HĐND Thái Nguyên - Tỉnh đầu tiên tổ chức lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp

Chiều 14/5, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị có: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Hoàng Sơn; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh; Thường trực HĐND các huyện, thành phố và Lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Các đại biểu dự Hội nghị

Các đại biểu dự Hội nghị

Cơ sở hiến định cho cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đỗ Đức Công phát biểu khai mạc Hội nghị

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đỗ Đức Công phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đỗ Đức Công nhấn mạnh: việc sửa đổi Hiến pháp là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, liên quan trực tiếp đến toàn xã hội và từng người dân, đòi hỏi sự tham gia rộng rãi, trí tuệ tập thể của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị, những người làm công tác thực tiễn; là bước đi cần thiết, quan trọng góp phần cụ thể hóa tinh thần các nghị quyết, kết luận của Đảng, nhất là Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đỗ Đức Công phát biểu tại Hội nghị

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đỗ Đức Công phát biểu tại Hội nghị

Theo dự thảo Nghị quyết, số lượng nội dung sửa đổi không lớn (8 điều trong tổng số 120 điều), tập trung vào 2 nhóm nội dung trọng tâm gồm: quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương, kèm điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm triển khai sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp thuận lợi, không gián đoạn.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh gợi ý những nội dung cần tập trung thảo luận và đề nghị các đại biểu phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ lưỡng, tích cực tham gia đóng góp ý kiến cụ thể, chất lượng đối với các nội dung sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 2013, đề xuất, kiến nghị phù hợp, sát, đúng tình hình thực tiễn.

Mỗi đại biểu là một báo cáo viên, tuyên truyền viên

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại Hội nghị

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, tâm huyết, trọng tâm, tập trung vào các Điều 9, Điều 10, Điều 110, khoản 2 Điều 115 của Hiến pháp năm 2013 và khoản 3 Điều 2 của Dự thảo Nghị quyết. Đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc bổ sung nội dung để khẳng định, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức thành viên trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; xác định rõ tên gọi của đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh là “xã, phường, đặc khu”; giữ nguyên quy định “phải lấy ý kiến nhân dân” trong trường hợp thực hiện thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính; tiếp tục quy định quyền chất vấn của đại biểu HĐND cấp tỉnh đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh…

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại Hội nghị

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại Hội nghị

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, để việc lấy ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, rộng rãi, HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu thể hiện chính kiến của mình thông qua phiếu xin ý kiến.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Thị Thúy Nga phát biểu kết thúc Hội nghị

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Thị Thúy Nga phát biểu kết thúc Hội nghị

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Thị Thúy Nga khẳng định: Hội nghị đã thể hiện sự đồng tình, thống nhất rất cao về sự cần thiết, phạm vi sửa đổi, bổ sung và nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, mong muốn mỗi đại biểu tham dự hội nghị sẽ là một báo cáo viên, tuyên truyền viên để tuyên truyền, vận động Nhân dân, cán bộ, đảng viên, các chuyên gia, nhà khoa học và toàn hệ thống chính trị tại địa phương nâng cao nhận thức, tích cực trách nhiệm trong tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; chú trọng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc lấy ý kiến Nhân dân; chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong quá trình triển khai lấy ý kiến Nhân dân.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Thị Thúy Nga phát biểu kết thúc Hội nghị

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Thị Thúy Nga phát biểu kết thúc Hội nghị

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Thị Thúy Nga đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp và có ý kiến bằng văn bản gửi về Thường trực HĐND tỉnh trước ngày 25.5. Đồng thời, đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, Thường trực HĐND các huyện, thành phố tiếp tục theo dõi, giám sát chặt việc triển khai thực hiện Kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

HẢI AN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hdnd-thai-nguyen-tinh-dau-tien-to-chuc-lay-y-kien-sua-doi-bo-sung-hien-phap-10372432.html