Hãy kịp thời phát hiện, cùng con đối diện, đừng để chúng một mình!
- Anh ơi, anh có biết bác sĩ nào chuyên tư vấn tâm lý cho trẻ con tuổi teen không?
- Có, ai cần đến bác sĩ tâm lý vậy?
- Con trai em, cháu học lớp 11, do dịch kéo dài không đi học, không giao tiếp với bạn bè, lại vừa trải qua một cơn phẫu thuật nên nó có biểu hiện trầm cảm anh ạ.
- Ồ vậy thì cần đưa con tới bác sĩ tâm lý sớm, để lâu có thể trầm cảm nặng hơn, nhất là sang năm là năm cuối cấp của con.
- Vâng, em cũng nghĩ thế!
Vài hôm sau:
- Anh ơi, hôm qua em đã đưa con tới bác sĩ và bắt đầu liệu trình 1. Ngay hôm đầu tiên đi gặp bác sĩ về, cháu nhà em đã thay đổi tích cực. Hy vọng sau 3 liệu trình sẽ yên tâm ạ.
Ngày càng có nhiều bố mẹ trẻ hỏi tôi những câu tương tự.
Có một thực tế là xã hội càng phát triển thì số lượng trẻ em bị trầm cảm càng nhiều. Không ít bậc phụ huynh nghĩ rằng mình cứ lo làm ăn kiếm tiền, lo cho gia đình sung túc, lo cho các con không thiếu thứ gì là tốt rồi. Thỉnh thoảng dạy dỗ các con kiểu giáo huấn, rao giảng kiểu ngày xưa bố mẹ khổ lắm, các con bây giờ quá sướng, chỉ cần lo mỗi chuyện học thôi, cố lên.
Không sai, nhưng chưa đủ!
Một chị bạn học đại học với tôi phải đi công tác ở tỉnh xa dài ngày. Con gái tuổi teen ở nhà với bố. Ông bố thì nghiêm khắc, áp đặt con những nguyên tắc sống của thế hệ 6x. Không biết tâm sự cùng ai, cô bé bỏ tới nhà bạn sống.
Người mẹ hay tin bỏ dở đợt công tác tới thuyết phục con quay trở lại nhà. Nhưng cô bé cương quyết không về. Chật vật nửa năm bằng mọi cách chứng minh cho con thấy bố mẹ rất yêu con, con là phần không thể tách rời của gia đình, cô bé mới chịu trở về.
Một cặp vợ chồng khác có cậu con trai cũng học lớp 11, hết duyên nên hai người li dị. Cậu bé ở với cha, người cha đặt kỳ vọng rất lớn lên đứa con và suốt ngày giáo huấn nó phải làm điều này làm điều kia, phải nỗ lực bằng mọi cách để đạt được mục tiêu này hay mục tiêu khác.
Người mẹ xót con và cầu viện tôi đưa thằng bé tới gặp bác sĩ tâm lý. Bác sĩ vừa điều trị cho thằng bé vừa nói chuyện riêng với cả bố lẫn mẹ. Rồi anh đưa ra một kết luận bất ngờ: Chính người cha mới cần điều trị tâm lý. Anh bị trầm cảm sau vụ ly hôn và đã gây sức ép quá lớn lên con. Anh cứ nghĩ anh đang trong trạng thái bình thường, không có vấn đề gì!
Một chị bạn khác có con trai tuổi teen tự nói với mẹ rằng con là đồng tính. Chị hoảng sợ thực sự, con mình khỏe mạnh, bình thường mà! Sao lại gay được? Cậu bé nói với mẹ rằng cậu biết rất rõ mình khác biệt với đám bạn con trai, cậu đã tìm hiểu rất kỹ sách vở rằng xu hướng tính dục của cậu là tự nhiên và không phải là bệnh.
Người mẹ hiện đại này dẫu hiểu vấn đề nhưng vẫn không chấp nhận được thực tế đó. Chị thỏa thuận với con: mẹ vẫn yêu con, nhưng tạm thời chúng ta sẽ không nói chuyện này cho tới khi con trưởng thành. Chị cũng không dám nói với chồng, bởi nghĩ rằng đó sẽ là cú sốc lớn đối với anh vì anh là con một và thằng bé không những cũng là con một mà còn là cháu đích tôn của dòng họ!
Nhưng liệu cậu bé có thể chờ đến lúc trưởng thành để hạ hồi phân giải với bố mẹ? Cậu đang trải qua giai đoạn phát triển khó khăn trong cuộc đời với vấn đề tính dục mà cậu không thể lảng tránh. Cậu cần sự hỗ trợ của cha mẹ. Tôi khuyên vợ chồng chị nên đối mặt với thực tế, chuẩn bị sẵn tâm lý cho mình và các thành viên khác trong gia đình, tránh để xảy ra những cú sốc về thất vọng và sụp đổ hoài vọng, đẩy con tới những cảm xúc tiêu cực.
Các con tuổi teen giờ nhiều vấn đề tinh thần hơn thời chúng ta cùng tuổi. Cuộc sống ngày xưa đơn giản hơn, ít nhu cầu hơn, ít áp lực hơn. Đó là chưa kể tác nhân gây áp lực của thế hệ tuổi teen hiện nay trong bối cảnh mạng xã hội phát triển đều khá vô hình, hoặc ở những xa, rất khó nhận biết.
Làm bố mẹ các cháu teenager thời nay đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn, nhiều quan tâm hơn, nhiều kiên trì hơn và cũng nhiều yêu thương hơn. Lo cuộc sống vật chất cho con thôi là chưa đủ, lo cuộc sống tinh thần của chúng mới là điều quan trọng. Hãy kịp thời phát hiện và cùng các con đối diện với những vấn đề của chúng, đừng để chúng phải giải quyết một mình!