Hãy đem đến điều công nhân đang cần
Công nhân lao động luôn mong chờ việc làm với thu nhập và chế độ phúc lợi đảm bảo hơn, môi trường làm việc an toàn, công tác phòng, chống dịch bệnh được đề cao. Đáp ứng điều đó không chỉ cần đến trách nhiệm của những chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, mà còn phải là sự vào cuộc chăm lo của tổ chức công đoàn.
Ngày 28-4, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phát động Tháng Công nhân và Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021. Tại lễ phát động, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang tiếp tục nhấn mạnh ý nghĩa, sự thiết thực của Tháng Công nhân đối với những người lao động trực tiếp tại các nhà máy, cơ sở sản xuất.
Mục tiêu của Tháng Công nhân là tiếp tục đem đến những phúc lợi cho đoàn viên, cải thiện điều kiện lao động và việc làm cho công nhân. Tuy nhiên, đây mới là mong mỏi của cơ quan bảo vệ quyền lợi của người lao động. Nó sẽ hiện thực và đáp ứng tốt hơn mong mỏi của công nhân khi có sự đồng hành trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động.
Có thể nói, chúng ta đang trải qua một thời điểm khá khó khăn và đây là Tháng Công nhân đặc biệt tiếp theo Tháng Công nhân năm 2020 khi công nhân ở nhiều nơi vẫn chưa hết lo âu, thấp thỏm về tương lai của mình. Dù đã được đi làm trở lại nhưng công nhân trong nhiều doanh nghiệp vẫn bị đe dọa rất lớn, họ có thể trở thành nạn nhân gián tiếp của dịch, bệnh COVID-19 bất cứ lúc nào khi mà dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp và đang tiếp tục gây áp lực đến nước ta.
Điều đó đòi hỏi không đơn thuần chỉ là sự chăm lo về đời sống vật chất công nhân tốt hơn, mà hơn thế, thông qua việc tổ chức Tháng Công nhân các cấp công đoàn và mỗi doanh nghiệp phải thể hiện được sự nhân văn, nhân ái giai cấp, hỗ trợ người lao động có thêm động lực, niềm tin vượt lên khó khăn.
Chỉ riêng tại Thanh Hóa, trong năm 2020 đã có khoảng hơn 20.000 lao động lâm vào cảnh mất việc, bị giảm việc vì doanh nghiệp không có thị trường. Đời sống công nhân vốn nhiều khó khăn càng thêm chồng chất âu lo khi cùng lúc có nhiều gánh nặng đè lên vai họ và đến giờ chưa phải tất cả đã được đi làm trở lại hoặc mới đi làm trở lại cầm chừng.
Chính sách hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ và của tỉnh thời gian qua phần nào đã san sẻ bớt khó khăn cho người lao động, nhưng chưa thể đảm bảo cho họ có một tương lai lâu dài vì dịch bệnh có thể ập đến bất cứ lúc nào. Trách nhiệm được đặt ra và trên hết vẫn phải là sự đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định từ chính doanh nghiệp sử dụng công nhân. Doanh nghiệp, chủ sở hữu lao động cần xác định phải đem đến cho công nhân những điều mà họ đang cần, để vực dậy ở họ niềm tin, nuôi dưỡng sức lao động.
Tháng công nhân chính là thời điểm để các doanh nghiệp lắng nghe, hưởng ứng lời kêu gọi của tổ chức công đoàn, thể hiện sự quan tâm với người lao động và cũng khẳng định tầm nhìn của chính doanh nghiệp. Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực hơn nữa, tăng cường tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường để tăng thêm cơ hội việc làm, đảm bảo thu nhập cho công nhân.
Cùng với đó, hơn lúc nào, tổ chức công đoàn càng phải đóng vai trò đồng hành, phối hợp bảo vệ quyền lợi của công nhân, vừa đem đến những cơ hội mới nhằm cải thiện đời sống tinh thần và hỗ trợ vật chất cho công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vừa giám sát để pháp luật về lao động đảm bảo được thực thi hiệu quả.
Mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và lao động được thắt chặt hơn chính từ trong những hoàn cảnh khó khăn như thế này. Thực hiện tốt điều đó là thời cơ để doanh nghiệp quảng bá thương hiệu của mình và chủ động được nguồn nhân lực cho những kế hoạch dài hơi sau khi dịch bệnh COVID-19 trên thế giới được khống chế, đẩy lùi.