Hãy vui khi con đến tuổi dậy thì
Chúng ta không có đường lùi, chúng ta không có chốn trốn, chúng ta không có cách nào giữ lũ trẻ không dậy thì đúng không?
Chúng ta đã nói với nhau quá nhiều về những lo lắng, bất an của cha mẹ khi có con đến tuổi dậy thì. Đau đầu với những thay đổi tâm sinh lý của con, bất lực trước những bất ổn của con, sợ hãi với những bất an từ những cú “quay xe” trong tính nết của con.
Và còn nhiều những cú giật mình thảng thốt khác như con trai thì lo chúng đua xe, dùng chất kích thích, dễ nổi nóng, hỗn hào với cha mẹ, con gái thì lo chúng yêu đương rồi có bầu…
Lo là đúng, sợ là phải, nhưng nào, quên chúng đi, hãy vui lên các cha mẹ ơi!
Tôi vừa trải qua một ngày với 2 cuộc hội thảo liên tục với các phụ huynh có con ở độ tuổi tiểu học và trung học trường Vinschool Metropolis. Cha mẹ có con tiểu học thì lo kiểu dậy thì ương bướng của tiểu học, trung học thì giật mình kiểu dậy thì nổi loạn của trung học.
Tin vui là cha mẹ thời nay khác với cha mẹ thời ta, quan tâm hơn tới con cái, lắng nghe con cái nhiều hơn, có nhiều kiến thức nuôi dạy con hơn. Nhưng tin buồn là con càng lớn nỗi lo lớn theo. Lũ trẻ bây giờ không khù khờ dễ dạy bảo như chúng ta lúc bé. Nguy cơ rình rập nhiều hơn.
Xưa chất kích thích là rượu, bia, thuốc lá, ma túy nay còn thêm thuốc lắc, bóng cười, thuốc lá điện tử, cần sa… Muôn hình vạn trạng mà cái nào cũng quyến rũ chết người.
Là còn chưa kể môi trường online toàn những thứ nguy hiểm vô hình. Xưa chỉ là thư tay còn nay là chiếc smartphone với trùng trùng bí mật, tự chụp ảnh, quay clip và dễ dàng gửi chuyển đăng tải để lại cơ man nào là nguy cơ đáng sợ. Lo là đúng, sợ là phải.
Nhưng thôi nào, sợ cũng phải đối diện, lo cũng phải đối đầu, bất an cũng phải giải quyết. Chúng ta không có đường lùi, chúng ta không có chốn trốn, chúng ta không có cách nào giữ lũ trẻ không dậy thì đúng không?
Vậy thì đây, những take note tôi đã chia sẻ với các phụ huynh của Vinschool Metropolis, dành tặng các cha mẹ khác nếu có nhu cầu. Nó chưa phải sự chuẩn nhất hay kim chỉ nam gì cả, nó chỉ là kinh nghiệm cá nhân của tôi. Xin hãy cân nhắc sử dụng theo cách của các cha mẹ nhé!
1. Cùng con trưởng thành: Đừng chia chiến tuyến. Hãy đứng về phe của con dù có thể con đang đẩy chúng ta về phía đối đầu, chúng đối phó với chúng ta. Muốn vậy, hãy cài đặt chế độ TIN VÀO CON.
Cha mẹ TIN con tốt hơn cha mẹ YÊU con, ít nhất là trong giai đoạn nhạy cảm này. Là chúng ta phải tin con trước và trên cả yêu con. Cho chúng thấy niềm tin của chúng ta trước. Còn bằng cách nào ư? Hãy nhớ lại xem bạn tin một ai đó vì điều gì họ đã làm cho bạn, hãy làm theo.
Hiểu mới có Thương, Tin mới có Yêu. Cùng con trưởng thành với nền tảng chính là xây dựng một mối quan hệ Tin Tưởng. Khi con đã Tin bạn, chúng sẽ cho bạn đồng hành.
2. Cùng con chào đón tuổi dậy thì: Đừng để những lo lắng, sợ hãi, bất an, những tình huống xấu sẽ xảy ra khiến bạn đánh mất đi sự hào hứng trước cột mốc trưởng thành của con.
Tôi biết là sẽ khó khăn đấy khi yêu thương con có thể khiến một cái đập cánh, một cái sảy chân của con cũng khiến nhiều cha mẹ gặp chấn động tương tự cơn động đất.
Nhưng bạn vững vàng sẽ khiến con an tâm. Sự hoảng loạn của bạn có thể khiến con bạn bất an gấp nhiều lần. Thế nên bạn hào hứng sẽ khiến con hào hứng.
3. Cùng con quản lý rủi ro: Muốn quản lý rủi ro, ý muốn không thôi là chưa đủ, cần phải có kiến thức. Thật may khi kiến thức thời đại này rất nhiều. Trong sách báo, nguồn tin chính thống. Phân, lọc nguồn thông tin cùng con. Là hãy cùng con tìm hiểu chứ đừng quẳng sách cho con tự đọc. Cùng con thảo luận. Thầy cô có thể dạy con nhưng cha mẹ đừng dạy, hãy học cùng con.
Bạn cũng cần update mà, phải không? Hãy cùng con tìm hiểu những rủi ro có thể xảy ra và thảo luận cùng con cách để xử lý rủi ro, giảm thiểu rủi ro, đánh giá rủi ro, quản trị rủi ro. Làm sao để không mang bầu, với cả con trai. Và làm sao để không vướng vào những rắc rối pháp lý, với cả con gái. Mọi nguy cơ đều có thể tìm thấy giải pháp khi chúng ta cùng thảo luận và tìm hiểu về nó.
Học cùng con như một bạn học chứ đừng là cha mẹ. Đừng “bố từng trải hơn bố biết”, đừng “mẹ lớn hơn con mẹ hiểu”. Hãy sửa những thứ ta thấy sai bằng những dẫn chứng khoa học thay vì bằng cảm xúc. Bố hút thuốc không thể cấm con hút thuốc nhưng sai lầm của bố có thể được sửa lại từ con.
4. Con an toàn vì có bố mẹ lắng nghe: Lắng nghe con đôi khi giá trị hơn nhiều lần việc đưa ra những lời khuyên. Tôi phát hiện ra điều này khi tôi chứng kiến sự thay đổi tích cực từ con mình khi chúng nhận được sự lắng nghe của tôi.
Lũ trẻ luôn biết cách tự điều chỉnh bản thân tốt hơn người lớn vì chúng không bị những định kiến nhiều như khi đã lớn, đã trải qua nhiều thất bại hay có những trải nghiệm xấu như chúng ta.
5. Trì hoãn thay vì phản đối- Lùi một bước không phải là thua cuộc: Chẳng hạn việc xăm mình, tốt thôi, nhưng con có nghĩ là chúng ta cần thêm thời gian để quan sát nhiều hơn không? Con đúng, nhưng chúng ta có thể thử cùng nhau phân tích ngược lại được không? Mẹ vẫn cần thêm thông tin về vấn đề này trước khi ra quyết định, con có thể phân tích thêm cho mẹ được không?
Yêu là tốt, hẳn nhiên là rất tốt, nhưng giữ được tình yêu đó lâu dài thì chúng ta hãy thử cùng nhau phân tích và tìm cách giúp con với cậu ấy/cô ấy tạo ra một tình yêu bền vững, lâu dài hơn được không? Bạn của con không xấu, bố mẹ ủng hộ tình bạn này. Nhưng hãy cùng bố mẹ giải phẫu lại tình bạn này nhé!
Hãy bắt đầu bằng việc mối quan hệ này có thể tạo ra những điểm tích cực nào? Làm sao để chúng ta nhận diện ra và ngăn chặn được những yếu tố gây ngộ độc cho cả con và bạn của con?
6. Trưởng thành là sống có nguyên tắc: Có nhiều người cha, người mẹ 40 tuổi vẫn chưa trưởng thành. Là bởi họ sống không có nguyên tắc, vô tổ chức, thiếu trách nhiệm cũng như ích kỷ chỉ biết đến cái lợi của bản thân. Vậy nên nhiều người 40 tuổi vẫn chưa dậy thì là vậy.
Hãy cùng con xây dựng nguyên tắc để cùng nhau thực thi chứ đừng đưa ra nguyên tắc và bắt con phải thực hiện. Kỷ luật một đứa trẻ đừng dùng quyền làm cha, làm mẹ mà hãy bằng sự tuân thủ của bản thân. Làm sao cha mẹ cấm đoán con dùng smartphone khi mà chính chúng ta kè kè chiếc điện thoại bên mình như thế?
Cuối cùng, thưa các cha mẹ, con cái của chúng ta và kể cả chúng ta cũng đều thích tiệc tùng chứ không ai thích những buổi học. Hãy biến tuổi dậy thì của con như một bữa tiệc chứ đừng là khóa huấn luyện dậy thì. Hãy vui lên vì con đang lớn!
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hay-vui-khi-con-den-tuoi-day-thi-a657267.html