HĐND TP chất vấn về công tác quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà, đất

Sáng 7/7/2022, tại Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội, sau khi kết thúc tái chất vấn về việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TP, HĐND TP chất vấn về công tác quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc quản lý Nhà nước trên địa bàn TP.

Ngày 7/7, HĐND TP Hà Nội thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn với 2 nhóm vấn đề được đông đảo cử tri, Nhân dân quan tâm.

Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, HĐND TPHà Nội

Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, HĐND TPHà Nội

Cụ thể, HĐND Thành phố sẽ tiến hành hoạt động chất vấn, tái chất vấn, dự kiến về 2 nhóm vấn đề: Tái chất vấn về việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TP; chất vấn về công tác quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc quản lý Nhà nước trên địa bàn TP.

Dự phiên chất vấn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành hoạt động UBND TP Lê Hồng Sơn...

Tại phiên làm việc buổi sáng, sau khi kết thúc tái chất vấn về việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TP, HĐND TP chất vấn về công tác quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc quản lý Nhà nước trên địa bàn TP.

ĐB Trịnh Xuân Quang chất vấn

ĐB Trịnh Xuân Quang chất vấn

Đơn giá thuê nhà 10 năm vẫn chưa được thay đổi

Đặt câu hỏi chất vấn, ĐB Trịnh Xuân Quang nêu vấn đề đến lãnh đạo Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, hiện nay 802/803 hợp đồng nhà chưa được gia hạn, chưa được ký, và có hàng loạt sai phạm trong sử dụng nhà chuyên dùng… Vậy, trách nhiệm của đồng chí lãnh đạo của công ty là như thế nào, bao giờ vi phạm được xử lý?.

ĐB Nguyễn Văn Huân chất vấn, qua giám sát còn nhiều vấn đề cần khắc phục, vấn đề nợ nghĩa vụ tài chính của các tổ chức cá nhân sử dụng nhà chuyên dùng trên địa bàn TP hiện đang là vấn đề nóng. Qua giám sát số tiền nợ thuê nhà chuyên dùng hiện khoảng 1.200 tỷ, xu hướng tăng trong những năm gần đây, TP chưa thu hồi được? Đề nghị giám đốc Sở Tài chính cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của sở tài chính, giải pháp, tiến độ thu hồi.

ĐB Nguyễn Minh Đức nêu vấn đề, công tác quản lý tài sản công, nhà đất, qua giám sát đã cho thấy bức tranh đa màu sắc, bên cạnh những kết quả đã đạt được nó vẫn bộc lộ những khó khăn, bất cập.

ĐB Nguyễn Minh Đức chất vấn

ĐB Nguyễn Minh Đức chất vấn

Cụ thể, theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, TP Hà Nội đã có văn băn yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý tài sản công nhưng đến nay quy chế sử dụng, đấu giá nhà chuyên dùng vẫn chưa được ban hành, đơn giá thuê nhà 10 năm vẫn chưa được thay đổi. Đề nghị Giám đốc Sở Tài chính là rõ trách nhiệm của cá nhân và các đơn vị có liên quan?

Đẩy nhanh việc thu hồi nợ tiền thuê nhà

Trả lời câu hỏi của ĐB Trịnh Xuân Quang, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội Nguyễn Tiến Dũng cho biết, công ty quản lý 803 điểm nhà chuyên dùng.

Sau khi thực hiện thông báo của TP gia hạn hoạt động thuê nhà đến hết năm 2018, thì xảy ra một số vướng mắc. Trong đó, vướng mắc từ thực hiện Luật Quản lý tài sản công, chưa có cơ sở ký tiếp hợp đồng thuê nhà đối với nhà tiêu dùng còn lại. Vừa rồi, TP đã bố trí 5 điểm dành cho các đơn vị an ninh, quốc phòng ký hợp đồng; hiện có 6 điểm còn hiệu lực của hợp đồng thuê nhà tiêu dùng.

Chủ tịch Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội Nguyễn Tiến Dũng

Chủ tịch Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội Nguyễn Tiến Dũng

Có 357 điểm vi phạm, hình thành qua quá trình sử dụng, qua nhiều đơn vị quản lý, nguyên nhân chủ yếu sử dụng qua các thời kỳ bố trí cho người vào ở, liên doanh liên kết, cho thuê lại sai mục đích, sử dụng sai mục đích… Trong đó, một số đơn vị hành chính sự nghiệp không có khả năng bố trí kinh phí để nộp tiền thuê nhà.

“Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, công ty 100% vốn nhà nước nợ tiền thuê nhà, chúng tôi đã báo cáo Sở Tài chính, Sở báo cáo TP để làm rõ khoản tiền ngân sách bố trí kinh phí cho khoản này” - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội kiến nghị.

Trả lời thêm vấn đề đại biểu quan tâm, Giám đốc Sở Tài Chính Nguyễn Xuân Lưu cho rằng, đối với vấn đề thu nợ, Sở Tài chính được giao trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và giải quyết các vấn đề. Trong quá trình phát sinh các khoản nợ này, Sở đã đề nghị Công ty phân loại và thu nợ.

Thời gian tới, Sở sẽ khẩn trương cùng Công ty phân loại sơ bộ đôn đốc thực hiện. Đối với đơn vị hành chính sự nghiệp T.Ư sẽ kiến nghị cơ quan chủ quản có biện pháp thu hồi. Đối với tổ chức, cá nhân sẽ phân loại, có biện pháp hành chính để tuyên truyền, vận động. Tập trung làm rõ trong quý III/2022 và sớm có kế hoạch thu hồi. Trong trường hợp cần thiết thì đề xuất TP thành lập ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện.

Giám đốc Sở Tài Chính Nguyễn Xuân Lưu trả lời chất vấn

Giám đốc Sở Tài Chính Nguyễn Xuân Lưu trả lời chất vấn

Đối với câu hỏi đơn giá thuê nhà 10 năm vẫn chưa được thay đổi, Giám đốc Sở Tài Chính cho biết, Chỉ thị 04 do Sở Tài chính tham mưu cho Chủ tịch UBND TP để nâng cao chất lượng. Trong đó, có nội dung quan trọng là huy động nguồn lực từ tài sản công. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay tiến độ thực hiện dự án chưa triển khai được nhiều. Sở sẽ tiếp tục đề xuất trong thời gian tới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Đối với 300 quỹ nhà chuyên dùng chưa có phương án sắp xếp, Giám đốc Sở Tài Chính cho biết, quá trình thực hiện chủ quản lý có trách nhiệm kê khai. Việc kê khai hết sức khó khăn. Với nội dung này Sở đã tổng hợp và đề xuất Bộ Tài Chính để sắp xếp phương án xử lý và tiếp tục phối hợp sở ngành TP để triển khai.

Làm sao để đảm bảo hiệu quả quản lý, khai thác quỹ nhà, tài sản nhà nước hiệu quả?

Tiếp tục tranh luận, ĐB Đoàn Việt Cường nêu còn 800 hợp đồng thuê nhà chuyên dùng từ lâu chưa được gia hạn nhưng vẫn đang sử dụng. Vậy từ lúc hết hợp đồng đến nay, việc xác định thu tiền những trường hợp này thế nào? Đề nghị Công ty làm rõ biện pháp xử lý trong thời gian tới.

Ngoài ra, ĐB cho rằng UBNDTP cần đánh giá rà soát lại hoạt động của công ty để đảm bảo hiệu quả quản lý, khai thác quỹ nhà, tài sản nhà nước hiệu quả, chặt chẽ?

Đồng tình với ĐB Việt Cường, ĐB Nguyễn Minh Đức đề nghị UBND TP xem xét lại công tác tổ chức, mô hình hoạt động của Công ty quản lý nhà của TP... để đủ năng lực khai thác tài sản công lớn.

Về việc đòi nợ, ĐB Nguyễn Minh Đức cho rằng phải thực hiện với quan điểm công khai minh bạch thì chúng ta mới đòi nợ được. Cùng với đó, cần hoàn thiện cơ chế chính sách, đặc biệt là quy định về đấu giá, định giá, đơn giá cho thuê để có căn cứ làm hợp đồng. Nếu không có hợp đồng thì không thể thu hồi nợ.

Đề nghị UBND TP, Sở Tài chính có hướng dẫn thực hiện các Đề án cho thuê; rà soát để hủy hợp đồng cho thuê đối với các đối tác không hoạt động hiệu quả.

Cho rằng nội dung trả lời của 2 đồng chí chưa thỏa đáng, chưa làm rõ trách nhiệm của từng ngành, cấp đơn vị, theo ĐB Vũ Ngọc Anh, ở đây có dấu hiệu buông lỏng quản lý.

ĐB Vũ Ngọc Anh chất vấn

ĐB Vũ Ngọc Anh chất vấn

“Số tiền nợ 1.200 tỷ đồng kéo dài nhiều năm, nhưng trả lời của 2 đồng chí không rõ trách nhiệm, không rõ lộ trình giải pháp. Vì vậy, cần xem xét lại trách nhiệm của cá nhân các đồng chí được giao nhiệm vụ và lãnh đạo TP; yêu cầu các đồng chí cần nêu rõ lộ trình từng tháng từng năm để giải quyết vấn đề” – ĐB Vũ Ngọc Anh nói.

Rà soát, kiện toàn bộ máy lãnh đạo Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội

Trả lời chất vấn về công tác tổ chức, mô hình hoạt động của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết, Công ty được chuyển đổi từ Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội theo quyết định ngày 26/11/2009 của UBND TP.

Mô hình tổ chức của công ty, tính đến năm 2018, có 8 phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ, 12 đơn vị, xí nghiệp trực thuộc với hơn 1.500 cán bộ công nhân viên.

Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà trả lời chất vấn

Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà trả lời chất vấn

Trong quá trình hoạt động, Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp TP Hà Nội đã rà soát, nghiên cứu đề xuất phương án sáp nhập Công ty THHH MTV Kinh doanh dịch vụ nhà thuộc Tổng Công ty đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội và Công ty THHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội.

UBND TP đã rà soát, nghiên cứu, đề xuất năm 2018, năm 2019 báo cáo Thường trực Thành ủy xin chủ trương. Sau khi có chủ trương, tiến hành các quy trình, thủ tục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong quá trình thực hiện, Sở Tài chính là cơ quan chủ trì lấy ý kiến các bộ ngành; qua ý kiến của các bộ ngành, TP thấy cần phải nghiên cứu lại phương án sắp xếp này vì cơ sở pháp lý chưa đầy đủ. Trên cơ sở ý kiến các bộ ngành, TP giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ để rà soát lại đề xuất phương án báo cáo TP.

“Vì có chủ trương sắp xếp như vậy nên việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo công ty chưa kịp thời. Thực hiện chỉ đạo của TP, trong thời gian nghiên cứu, sắp xếp, tổ chức mô hình hoạt động công ty hiệu quả, TP đã chỉ đạo trước mắt kiện toàn các chức danh lãnh đạo công ty để thực hiện các nhiệm vụ.

Vì vậy, cuối năm 2021, Sở Nội vụ đã tham mưu TP kiện toàn chức danh Chủ tịch Công ty, hiện nay đã hướng dẫn quy trình các bước để xây dựng kế hoạch kiện toàn bộ máy lãnh đạo” - Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà thông tin.

Sẽ công khai đơn vị nợ tiền thuê nhà

Trả lời ĐB Nguyễn Minh Đức về vấn đề đòi nợ tiền thuê nhà, đất, Giám đốc Sở Tài Chính Nguyễn Xuân Lưu, trách nhiệm của tổ chức cá nhân khi thuê nhà phải chịu trách nhiệm với nghĩa vụ tài chính.

Đối với các trường hợp này, trách nhiệm quản lý thuộc về Sở Tài chính và đơn vị quản lý nhà. Đối với Sở tài chính, sở nhận nhận trách nhiệm do chưa kịp thời đôn đốc, giám sát việc chi trả tiền thuê của các tổ chức, cá nhân.

Về lộ trình thu hồi nợ, đây là một vấn đề kéo dài, cần lộ trình xử lý. Đơn cử như trụ sở của công ty chiếu phim, các điểm được thuê có mặt bằng rộng, tiền thuê lớn… nhưng trong suốt thời gian dịch bệnh diễn ra, đơn vị không hoạt động được nhưng vẫn phải đóng tiền thuê. Đây là một trong nhưng lý do đơn vị này nợ đến 67 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Tài Chính Nguyễn Xuân Lưu

Giám đốc Sở Tài Chính Nguyễn Xuân Lưu

Đối với các trường hợp nợ, lãnh đạo Sở Tài chính cho biết, đơn vị sẽ rà soát, áp các quy định của pháp luật, nếu có khả năng thu sẽ tiến hành thu nợ, nếu không có khả năng chi trả, đơn vị sẽ áp dụng các quy định để xử lý theo quy định.

Đề cập đến đề cập của đại biểu Nguyễn Minh Đức về việc công khai những đơn vị nợ tiền thuê nhà, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu đồng tình với quan điểm trên và cho biết sẽ yêu cầu Công ty TNHH MTV Quản lý nhà Hà Nội cung cấp thông tin và đăng tải trên báo Kinh tế & Đô thị để người dân, các cơ quan quản lý giám sát, nắm bắt được.

Chưa có định mức, chi phí quản lý, vận hành, bảo trì nhà chuyên dùng

Tiếp tục chất vấn, ĐB Lê Minh Đức (tổ Thạch Thất) cho biết hiện nay quỹ nhà chuyên dùng của TP còn để trống, không sử dụng. Điều này gây lãng phí tài sản Nhà nước và hiện TP chưa có định mức, chi phí quản lý, vận hành, bảo trì nhà chuyên dùng. Đề nghị TP làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân và giải pháp xử lý, khắc phục các tồn tại?

ĐB Nguyễn Minh Hưng (tổ Ba Vì) chất vấn, qua nghiên cứu báo cáo kết quả giám sát của HĐND TP về quản lý, sử dụng tài sản công cũng như báo cáo của Sở Xây dựng cho thấy, với trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra nguồn gốc quá trình sử dụng nhà chuyên dùng, ĐB đánh giá cao kết quả rà soát, tổng hợp.

ĐB Lê Minh Đức (tổ Thạch Thất)

ĐB Lê Minh Đức (tổ Thạch Thất)

Đây là loại tài sản hình thành từ lâu và nhiều tài sản hình thành từ các nguồn lực khác nhau. Tuy nhiên, trong tổng 803 nhà chuyên dùng được rà soát, tổng hợp có tới 357 địa điểm đã được nhận diện vi phạm liên quan công tác quản lý, sử dụng chưa đúng mục đích, xây dựng không phép, sai phép… Những vi phạm này đã diễn ra trong thời gian dài. Từ đó, ĐB đề nghị Sở Xây dựng cho biết Sở đã thực hiện thanh tra, giải quyết các vi phạm này như thế nào; giải pháp và kết quả xử lý trong thời gian tới? Ngoài trách nhiệm của Sở Xây dựng có trách nhiệm của các đơn vị nào để xử lý và xử lý dứt điểm các vi phạm đã nêu?

Theo ĐB Nguyễn Minh Tuân (Phú Xuyên), qua giám sát của HĐND TP cho thấy, trong số 357/803 điểm nhà chuyên dùng vi phạm có nhiều vi phạm liên quan TTXD như: Xây mới trên đất quỹ nhà chuyên dùng; cơi nơi thêm diện tích; nhiều vi phạm lập biên bản xử lý nhưng đến nay vẫn tồn tại…

Đề nghị, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết trách nhiệm trong xử lý các vi phạm trên? Liên quan đến vấn đề này, ĐB đề nghị Chủ tịch UBND TP quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trung cho biết nguyên nhân, giải pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm vi phạm tại 281 Đội Cấn, 54 Nguyễn Du và 160 Tôn Đức Thắng?

Các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn

Các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn

ĐB Duy Hoàng Dương ( tổ Hoài Đức), trong báo cáo giám sát thể hiện rõ nội dung UBND TP có nhiều văn bản chỉ đạo việc thực hiện, trong đó, đã làm rõ một số hạn chế. Tuy nhiên, qua giám sát, giải trình cho thấy công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện còn yếu.

Đề nghị TP làm rõ một số nội dung: Trách nhiệm UBND TP như nào trong việc xử lý, chỉ đạo các vướng mắc. Trách nhiệm UBND TP trong việc đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo quản lý nhà chuyên dùng cũng như chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giải quyết các kết luận thanh tra. UBND TP làm rõ các giải pháp, lộ trình xử lý, khắc phục hạn chế trong thời gian tới?

Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm trật tự xây dựng

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, công tác xây dựng định mức chi phí quản lý, sửa chữa bảo trì các nhà chuyên dùng được thực hiện theo định mức Bộ Xây dựng ban hành.

Riêng về xây dựng định mức chi phí quản lý vận hành, Sở đã ký hợp đồng với Viện Kinh tế của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, chi phí này cũng rất đa dạng. Hiện Bộ Xây dựng đang triển khai xây dựng định mức này.

Liên quan đến 357 trường hợp nhà chuyên dùng có vi phạm, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết: Năm 2019, có 801 điểm có hợp đồng và thực hiện quản lý thu tiền thuê theo đúng quy định; có 468 điểm vi phạm. Đến nay, số các công trình có vi phạm còn 357 điểm; số các địa điểm được thu tiền là 376 điểm; tức là số công trình đã được đưa vào quản lý đã nhiều hơn.

Đây là tác dụng của TP thực hiện thanh kiểm tra và xử lý vi phạm ở Công ty quản lý và phát triển Nhà Hà Nội. Để triển khai khắc phục những tồn tại hạn chế ở 357 điểm này, Sở xây dựng kế hoạch để khắc phục hạn chế.

Để giải quyết triệt để, theo Giám đốc Sở Xây dựng, phải rà soát tổng thể toàn bộ quỹ nhà đối với 801 địa điểm này để lập hồ sơ dữ liệu nhà chuyên dùng và phân định từng loại vi phạm để có chế tài phù hợp.

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong

Đồng thời, xem xét lại sự bất cập của mô hình quản lý của công ty, từ đó phải xác định lại mô hình của công ty trong việc thực hiện đầu tư công, giao tài sản công cho các công ty quản lý…

Bên cạnh đó, phải thực hiện rà soát có lộ trình và xây dựng cơ sở dữ liệu. Đối với 357 trường hợp vi phạm có nhiều trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các quận huyện để xử lý đúng theo quy định.

Trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, ở địa chỉ 281 Đội Cấn – đây là ngôi nhà thuộc sở hữu nhà nước do Công ty TNHH MTV Quản lý nhà Hà Nội quản lý với diện tích trên 10.000m2, trong đó có 1 ngôi biệt thự Pháp cổ thuộc diện bảo tồn.

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến

Tại đia chỉ trên đã xuất hiện một số vi phạm như, từ năm 1991, đơn vị được thuê đất đã chia tách đất cho 41 hộ gia đình, UBND quận cũng đã cấp sổ đỏ. Trong quá trình sử dụng, đơn vị thuê có dựng một nhà tạm trên mảnh đất này.

Liên quan đến vấn đề này, UBND TP đã giao Thanh tra TP tiến hành kiểm tra, qua kiểm tra TP yêu cầu các phòng ban của quận kiểm điểm, rút kinh nghiệm... nghiêm túc. Và từ thời điểm đó đến nay, tại khu vực này đã không phát sinh vi phạm mới.

Tiếp thu toàn bộ các ý kiến của đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, TP mong muốn được giám sát, để nhận thức ra những tồn tại, hạn chế, đưa ra được các giải pháp khắc phục.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, trải qua 2 thời kỳ chính sách, Luật Quản lý tài sản nhà nước 2008, Luật Quản lý tài sản công 2017. Mức độ bao phủ luật quản lý tài sản công rộng khắp, có nhiều nội dung vướng mắc trong khi triển khai, nên khi có chính sách năm 2017, cơ bản quy định pháp luật đã được ban hành đầy đủ.

Ngoài luật, Chính phủ ban hành thêm các nghị định, trong đó quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị; phân công, phân nhiệm từng đơn vị… Các cơ quan tham mưu, tổng hợp đã giúp UBND các cấp thực hiện quyền hạn quản lý tài sản công. Nội dung quy định pháp luật quy định cụ thể, từ năm 2008 đến nay, UBND TP căn cứ thẩm quyền, Sở Xây dựng, Tài chính đã tham mưu, ban hành đầy đủ chính sách…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải tiếp thu, làm rõ thêm vấn đề đại biểu nêu

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải tiếp thu, làm rõ thêm vấn đề đại biểu nêu

Liên quan vướng mắc cơ chế quỹ nhà chuyên dùng mà Giám đốc các Sở đã nêu, UBND TP đã ban hành Quyết định 32 và Quyết định 38; trong đó, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các sở. Trong quá trình triển khai, kết quả thực hiện chưa đạt yêu cầu, có các nhóm nguyên nhân cần phải xử lý.

Liên quan gia hạn hợp đồng, vướng mắc khi Luật Quản lý tài sản công ra đời, quy định phải tổ chức đấu giá cho thuê, dẫn đến có vướng mắc về đấu giá. Các đơn vị thuê nhà nhiều năm phải tìm được nơi mới để chuyển đi. UBND TP đã tổng hợp vướng mắc, báo cáo Chính phủ.

Đối với tất cả hợp đồng đã ký, kéo dài hợp đồng, khi có hướng dẫn cụ thể, sẽ thực hiện theo hướng dẫn. Về công tác đấu giá cho thuê, đây là nội dung vướng mắc, bởi để tổ chức đấu giá được thì phải có mặt bằng sạch…
“Ngoài ra, UBND TP sẽ giao cho các đơn vị xây dựng, thành lập Ban Chỉ đạo chung, xử lý các nội dung tồn tại, vướng mắc” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết.

Thọ Hải - Long Trình - Tiên Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hdnd-tp-chat-van-ve-cong-tac-quan-ly-khai-thac-su-dung-quy-nha-dat.html