HĐND tỉnh Cà Mau khóa X: Hiến kế nhiều giải pháp khả thi, hữu hiệu
Ngày 6.7, Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Cà Mau Khóa X bước vào phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn.
Theo đó, nhiều vấn đề "nóng" được đưa ra bàn thảo, mổ xẻ và hiến kế giải pháp tháo gỡ như: Vấn đề nuôi tôm, việc tuột chuẩn, hụt chuẩn theo bộ tiêu chí mới trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tình trạng sạt lở bờ sông, ven biển đang hết sức khó lường...
Tập trung những vấn đề nóng
Tại phiên chất vấn, đại biểu Huỳnh Xuân Diện nêu thực trạng: “Hiện nay, chi phí nuôi tôm ngày càng tăng dẫn đến việc giảm sút, thậm chí không có lợi nhuận. Người nuôi tôm Cà Mau cần được hỗ trợ, đồng hành trong nhiều vấn đề, cần thiết phải hình thành được các đơn vị, cơ sở đảm bảo cung cấp vật tư, trang thiết bị, thức ăn, sinh phẩm nuôi tôm cho nông dân. Dòng vốn hỗ trợ cho người nuôi tôm cũng cần được khơi thông để tiếp tục tái đầu tư sản xuất. Vấn đề thị trường của người nông dân nuôi tôm cần phải được chú trọng, nhất là việc xây dựng các mặt hàng từ con tôm đủ chất lượng, uy tín, có sức cạnh tranh ở những thị trường lớn”.
Trao đổi về vấn đề này, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Vũ Hồng Như Yến, cho biết, Cà Mau dù có diện tích nuôi tôm lớn, nhất là loại hình tôm quảng canh nhưng năng suất bấp bênh. Vấn đề đặt ra là làm sao phải cải thiện được năng suất nuôi tôm cho nông dân. Việc xây dựng chuỗi giá trị liên kết cho nông sản vẫn chưa chặt chẽ, chưa mang lại lợi ích thực chất cho người nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã. Vấn đề tiếp cận vốn, nhất là các nguồn vốn, gói tín dụng ưu đãi cho nông dân, kinh tế tập thể, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn hạn chế.
Giải trình về vấn đề này, Giám đốc Sở NN và PTNT Phan Hoàng Vũ thông tin: “Thị trường tôm suy thoái là tình hình chung của thế giới. Để cải thiện giá tôm, ngành nông nghiệp và các sở ngành có liên quan tỉnh Cà Mau đang cố gắng xây dựng chuỗi liên kết về giá trị, tham gia kinh tế tập thể để có được các chứng nhận thương hiệu, chất lượng; xây dựng vùng nguyên liệu lớn, giảm bớt các khâu trung gian, gia tăng lợi nhuận”.
Liên quan đến xây dựng nông thôn mới, Giám đốc Sở NN và PTNT cho rằng: “Phải phát huy được vai trò, trách nhiệm của người dân. Nếu trông chờ, ỷ lại thì nông thôn mới không thực chất, bền vững. Hiện nay, có những địa phương khi nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới thì rất đẹp, rất phấn khởi, nhưng sau đó thì rất thụ động, không giữ được thành quả, các tiêu chí dần bị sút giảm về chất lượng, dẫn đến việc hụt chuẩn nếu so với các quy định mới”.
Đại biểu Mã Minh Tâm, Giám đốc Sở Xây dựng thông tin, vấn đề sạt lở chia làm 2 khu vực ven biển và ven sông rạch nội đồng. Thói quen quần cư ven sông, ven biển là một trong những nguyên dân dẫn đến việc sạt lở gây tổn hại lớn về tài sản, an toàn. Theo đó, hiến kế giải pháp cho vấn đề này, đại biểu cho rằng: Việc tái định cư đối với người dân ven biển có nguy cơ mất an toàn là cần thiết. Tuy nhiên, định cư phải gắn với định canh, sinh kế. Với khu vực ven sông rạch, cần làm tốt công tác quy hoạch, tránh phát sinh thêm nhà ven sông rạch. Song song đó, ưu tiên đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở cho các địa phương theo cấp độ nguy cơ.
Quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư
Vấn đề về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI được đại biểu Nguyễn Sơn Ca chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch UBND tỉnh. Theo đó, năm 2022, tỉnh Cà Mau xếp hạng 58/63 tỉnh thành, trong đó có những tiêu chí thành phần xếp hạng thấp như chi phí không chính thức; tính năng động, sáng tạo, tiên phong của chính quyền cấp tỉnh; đào tạo lao động; khả năng tiếp cận đất đai...
Về vấn đề này, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết: “Cà Mau không né tránh, mà hết sức cầu thị để tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ hết sức lưu ý cải thiện vấn đề này để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp một cách linh động, phù hợp, kịp thời”.
Về giải pháp để cải thiện chỉ số PCI, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý: “Cần phải chuyển biến tư duy, nhận thức từ mệnh lệnh hành chính sang đồng hành, chia sẻ, gần gũi với doanh nghiệp; thường xuyên nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Vấn đề con người, cán bộ, nhất là các vị trí trực tiếp tiếp xúc với doanh nghiệp cần phải nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, xây dựng môi trường thân thiện với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, gắn nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số, công tác tuyên truyền đối với các chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp”.