Hãy ở bên các con
Hãy ở bên các con, cùng các con vượt qua nỗi buồn thi trượt để các con thấy rằng cánh cửa này đóng lại nhưng còn nhiều cánh cửa khác mở ra sẵn sàng chào đón, miễn là các con luôn tự tin vào chính bản thân mình.
Chiều 28.6, khi Sở Giáo dục và Đào tạo vừa công bố điểm thi vào lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022, tôi liền nhận được cuộc gọi của anh bạn bảo lên nhà có việc cần giúp. Vừa mở cổng cho tôi anh vừa lẩm bẩm, càu nhàu về việc con trai của anh có điểm thi vào 10 quá thấp. Ở trong nhà, con trai anh đang ngồi rón rén, sợ sệt trong góc phòng. Ánh mắt cậu bé 15 tuổi nhìn tôi đầy thất vọng, xen lẫn sự xấu hổ, ngại ngùng. Chắc nó vừa bị bố mắng khi kết quả thi không đủ để đỗ vào bất cứ trường công nào của huyện. Nghe anh mắng con, tôi chẳng biết khuyên giải ra sao vì chính tôi cũng từng rất hồi hộp xen lẫn âu lo khi chờ kết quả thi của con mình. Và tôi cũng không dám chắc nếu con thi trượt liệu mình có giữ được bình tĩnh hay lại mắng con như anh bạn mình.
Năm nay, cả tỉnh có hơn 20.000 thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập. Như vậy, sẽ lại có hàng nghìn học sinh không thể vào học trường công lập, buộc phải lựa chọn trường tư thục hoặc Trung tâm Giáo dục thường xuyên để nuôi dưỡng ước mơ học tập. Ai cũng hiểu cảm giác thất vọng, buồn chán của những ông bố, bà mẹ khi biết điểm thi của con mình không cao như kỳ vọng. Người Việt Nam vốn trọng việc học. Nhiều người coi học tập là con đường tiến thân quan trọng nhất. Biết bao kỳ vọng được gửi gắm vào những đứa con. Vì thế, sau bao nhiêu nỗ lực, cố gắng của cả gia đình nhưng cuối cùng nhận lại một kết quả không như ý, sự tức giận, thất vọng, buồn chán là điều dễ hiểu.
Những lúc như thế này, liệu có mấy ông bố, bà mẹ hiểu được cảm giác của con mình khi thi trượt. Những cậu bé, cô bé tuổi 15 liệu đã đủ vững vàng, từng trải để chịu cú sốc quá lớn khi mới chớm bước vào cánh cửa cuộc đời. Các con còn quá non nớt để hiểu và gánh những kỳ vọng lớn lao của cả gia đình trên đôi vai nhỏ bé của mình. Các con đang tuổi ăn, tuổi học, tuổi chơi. Ở lứa tuổi này, các con có quyền được tiếp tục đi học. Nhiệm vụ của người lớn là phải tạo mọi điều kiện để các con được đến trường. Thế nhưng do không có đủ trường lớp để các con được hưởng quyền học tập, chính người lớn lại đẩy các con lao vào cuộc chiến giành suất vào trường công. Đến khi các con thi trượt, rất ít ông bố, bà mẹ có thể hiểu được các con đang phải trải qua điều khủng khiếp gì. Chắc chắn các con sẽ rất buồn, thất vọng, nghĩ mình kém cỏi so với bạn bè. Chắc chắn các con cũng tức giận, chán nản gấp nhiều lần bố mẹ. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, các con dường như lạc lõng, bơ vơ khi chưa biết phải làm gì tiếp theo. Trong khi các con rất cần một lời động viên, vỗ về, an ủi cũng như những định hướng cho tương lai thì nhiều ông bố, bà mẹ quay ra mạt sát, chửi rủa. Họ lấy cái sĩ diện, cái danh hão của bản thân để đổ mọi lỗi lầm lên đầu con cái. Họ bao biện rằng họ đang lo cho tương lai của các con. Người làm cha, làm mẹ phải hiểu rằng bản thân mỗi người đều có những giá trị, thế mạnh riêng. Muốn thành người có ích, không phải ai cũng học lên cao. Không phải ai cũng trở thành kỹ sư, bác sĩ, giáo viên... Nhiều người dù không học cao nhưng cũng thành công bằng chính bàn tay lao động, khối óc sáng tạo của mình. Nhiều người đã tìm được chính mình khi được làm công việc yêu thích dù không được học hành đến nơi đến chốn. Điều quan trọng nhất là những người làm cha làm mẹ hãy giáo dục, định hướng để các con thấy hạnh phúc với chính sự lựa chọn của mình. Vì thế, hãy ở bên các con, cùng các con vượt qua nỗi buồn thi trượt để các con thấy rằng cánh cửa này đóng lại nhưng còn nhiều cánh cửa khác mở ra sẵn sàng chào đón, miễn là các con luôn tự tin vào chính bản thân mình.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/hay-o-ben-cac-con-172331