HĐND tỉnh Bến Tre thống nhất sáp nhập với Trà Vinh và Vĩnh Long

Đại biểu HĐND tỉnh Bến Tre thống nhất chủ trương thành lập tỉnh Vĩnh Long mới trên cơ sở sáp nhập tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long hiện nay.

Ngày 26-4, HĐND tỉnh Bến Tre khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ 18 thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng.

Trong đó 100% đại biểu HĐND tỉnh có mặt tại kỳ họp đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thống nhất chủ trương thành lập tỉnh Vĩnh Long trên cơ sở sáp nhập tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long.

Theo đề án, tỉnh Vĩnh Long sau hợp nhất có diện tích tự nhiên là 6.296.2 km2, quy mô dân số là 4.194.633 người và 124 ĐVHC cấp xã trực thuộc.

Nơi đặt Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh sau sắp xếp tại TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long hiện nay.

 Các đại biểu dự kỳ họp

Các đại biểu dự kỳ họp

Trước kỳ họp, toàn tỉnh có 376.037 hộ gia đình được lấy ý kiến đối với việc sáp nhập tỉnh Bến Tre, tỉnh Trà Vinh và tỉnh Vĩnh Long. Qua lấy ý kiến, có 375.066 hộ gia đình (có cử tri đại diện) cho ý kiến, đạt tỷ lệ 99.74%, trong đó có 370.678 cử tri (đạt 98.83%) đồng ý với việc sáp nhập tỉnh Bến Tre, tỉnh Trà Vinh và tỉnh Vĩnh Long…

Tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long là 3 tỉnh nằm ở phía Đông của Vùng ĐBSCL, là đầu mối giao thông kết nối vùng ĐBSCL với TP.HCM.

Tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long có điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội tương đồng; có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy phát triển khá đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển ngày càng cao của mỗi tỉnh và khu vực; kết nối với các tỉnh trong khu vực và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bằng các tuyến giao thông huyết mạch như: Quốc lộ 1A, 53, 53B, 57, 57B, 57C, 60, 54, 80, cầu Mỹ Thuận, Cầu Rạch Miễu, Cầu Cổ Chiên, Cầu Hàm Luông, Cầu Đại Ngãi, Cầu Cần Thơ,...

Đặc biệt là các tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ được kết nối thông suốt, cùng với hệ thống giao thông đường tỉnh, đường huyện được tập trung đầu tư, nâng cấp, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu, phát triển du lịch, thương mại, hợp tác đầu tư trong và ngoài nước…

Về phương án, lộ trình bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) sẽ thực hiện chuyển hầu hết cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của 3 tỉnh hiện có (tại thời điểm Nghị quyết về sắp xếp ĐVHC có hiệu lực) để bố trí vào các cơ quan tương ứng của cấp tỉnh sau sắp xếp.

 Bà Hồ Thị Hoàng Yến - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre phát biểu tại kỳ họp

Bà Hồ Thị Hoàng Yến - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre phát biểu tại kỳ họp

Trước mắt, sẽ giữ nguyên số biên chế công chức, viên chức, người lao động hiện có trước sắp xếp. Thực hiện việc rà soát, sắp xếp, gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đồng thời bố trí hợp lý số lượng cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại trụ sở chính (Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới) và tại trụ sở hành chính hiện tại của các tỉnh cùng sáp nhập để đảm bảo công tác quản lý nhà nước tại các địa bàn của tỉnh cùng sáp nhập và giảm bớt khó khăn trong việc đi lại, sinh hoạt của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong giai đoạn đầu sáp nhập…

Cũng tại kỳ họp các đại biểu HĐND tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết sắp xếp đơn vị ĐVHC cấp xã của tỉnh Bến Tre sau khi sắp xếp sẽ là 48 xã, phường (gồm 5 phường, 43 xã).

Phát biểu tại kỳ họp, bà Hồ Thị Hoàng Yến- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Việc thông qua Nghị quyết hợp nhất toàn bộ diện tích và dân số tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long thành tỉnh mới Vĩnh Long là một điểm nhấn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị sau kỳ họp, UBND tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện các nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua; tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương Đảng, của Quốc hội, Chính phủ, của Tỉnh ủy để hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp ĐVHC đúng thời gian quy định.

Chủ động rà soát, ban hành các quy định cụ thể nhằm bảo đảm hoạt động của các cơ quan, người dân, doanh nghiệp được liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn.

Đồng thời, triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị tác động do sắp xếp, người hoạt động bán chuyên trách ở cấp xã bảo đảm kịp thời, đúng quy định.

Cạnh đó, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, quy định, cơ cấu tổ chức bộ máy... bảo đảm điều kiện cho các đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động chậm nhất trước ngày 15-8-2025 (đối với cấp xã) và trước ngày 15-9-2025 (đối với cấp tỉnh).

ĐÔNG HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/hdnd-tinh-ben-tre-thong-nhat-sap-nhap-voi-tra-vinh-va-vinh-long-post846717.html