sức khỏe có đủ để theo đuổi tới tuổi hưu không?". Tương tự, bạn đọc Nguyễn Như góp ý" "Nên trải nghiệm thực tế công việc mà công nhân chúng tôi đang làm trong nhà máy, đi ca kíp, thức đêm, ngày làm 12 tiếng, trong điều kiện khói bụi, tiếng ồn lớn, và lắng nghe ý kiến trực tiếp của người lao động. Theo tôi, tuổi nghỉ hưu nên để cho người lao động lựa chọn khi họ đã đóng đủ BHXH 20 -25 năm".