Hãy yêu thương bản thân!

1. Sau bữa cơm chiều muộn, chị Kim Thanh ở quận 6 (TPHCM) vội dọn dẹp nhà cửa để còn tranh thủ thời gian buổi tối làm cho xong công việc của công ty đang dang dở.

Nhóc Minh, 11 tuổi, con trai chị ngồi bên bàn học mà cứ làu bàu vì bữa cơm chiều mẹ cứ hối ăn nhanh quá, nó phải lùa cơm liên tục chẳng được thong thả nhơi từ tốn như mọi ngày.

Mặc kệ con trai, chị nhanh tay rửa mớ chén, quét lau mấy phòng, vệ sinh qua cái nhà tắm, chùi mớ dầu mỡ còn vương trên bếp, rồi chị ôm laptop miệt mài. Thi thoảng, chị cũng đưa mắt trông chừng con học bài, chơi game, xem tivi… đến 22 giờ thì réo con nhanh chân đi đánh răng, đi ngủ, để mai còn dậy sớm đi học.

Hơn 4 giờ sáng công việc mới xong. Chị tính đặt lưng lên chiếc giường nệm êm ái quen thuộc để tranh thủ chợp mắt một chút thì chợt nhớ mình chưa ủi đồ đi học cho con, chưa ủi đồ đi làm cho bản thân. Một sào quần áo chị giặt phơi từ sáng sớm qua đã khô nhưng chưa xếp cho vào tủ. Vậy là chị đắp cái chăn cho con trai, xoay người nhẹ nhàng rời khỏi phòng ngủ. Bao nhiêu công việc không tên thường nhật lại kéo chị làm tới lúc trời sáng hẳn. Nhìn những tia nắng mới qua khung cửa sổ nhỏ, chị Thanh nén tiếng lòng mệt mỏi để lại bắt tay làm những việc quen thuộc hàng ngày, với một tinh thần vật vờ thiếu sinh khí.

Có lẽ, cũng lâu rồi, từ khi chị ly dị chồng, bao nhiêu việc của gia đình và chuyện kiếm tiền ở ngoài xã hội chỉ có mình chị tự lo, tự gánh vác. Với bản tính cứng rắn, chị không muốn sự rạn vỡ hạnh phúc gia đình của mình làm phiền người thân, bạn bè, cũng không muốn nhận sự giúp đỡ của bất cứ ai mà chị cảm thấy họ giúp vì thương hại. Vậy nên chị cứ ráng gồng mình làm việc hết sức, bất chấp cơ thể từng ngày xuất hiện những dấu hiệu ngấm ngầm phản đối, sự căng thẳng quá sức từ thể chất đến tinh thần.

Trưa nay chị ngất tại công ty. Đồng nghiệp hốt hoảng đưa vào bệnh viện cấp cứu rồi báo cho người thân hay tin. Sau mấy tiếng được y bác sĩ chăm sóc, chị tỉnh, hốt hoảng không biết vì sao nhập viện. Khi hiểu cớ sự, chị lại tất bật lo lắng chiều nay không ai đón con đang học ở trường về, con về nhà không ai chăm sóc...

2. Chị Hoàng Nga ở quận Bình Thạnh (TPHCM) bộc bạch: “Tôi buôn bán quần áo ngoài chợ, cũng đầu tắt mặt tối. Sáng sớm đã ra chợ dọn hàng, chiều tối chợ đóng cửa thì thu dọn hàng đóng sạp về. Chồng thì chạy xe chở hàng cho người ta. Ổng hay đi tỉnh nên vài bữa mới có mặt ở nhà, nhưng ở nhà cũng không nhiều, vì khi có hàng lại đi tiếp. Ổng chạy xe cũng mệt, nên tôi cũng không mong chờ ổng phụ giúp gì, để thời gian ở nhà cho ổng nghỉ ngơi thôi. Hai đứa con thì một đứa lớp 7, một đứa lớp 10, cũng lớn rồi nên tôi để tụi nhỏ tự lo, rèn cho các con tính tự lập, tự quan tâm chăm sóc nhau. Tôi cũng khuyến khích các con phụ giúp dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, rửa chén…”.

Mỗi ngày sau khi về nhà, chị Nga cũng thuận tay dọn dẹp nhà cửa cho tươm tất hơn, rồi chị dành thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân, xem phim giải trí. Có bữa, chị lại hẹn hò mấy chị bạn hàng đi cà phê, xem phim, ăn uống thư giãn hay hát karaoke... Tối, trước khi đi ngủ, chị tẩy trang, chăm sóc da mặt, da tay khá kỹ. Chị bảo: “Lúc trước cũng vì miếng cơm manh áo, kiếm được đồng nào là dành dụm tiết kiệm tối đa để lo cho hai đứa nhỏ, phụ kinh tế với chồng trang trải cho gia đình, thi thoảng phụ giúp nội ngoại hai bên… Cuộc sống có đủ thứ để lo hết. Thế nên, tôi mới bốn mươi mà có lúc nhìn như bà cô năm mươi mấy, bèo nhèo lắm. Thiệt tình lúc đó tôi cũng không để ý nhiều đến vẻ bề ngoài. Đến khi ông chồng thủ thỉ kêu vợ dành nhiều thời gian chăm sóc bản thân hơn đi, khiến tôi “nhột”. Tôi tự ngắm mình trong gương nhiều lần, ngẫm dữ lắm rồi từng bước thay đổi”.

Say sưa kể chuyện mình ngày càng trẻ ra, tinh thần thoải mái, tươi vui, có nhiều người khen nhan sắc chị ngày càng “thăng hạng”, chị Nga cứ cười suốt. Giờ, hàng ngày chị vẫn buôn bán sớm tối, nhập hàng, kiểm tra, niêm giá, tính toán thu chi lời lỗ, nhưng chị không còn tâm trạng mệt mỏi vì phải làm quần quật như trước đây. Chị thấy việc sắp xếp lại cuộc sống và công việc gia đình hợp lý đã giúp cho chị có nhiều thời gian dành riêng cho bản thân mình. Việc nhận thức sớm cách sống biết yêu thương bản thân, dành thời gian để chăm sóc sức khỏe và tinh thần mỗi ngày thật tốt đã giúp cho chị cảm thấy làm việc gì cũng suôn sẻ, dẫu có đón nhận việc chưa như ý cũng thấy nhẹ nhàng tâm tư hơn.

3. Từ xa xưa, người phụ nữ truyền thống được vinh danh vì đức tính hy sinh cao cả. Sự hy sinh thầm lặng đó thể hiện bằng kết quả của một gia đình hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, trưởng thành, cửa nhà tươm tất sạch đẹp, bữa cơm gia đình ấm áp, ngon miệng, các thành viên sống chung dưới một mái nhà đoàn kết yêu thương, biết chia sẻ, chăm sóc, quan tâm nhau.

Với người phụ nữ hiện đại, bên cạnh rất nhiều những công việc vun vén chăm sóc gia đình mỗi ngày, họ còn có công việc ngoài xã hội, cũng nặng vai trách nhiệm kiếm tiền lo cho gia đình có được cuộc sống sung túc.

Vậy nên, bên cạnh những tình yêu thương cần người phụ nữ sẻ chia, quan tâm, chăm sóc, thì trên hết, người phụ nữ hiện đại càng cần phải biết yêu thương và chăm sóc tốt cho bản thân. Chỉ khi chị em vui, khỏe, tươi tắn, xinh đẹp, tinh thần thoải mái, thì người thân bên cạnh họ mới nhận được nhiều hơn tình yêu, niềm vui, giúp gia đình thêm thuận hòa, ấm êm và hạnh phúc!

PHI KHANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hay-yeu-thuong-ban-than-post704969.html