HĐND tỉnh giám sát kết quả thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa tại 2 huyện Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên
Ngày 14-3, Tổ công tác số 1 của Đoàn giám sát HĐND tỉnh do bà Trần Thị Minh Hạnh, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh làm tổ trưởng cùng đại diện các sở, ngành liên quan đã có buổi giám sát về tình hình và kết quả thực hiện các chính sách khuyến khích xã hội hóa tại huyện Dầu Tiếng.
Bà Trần Thị Minh Hạnh, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu kết luận tại buổi giám sát
Báo cáo với đoàn giám sát, lãnh đạo huyện Dầu Tiếng cho biết thời gian qua, ngoài đầu tư công huyện triển khai thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực, như du lịch, văn hóa, thể thao, giáo dục… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, huyện gặp một số khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý. Lãnh đạo huyện mong muốn Đoàn giám sát có ý kiến kiến nghị với lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành chức năng ban hành cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thực hiện tốt công tác xã hội hóa trên địa bàn huyện.
Đại biểu phát biểu tại buổi giám sát ở huyện Dầu Tiếng
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, bà Trần Thị Minh Hạnh ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách khuyến khích xã hội hóa tại huyện Dầu Tiếng; đồng thời lưu ý huyện cần nghiên cứu kỹ cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật về xã hội hóa để vận dụng, hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng quy định.
Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại trường Mầm non Ánh Sáng (thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng)
Bà Trần Thị Minh Hạnh cho biết, qua buổi làm việc đoàn giám sát sẽ có đề xuất, kiến nghị với các sở, ngành của tỉnh và UBND tỉnh để ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội tại các địa phương trong tỉnh.
Trước đó, đoàn giám sát đã đi khảo sát thực tế tại trường Mầm non Ánh Sáng, Chi nhánh Cấp nước Dầu Tiếng (Công ty CP - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương), Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Dầu Tiếng.
* Cùng ngày, Tổ công tác số 2 Đoàn giám sát HĐND tỉnh do bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát về tình hình và kết quả thực hiện các chính sách khuyến khích xã hội hóa tại huyện Bắc Tân Uyên.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát
Báo cáo của UBND huyện cho biết, trong giai đoạn 2014-2023, công tác xã hội hóa y tế được huyện triển khai thực hiện tốt, đã phát huy được vai trò của các tổ chức, cá nhân trong việc đóng góp phát triển lĩnh vực y tế trên địa bàn huyện. Hiện trên địa bàn huyện có 1 phòng khám đa khoa tư nhân và 21 phòng khám chuyên khoa; đội ngũ y tế tư nhân được tạo điều kiện thuận lợi hoạt động phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân.
Đoàn giám sát HĐND tỉnh khảo sát tại lớp Mầm non Độc Lập Ngôi sao Việt (thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên)
Đối với lĩnh vực giáo dục thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư. Đến nay, huyện đã cấp phép hoạt động cho 18 nhóm trẻ do tư nhân đầu tư với kinh phí hơn 18 tỷ đồng, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Đội ngũ cán bộ, nhân viên tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập bảo đảm về số lượng, trình độ chuyên môn.
Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn huyện có 46 cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao theo hình thức xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho người dân...
Lãnh đạo UBND huyện cũng kiến nghị HĐND tỉnh cùng các sở, ngành của tỉnh có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện đầu tư xã hội hóa để địa phương triển khai thực hiện đạt hiệu quả; các sở, ngành hỗ trợ địa phương tháo gỡ những khó khăn thuộc thẩm quyền.
Phát biểu tại buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Thanh Mai ghi nhận những khó khăn, kiến nghị của địa phương; đồng thời đề nghị địa phương lập kế hoạch, danh sách lĩnh vực cần kêu gọi xã hội hóa nhằm nâng cao hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của nhân dân.
Tiếp đó, Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế tại Phòng khám Đa khoa tư nhân Tường Tâm Sài Gòn (xã Đất Cuốc), lớp Mầm non Độc Lập Ngôi sao Việt (thị trấn Tân Thành).