HĐND tỉnh khảo sát kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát

Đây là lần đầu tiên Thường trực HĐND tỉnh thực hiện việc tái giám sát. Theo đó, Thường trực HĐND tỉnh chọn một số nội dung về công tác quản lý đất đai, xây dựng nông thôn mới và thực hành tiết kiệm, phòng chống tiêu cực lãng phí.

Ngày 4/6, đồng chí Dương Huỳnh Khải, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh cùng đoàn công tác có chuyến giám sát tại huyện Thới Bình về kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND và Thường trực HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Thông qua việc giám sát nhằm đánh giá kết quả thực hiện, việc triển khai của các cấp chính quyền sau giám sát, đồng thời ghi nhận những vướng mắc, đề xuất giải pháp thực các nội dung kiến nghị sau giám sát.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Dương Huỳnh Khải lưu ý, trong xây dựng nông thôn mới phải phân cấp cụ thể, từng cấp, từng ngành, việc nào của dân, để bà con phát huy vai trò chủ thể. Ảnh: MỘNG THƯỜNG

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Dương Huỳnh Khải lưu ý, trong xây dựng nông thôn mới phải phân cấp cụ thể, từng cấp, từng ngành, việc nào của dân, để bà con phát huy vai trò chủ thể. Ảnh: MỘNG THƯỜNG

Liên quan đến công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, huyện Thới Bình gặp khó khăn, vướng mắc, như: công tác quy hoạch giữa các ngành chưa có sự đồng bộ cao, đặc biệt là giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng, gây ra khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Số lượng công trình, dự án đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất khá nhiều trong khi nguồn vốn, ngân sách bố trí đầu tư cho các công trình dự án hạn chế, không đủ để triển khai các hạng mục đã đăng ký.

Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Lý Minh Vững trình bày những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý đất đai, xây dựng nông thôn mới. Ảnh: MỘNG THƯỜNG

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tổng số huy động nguồn lực toàn xã hội cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện khoảng trên 1,94 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn từ người dân và cộng đồng đóng góp và tham gia gần 782 triệu đồng. Huyện còn gặp khó khăn tiêu chí sản xuất; việc triển khai quảng bá hình ảnh điểm du lịch của xã thông qua ứng dụng Internet, mạng xã hội; việc đầu tư thiết bị thu phát của trạm truyền thanh cấp xã...

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Dương Huỳnh Khải lưu ý, huyện tiếp tục rà soát lại đất đai trên địa bàn để quản lý chặt chẽ, tránh những phát sinh khó xử lý; trong xây dựng nông thôn mới phải phân cấp cụ thể, từng cấp, từng ngành, việc nào của cấp ủy đảng, chính quyền, việc nào của dân, để bà con phát huy được vai trò chủ thể.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Dương Huỳnh Khải cùng thành viên của đoàn, giám sát tại Ấp 10, xã Trí Phải. Ảnh: MỘNG THƯỜNG

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Dương Huỳnh Khải cùng thành viên của đoàn, giám sát tại Ấp 10, xã Trí Phải. Ảnh: MỘNG THƯỜNG

Trước đó, đoàn khảo sát tại xã Trí Phải - xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015, qua rà soát xã hụt 3 tiêu chí. Về nông thôn mới nâng cao đạt 9/19 tiêu chí. Theo kế hoạch, năm 2024 xã Trí Phải phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Để nắm thông tin tình hình và kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát
của HĐND và Thường trực HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đoàn giám sát HĐND tỉnh chia thành 3 tổ khảo sát kết quả thực hiện tại các huyện, TP Cà Mau. Sau đó có buổi làm việc với UBND tỉnh và một số cơ quan, đơn vị, địa phương.

Cùng ngày, tổ khảo sát do ông Nguyễn Minh Đương, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách làm trưởng đoàn, đến giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND và Thường trực HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay trên địa bàn huyện Trần Văn Thời.

Tổ khảo sát cũng tiến hành giám sát 3 nội dung: công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện; việc triển khai, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ông Nguyễn Minh Đương, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, đề nghị, cần nêu rõ những nguyên nhân khó khăn trong công tác quản lý đất đai để đoàn ghi nhận và kiến nghị, tháo gỡ kịp thời. Ảnh: HỒNG NHUNG

Theo ghi nhận, công tác lập quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện được thực hiện chặt chẽ hơn về quy trình, thủ tục hồ sơ, nhất là việc lấy ý kiến người dân; công tác công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thông báo công khai đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Trên địa bàn 11 xã, 2 thị trấn đã có bản đồ địa chính và sử dụng khai thác theo dạng số, sử dụng bản đồ địa chính dùng chung cho các cơ quan chức năng và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, kịp thời cập nhật biến động đất đai, quản lý hồ sơ địa chính chặt chẽ hơn.

Đối với 115 trường hợp vi phạm lấn, chiếm đất, đã xử lý được 21 trường hợp, đạt 18,26%; còn lại 94 trường hợp tiếp tục xử lý theo kế hoạch. Có 2.255 trường hợp vi phạm về sử dụng đất sai mục đích, đã xử lý được 112 trường hợp, đạt 4,97%; còn lại 2.143 trường hợp tiếp tục xử lý theo kế hoạch.

Bà Huỳnh Út Mười, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, thành viên tổ khảo sát, đánh giá cao ý thức người dân trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: HỒNG NHUNG

Bà Huỳnh Út Mười, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, thành viên tổ khảo sát, đánh giá cao ý thức người dân trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: HỒNG NHUNG

Về công tác xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện có 8/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện chưa có mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, nhưng đã hình thành một số mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ lúa. Ngoài ra, còn tập trung chỉ đạo phát triển Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP), đến nay có 12 sản phẩm OCOP, trong đó có 7 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 5 sản phẩm xếp hạng 3 sao, đều thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, trong xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công của huyện được phân bổ kịp thời và đúng nguyên tắc bố trí vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định của Chính phủ.

Ông Đỗ Văn Sử, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, nêu lên một số khó khăn trong công tác quản lý đất công trên địa bàn. Ảnh: HỒNG NHUNG

Ông Đỗ Văn Sử, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, nêu lên một số khó khăn trong công tác quản lý đất công trên địa bàn. Ảnh: HỒNG NHUNG

Tổ giám sát cũng ghi nhận một số khó khăn của địa phương như: chưa mời gọi đầu tư mô hình công nghệ cao; khó khăn tiêu chí môi trường, quản lý đất công còn nhiều tồn động, vướng mắc; kiến thức, nhận thức về quy định đất đai trong dân vẫn chưa nắm rõ…

Qua giám sát, ông Nguyễn Minh Đương, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, đánh giá cao ý thức của người dân trong xây dựng nông thôn mới, sự nỗ lực của địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ, kiến nghị của HĐND tỉnh đã qua. Tuy nhiên, tỷ lệ xử lý vi phạm lĩnh vực đất đai/ số vụ vi phạm còn thấp. Qua đó, đề nghị cần làm rõ những nguyên nhân khó khăn trong công tác quản lý đất đai để đoàn có kiến nghị tháo gỡ kịp thời; cần rà soát, làm rõ vấn đề chậm điều chỉnh giấy chứng nhận sử dụng đất rừng và khó khăn, vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận lần đầu. Nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền quy định về đất đai để người dân nắm bắt, hạn chế sai phạm”.

Trước đó, tổ khảo sát đã giám sát thực tế tại xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực của địa phương trong thực hiện các kiến nghị sau giám sát.

Chương trình khảo sát còn tiếp tục đến ngày 6/6. Báo Cà Mau Online sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc./.

Mộng Thường - Hồng Nhung

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/hdnd-tinh-khao-sat-ket-qua-thuc-hien-cac-kien-nghi-sau-giam-sat-a32844.html