Hãy ở yên… để con trẻ được ở yên

Những ngày này, khi TP. Hồ Chí Minh quyết định thực hiện giãn cách xã hội thêm 1 tháng nữa và người lao động ngụ cư nơi đây lại tìm cách để vội vã về quê, tôi lại nhớ đến bức ảnh một đứa trẻ cùng cha mẹ ngồi bệt trên vỉa hè nghỉ mệt sau chặng đường dài rong ruổi trên xe máy được đăng trên Facebook. Đứa trẻ đầu tóc ướt rượt, đôi chân trần, ánh nhìn thẳng vào máy ảnh và chiếc khẩu trang tụt xuống tận cằm. Ánh mắt như chờ đợi một điều gì khác hơn những ngày rong ruổi đường dài.

Dịch Covid-19 đã bứt cha mẹ những đứa trẻ ra khỏi cuộc mưu sinh, mang theo con trên xe máy vội vã trở về quê. Chỉ mới tháng trước thôi, từ TP. Hồ Chí Minh về quê, họ phải đi qua dăm bảy tỉnh, thành. Mỗi tỉnh, thành lại có những chốt chặn riêng, với điều kiện khác nhau. Để qua được chốt kiểm soát, chúng phải cùng cha mẹ chờ đợi tại chốt hàng giờ liền. Người lớn đương nhiên mệt nhưng trẻ con còn mệt mỏi hơn.

Những đứa trẻ theo cha mẹ về quê (ảnh chụp tại chốt kiểm soát phòng chống Covid-19 trên đường ĐT741, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú ngày 1-8-2021)

Những đứa trẻ theo cha mẹ về quê (ảnh chụp tại chốt kiểm soát phòng chống Covid-19 trên đường ĐT741, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú ngày 1-8-2021)

Những đứa bé còn đang phải ẵm ngửa được mẹ bế vào ngồi bệt dưới bóng râm tránh nắng. Những đứa lớn quanh quẩn khu vực chốt kiểm soát, trên tay vẫn còn ôm hộp khẩu trang hoặc thẫn thờ gục mặt trên bao tải đầy quần áo, đồ đạc. Gương mặt non nớt đó khiến tôi vô cùng xót xa. Nếu không xảy ra dịch, chắc chắn không bao giờ chúng phải vướng bụi đường xa theo cách như thế này.

Chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên đường ĐT741, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú là một trong những chốt kiểm soát mà hàng ngàn người dân về các tỉnh Tây Nguyên và khu vực miền Trung phải chờ để được “thông chốt”. Ở đó, tôi bắt gặp hàng ngàn người chở theo “ngôi nhà nhỏ” của họ trên chiếc xe máy. Có những chiếc xe đời mới nhưng cũng có chiếc xe số đã cũ nhèm. Đằng trước xe lủng lẳng mùng mền chiếu gối, đuôi xe cột thêm túi áo quần. Đứa trẻ bị kẹp ở giữa trên chiếc yên chật hẹp hoặc ngủ gục suốt quãng đường. Qua được chốt kiểm soát, chúng sẽ theo cha mẹ xuyên đêm. Gần thì sáng hôm sau có thể về đến nhà nhưng nếu xa quá thì vỉa hè với mảnh bạt cao su tiếp tục sẽ là chỗ nghỉ trưa, thậm chí là ngủ tối của họ.

Cùng người dân vượt qua đại dịch, UBND tỉnh Bình Phước đã có công văn hỏa tốc hỗ trợ công dân Bình Phước gặp khó khăn do Covid-19 đang ở tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Và những chuyến xe hàng hóa, lương thực, thực phẩm với nhiều thông điệp yêu thương từ Bình Phước đang tiếp tục nối dài. Tôi tin sẽ không còn phải thấy tình cảnh từng đoàn người về quê tránh dịch mà là hành trình của tình người, tình quê. Khi đó, điều mà mỗi người cần phải làm chính là “hãy ở yên… để những đứa trẻ cũng được ở yên”.

Quang Anh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/126252/hay-o-yen-de-con-tre-duoc-o-yen