Hãy là đứa trẻ bản lĩnh
LTS: Lá thư dưới đây là của một người mẹ gửi con mình, nhưng cũng là lời cảnh báo về những nguy cơ khi con trẻ tương tác quá nhiều với mạng xã hội và các thiết bị thông minh, để rồi dễ sa vào những 'ma trận' khiến con trẻ đánh mất chính mình.
Con yêu của mẹ!
Chủ nhật rồi đi họp phụ huynh, trường con vẫn bảo lưu quy định “không được mang điện thoại thông minh vào lớp”. Đề cập đến Thông tư 33 đang gây xôn xao học đường, thầy chủ nhiệm con trăn trở: “Khả năng dùng điện thoại để học tập thì chưa biết đến đâu, nhưng nếu sa đà vào mạng xã hội, học sinh mất tập trung là khó tránh khỏi”. Hầu hết phụ huynh trong lớp tán thành ý kiến của thầy.
Chắc con cũng nhớ những lần tranh luận thẳng thắn giữa ba mẹ và các con về quyền được sử dụng điện thoại thông minh, quyền được tham gia vào mạng xã hội, được Facebook, được chat chit, Tiktok, YouTube... Sau những lần nảy lửa ấy, là cam kết, là quy ước, là những lời xin lỗi, hứa hẹn... lặp lại nhiều lần của các con.
Mẹ biết thời đại này, không chỉ học sinh cần được tiếp cận nguồn tri thức phong phú đến từ Internet. Tuy nhiên, tại những quốc gia có nền giáo dục văn minh - hiện đại như Australia, Anh, Pháp… cũng đã kiên quyết nói không với thiết bị thông minh trong lớp học, nhằm giảm thiểu sự mất tập trung của học sinh và quan trọng hơn là để ngăn chặn trào lưu bắt nạt trên mạng (cyber-bullying).
Dường như thế giới này vẫn đang loay hoay, chưa có đáp án hoàn hảo cho bài toán “nên hay không nên cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong lớp”. Đành rằng giáo viên sẽ kiểm soát, nhưng việc đó không dễ dàng gì, ở cả những nền giáo dục hiện đại nhất nhì thế giới. Nó không chỉ là nan đề ở học đường, mà nó còn là sự khó khăn trong mỗi gia đình, ở bất kỳ quốc gia nào.
Tết vừa rồi, bà ngoại mình đã ra “quy định” mới. Tất cả các thành viên khi ngồi vào bàn ăn không được sờ, liếc đến điện thoại. Ông bà ngoại cũng biết sử dụng Internet, cũng đã “gia nhập” mạng xã hội để “bằng con, bằng cháu”, nhưng có lẽ, người ở thế hệ cũ đã dự cảm được những bất an trong lối sống mới. Khi các con gặp nhau vào mỗi dịp lễ tết, cúng giỗ… thời gian ngắn ngủi đó, các con đã không còn bên nhau trọn vẹn cảm xúc với ý thức “bây giờ và ở đây”. Các con có thể ngồi cạnh nhau, nhưng mỗi đứa chăm chú dán mắt vào màn hình riêng nhỏ xíu, thỉnh thoảng lại ô a hay cười một mình. Thời của mẹ, những cỏ cây, hoa lá, những côn trùng, dòng sông, con cá, con gà… những trải nghiệm trong veo ấy tuyệt vời hơn thứ hình ảnh có trong điện thoại thông minh của các con. Thế hệ Z của các con ngày nay dễ chán nản và cáu gắt hơn, bởi ở đó, có lẽ điều bình dị, đời thường chẳng còn làm các con thích thú.
Cuộc sống cứ biến đổi không ngừng con ha. Thời của mẹ cũng không thể hình dung có ngày đĩa DVD mất tích vì YouTube ra đời, bưu điện đìu hiu vì những lá thư viết tay được thay bằng email, rồi bây giờ là tin nhắn SMS… Đến thời các con, công nghệ được dự báo sẽ có thể lục tung mạng xã hội, tìm kiếm ngôn từ, video, ráp lại thành phiên bản người số, có giọng nói và cách tương tác chẳng khác gì người thật. Người ta lại hối hả, lao vào cuộc “nâng cấp” phần mềm để trở thành loài siêu việt trên không gian ảo. Nhưng trí tuệ nào phân tích ra nghịch lý của mặt trái đời sống công nghệ? Mấy hôm trước, mẹ thoáng giật mình khi con lên tiếng bênh vực một “streamer” (người phát sóng trực tiếp thông qua web hoặc mạng xã hội) đang bị lên án vì văng tục trên YouTube. Vài ngày nữa sẽ chẳng ai nhớ tới vụ việc khiến con trai mẹ có chút bất bình, nhưng con ơi, Google, Facebook sẽ không bao giờ xóa án tích cho họ.
Nhắc đến đây mẹ chợt nhớ, mới tuần trước, tỷ phú Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Facebook, thông báo, mạng xã hội lớn nhất thế giới này vừa nâng cấp nội quy làm việc nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn nguy cơ xảy ra các cuộc tranh luận trực tuyến dẫn đến mâu thuẫn nội bộ về quan điểm chính trị, sắc tộc, tôn giáo hoặc tin tức về dịch bệnh. Trước đó, gã khổng lồ công nghệ Google cũng mở rộng cơ chế kiểm duyệt nhân viên nhằm xây dựng môi trường làm việc tốt đẹp, hiệu quả và lành mạnh hơn, tránh những cuộc tranh cãi về các vấn đề không liên quan đến công việc.
Con thấy không, những người trưởng thành, đầy tài năng làm việc tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới vẫn còn sập chính cái bẫy công nghệ mà họ tạo ra, vẫn còn thiếu kỹ năng quản trị bản thân dẫn đến mất tập trung trong khi làm việc. Mới đây, bộ phim tài liệu The Social Dilemma đã gây sửng sốt người xem khi bóc phốt trần trụi ma trận của mạng xã hội. Nó tiết lộ nhiều người trong ngành công nghệ, những cựu giám đốc điều hành, những nhà phát triển sản phẩm, nhà đạo đức thiết kế ở Facebook, Google, Twitter, Instagram đã không để con họ bị thao túng bởi các thiết bị mà người ngoài ngành tin là chúng “thông minh”.
Làm cha mẹ thời nay thật quá khó. Đúng là thời xưa hay bất kỳ thời nào cũng khó. Khó bởi hoàn cảnh sống, bởi suy nghĩ hay quan điểm sống tùy từng thời. Khó bởi tư duy con người được tạo dựng trong những cảnh huống khác nhau. Nhưng thời nay khó hơn, bởi mẹ vẫn chưa thể yên tâm về những tiện ích, dịch vụ mà xã hội hiện đại mặc định là cần, là tốt nhất cho các con. Ẩn sau những hình ảnh “lạnh lùng, ngầu”, bất cần là hành trình vật lộn với tâm lý giận dữ và cô độc thường xuyên.
Mẹ biết, để tồn tại trong thế giới này, chúng ta phải tiếp thu học hỏi và đón nhận cái mới liên tục. Quá trình thay đổi hay giao thoa nào cũng có sự đánh đổi. Nhưng cởi mở với công nghệ của tương lai không có nghĩa chúng ta phải chấp nhận mọi cách sử dụng chúng? Tất nhiên, trốn tránh hay cấm đoán càng không phải là cách giải quyết tối ưu. Cũng như những bậc sinh thành khác, mẹ chỉ mong con có bản lĩnh vững vàng để làm chủ chiếc điện thoại chứ không để nó sai khiến, thao túng tinh vi cuộc sống của mình. Sở hữu trong tay phương tiện tiếp cận tri thức, nhưng sử dụng thế nào cho thông minh, còn tùy thuộc vào sự tỉnh táo và kỹ năng kiểm soát bản thân của con, mà mẹ biết, ở tuổi này là rất khó.
Mẹ của con!
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hay-la-dua-tre-ban-linh-687771.html