Hãy tin vào công cuộc chống tham nhũng của Đảng

Thời gian qua, đặc biệt là nhiệm kỳ Đại hội Đảng Khóa XII (2016-2020) công tác phòng, chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước triển khai quyết liệt. Điều này không chỉ góp phần làm trong sạch bộ máy hệ thống chính trị, mà còn tạo thêm niềm tin của nhân dân với Đảng. Tuy nhiên, gần đến ngày diễn ra Đại hội Đảng lần thứ XIII, các thế lực thù địch lại 'viện cớ đấu đá nội bộ' làm chia rẽ đoàn kết nội bộ, tạo sự nghi kỵ trong một bộ phận không nhỏ quần chúng nhân dân.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 ngày 28/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, đã có 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật, thậm chí một số đồng chí bị xử lý hình sự.

Đáng lưu ý là, trong số đó có đến 53 đồng chí công tác ở các cơ quan chính quyền, 31 cán bộ lực lượng vũ trang nhưng các vi phạm phần lớn là thuộc các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Việc phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình thật khổ tâm, đau xót, nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, phải kỷ luật một vài người để cứu muôn người.

Nhiệm vụ thời gian tới hết sức nặng nề, phức tạp, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ có chức, có quyền, đang nắm trong tay quyền và tiền, sống và làm việc trong môi trường có rất nhiều cám dỗ, rất dễ xảy ra tham nhũng, hư hỏng, tiêu cực, phải luôn đấu tranh với chính mình để không phạm phải những cám dỗ đời thường”.

Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mong muốn “từng đồng chí hãy luôn luôn tâm niệm, khắc sâu mình là cán bộ rường cột của nước nhà, là công bộc của dân, hãy làm việc hết sức mình, trước hết, trên hết là vì dân, vì đất nước; luôn trau dồi, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, luôn tự soi, tự sửa lại mình để không xảy ra những điều không ai muốn.

Nếu để xảy ra, không chỉ Đảng, Nhà nước, cơ quan, đơn vị và nhân dân mất cán bộ mà chính các đồng chí mất uy tín, danh dự, làm ảnh hưởng và mang đến nỗi đau không chỉ cho chính mình mà cả gia đình, người thân, đồng chí, đồng đội mình”.

Có thể nói chưa có nhiệm kỳ nào, nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cao cấp là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật, cảnh cáo, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự như nhiệm kỳ này. Điều đó chứng tỏ, công cuộc chống tham nhũng để làm trong sạch Đảng, trong sạch bộ máy của hệ thống chính trị đã được Đảng ta, cụ thể là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trương ương, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng- đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Nguyễn Phú Trọng triển khai hết sức quyết liệt.

Với phương châm “kỷ luật một người để cứu nhiều người”, với phương châm “xử lý tham nhũng không có vùng cấm” bằng những cách làm khoa học, quyết liệt nhưng hết sức nhân văn không chỉ góp phần đẩy lùi vấn nạn tham nhũng mà còn góp phần “cảnh tỉnh” những người đang có ý định muốn nhúng chàm. Cùng với công tác đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, Đảng ta cũng đã chỉ đạo nghiên cứu các cơ chế, chính sách tạo ra hành lang pháp lý để tham nhũng không có đất sống và nếu muốn cũng không thể tham nhũng.

Công tác phòng, chống tham nhũng quyết liệt là vậy, nhưng lấy làm tiếc các thế lực thù địch vẫn cố tình “rêu rao”, “cổ xúy” với những thông tin “bẩn” trên mạng xã hội là lợi dụng chống tham nhũng để đấu đá nội bộ, thậm chí “sắp ghế”! Vậy nên hơn lúc nào hết chúng ta cần hết sức thận trọng, thậm chí nói không với những thông tin bịa đặt đó.

H.P

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hay-tin-vao-cong-cuoc-chong-tham-nhung-cua-dang-117075.html