'Hãy nhìn nhận phụ nữ khuyết tật là một bộ phận trong nguồn nhân lực xã hội'
Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam nhắn nhủ: 'Hãy nhìn nhận phụ nữ khuyết tật, khiếm thị là một bộ phận trong nguồn nhân lực xã hội. Tạo cơ hội để họ phấn đấu, hòa nhập thì chắc chắn nhiều phụ nữ khuyết tật sẽ vượt qua hoàn cảnh khó khăn để vươn lên, không chỉ chăm lo cho bản thân mà còn là thành viên có trách nhiệm cho cộng đồng, đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội'.
Thời gian qua, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại nước ta được triển khai rất hiệu quả, tạo điều kiện cho phụ nữ khẳng định vị trí của mình trong xã hội. Tuy nhiên bên cạnh đó, còn 1 bộ phận không nhỏ những phụ nữ khiếm thị đang gặp khó khăn trong việc vượt qua hoàn cảnh để hòa nhập với cộng đồng. Báo Pháp luật Việt Nam có cuộc trao đổi với bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam để chỉ rõ những thách thức và tìm giải pháp cho vấn đề này.
Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về sự tiến bộ của phụ nữ khuyết tật nói chung và phụ nữ khiếm thị nói riêng tại Việt Nam trong việc tiếp cận các quyền cơ bản, như giáo dục, y tế, và việc làm, kể từ khi Việt Nam thực hiện Cương lĩnh và Tuyên bố hành động Bắc Kinh, một trong những văn kiện toàn diện nhất về các vấn đề của phụ nữ, được thông qua tại Hội nghị Phụ nữ thế giới lần thứ 4 tại Bắc Kinh năm 1995?
- Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, phụ nữ khuyết tật nói chung và phụ nữ khiếm thị nói riêng ngày càng có nhiều cơ hội để tham gia vào các lĩnh vực như giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khỏe cũng như các hoạt động xã hội... Có những phụ nữ có trình độ học vấn rất cao, tham gia nhiều tổ chức Quốc tế cũng như trong nước. Bên cạnh đó cũng có những phụ nữ khuyết tật nhưng là lao động giỏi, là chủ cơ sở, doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người. Chính vì thế, những người phụ nữ này ngày càng có nhiều điểm tựa để khẳng định mình, hòa nhập và đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng.
- Vậy theo bà, những thách thức mà phụ nữ khiếm thị tại Việt Nam đang phải đối mặt là gì?
- Mặc dù đã đạt được những tiến bộ nhất định nhưng phụ nữ khiếm thị tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Thứ nhất là chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò của mình: Trong cộng đồng, gia đình và trong chính những người phụ nữ khiếm thị đâu đó vẫn còn những mặc cảm, tự ti. Điều này làm giảm cơ hội để họ tham gia học tập, lao động và ngay cả trong vấn đề chăm sóc gia đình, sinh con.
Thứ hai là thiếu điều kiện tiếp cận với những nguồn thông tin, nên phụ nữ khiếm thị, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa chưa có nhiều cơ hội để hòa nhập cộng đồng. Theo quy định, học sinh khuyết tật được nhập học phổ thông muộn hơn 3 tuổi so với học sinh bình thường. Tuy nhiên do thiếu thông tin và các điều kiện khác nên nhiều em không có điều kiện đi học. Khi đã quá độ tuổi quy định thì không phải trường học nào cũng ưu tiên cho các em. Điều này dẫn đến trẻ em khuyết tật đôi khi thiệt thòi, không có cơ hội để đến trường.
Thứ ba là khó khăn về cơ chế, chính sách: Theo quy định thì người khuyết tật được hỗ trợ những trang thiết bị học tập riêng trong trường hợp cần thiết, nhưng do hiện nay chưa có cơ chế phân bổ nguồn ngân sách nhà nước để chuyển đổi và in ấn sách giáo khoa, tài liệu học tập... Ngoài ra, việc chuyển đổi in ấn sách chữ nổi lại chủ yếu dựa vào nguồn vận động do Bộ GD&ĐT, Hội người mù và các tổ chức liên quan thông qua các dự án.
Hiện tại mặc dù chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai từ năm 2020 nhưng cho đến nay sách giáo khoa chữ nổi dành cho các em học sinh khuyết tật nhìn, khiếm thị vẫn rất thiếu thốn.
- Về tương lai, bà có những kỳ vọng và mục tiêu gì cho việc nâng cao quyền con người của phụ nữ khiếm thị tại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Cương lĩnh Bắc Kinh?
- Hiện tại vẫn còn những hạn chế nhất định, nhưng là một phụ nữ khuyết tật, tôi thấy được rằng Đảng, Nhà nước và các ban ngành đã luôn quan tâm và nỗ lực hoàn thiện các chính sách, phát huy hiệu quả việc thực thi chính sách trong thực tế. Song song với đó rất lắng nghe ý kiến của người khuyết tật thông qua các tổ chức của Hội Người mù hay tổ chức đại diện cho người khuyết tật. Tôi tin tưởng rằng cơ chế chính sách dành cho người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng sẽ ngày càng hoàn thiện và phát huy hiệu quả, giúp những phụ nữ khiếm thị và khuyết tật có cơ hội để vươn lên và hòa nhập xã hội.
- Bà có lời khuyên nào dành cho phụ nữ khiếm thị, cũng như các tổ chức và cộng đồng xã hội, trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của phụ nữ, đảm bảo rằng mọi người đều có cơ hội phát triển bình đẳng?
- Đối với phụ nữ khiếm thị và phụ nữ khuyết tật, cho dù trước mắt còn rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng nếu có ước mơ, có mục tiêu và luôn nỗ lực thì khó khăn chắc chắn được đẩy lùi, từ đó đạt được ước mơ của mình.
Đối với các tổ chức và cộng đồng, hãy nhìn nhận phụ nữ khuyết tật, khiếm thị là một bộ phận trong nguồn nhân lực xã hội. Hãy tạo cơ hội, điều kiện để họ phấn đấu, xây dựng môi trường bình đẳng, thân thiện, hòa nhập thì chắc chắn sẽ càng nhiều người phụ nữ khiếm thị sẽ nỗ lực, vượt qua hoàn cảnh khó khăn của chính mình để vươn lên, không chỉ chăm lo cho bản thân mà còn là thành viên có trách nhiệm cho cộng đồng, đóng góp cho sự phát triển của chung xã hội.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Từ một cô bé khiếm thị đến... Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam
Bà Đinh Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam chính là tấm gương điển hình về nghị lực phi thường của người phụ nữ khiếm thị. Sinh ra tại một gia đình đông con ở huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh), ngay từ khi mới lên 3 tuổi, đôi mắt của Đinh Việt Anh đã bộc lộ những bất thường, 1 mắt chỉ nhìn thấy mờ mờ còn 1 mắt đã mất hoàn toàn thị lực. Bằng đồng lương giáo viên ít ỏi, bố mẹ đã cố gắng chạy chữa, nhiều lần đưa Việt Anh ra Hà Nội điều trị nhưng không đạt kết quả.
Năm lớp 9, Việt Anh được bác sĩ xác định mất hoàn toàn thị lực, phải đi ghép giác mạc. Lấy lại chút ánh sáng chưa được bao lâu thì năm lớp 11, sau khi đi khám, Việt Anh được bác sĩ kết luận mắt đã hỏng và không thể nào chữa trị.
Trước nghịch cảnh ấy, Đinh Việt Anh đã từng có ý định bỏ học, nhưng vì quá nhớ tiếng giảng bài của thầy cô, tiếng đọc bài của bạn bè và tiếng trống trường nên cô nữ sinh ấy lại tiếp tục đi học. May mắn cô nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ thầy cô, bạn bè và đạt thành tích học tập tốt.
Sau khi tốt nghiệp THPT, Việt Anh quyết định ở nhà. Trong thời gian này, cô tham gia làm cộng tác viết nhiều bài thơ, truyện ngắn, kể về văn hóa vùng miền trên một số tờ báo và tạp chí. Cơ duyên giúp cô biết đến Hội người mù Việt Nam và được đi học tại Trung tâm Đào tạo cán bộ phục hồi chức năng cho người mù tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Với nghị lực phi thường, cô tiếp tục theo học ngành Quản lý xã hội tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, học tiếng Anh tại Viện đại học Mở và học Sư phạm tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia. Chưa dừng lại ở đó, cô gái ấy tiếp tục học cao học tại Học viện Hành chính Quốc gia.
Trong những năm tháng học đại học, dù gặp nhiều khó khăn nhưng cô luôn cố gắng chắt chiu nguồn tài liệu và tận dụng cơ hội để học mọi lúc mọi nơi. Kết quả là cô luôn đạt thành tích cao nhất lớp ở cả lớp đại học và cao học. Giờ đây, cô nữ sinh ngày nào đã trở thành Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam, kiêm Tổng Biên tập tạp chí Đời mới.
Từ năm 2007 đến năm 2022, bà Đinh Việt Anh liên tục đạt nhiều thành tích đáng nể: Nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Gương điển hình tiên tiến, Gương người tốt việc tốt; được trao tặng Huân chương lao động hạng 3; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùng hàng loạt bằng khen của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội người mù Việt Nam, Liên đoàn lao động TP Hà Nội, UBND tỉnh Hà Tĩnh...
Vượt qua những nghịch cảnh của cuộc sống để thực hiện những lý tưởng cao đẹp, giờ đây khi đạt được những vị trí nhất định trong xã hội, Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam luôn cảm thấy may mắn và biết ơn: “Để cảm ơn riêng 1 ai thì rất khó. Tôi biết ơn bố mẹ đã luôn đồng hành cùng tôi trong mọi hoàn cảnh. Tôi trân trọng sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè và những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng. Cảm ơn Hội người mù Việt Nam đã giúp tôi trưởng thành và là động lực để tôi đạt được kết quả như hôm nay. Hiện tại biết ơn vì có sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành và các doanh nghiệp. Gia đình nhỏ cũng là động lực của tôi, là điểm tựa để cùng chia sẻ những khó khăn và những hạnh phúc trong cuộc đời”....
Bài viết được thực hiện dưới sự hợp tác giữa Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) với Báo Pháp luật Việt Nam nhằm thảo luận thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, một trong những văn kiện quan trọng nhất của thế giới về quyền của phụ nữ được thông qua tại Hội nghị phụ nữ thế giới lần thứ 4 năm 1995.