HĐND TP.Hà Nội chất vấn, yêu cầu giải trình hàng loạt dự án chậm tiến độ
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố Hà Nội khóa 16, ngày 9.12, HĐND Thành phố dành cả ngày tiến hành chất vấn và tái chất vấn đối với 3 nhóm vấn đề mà cử tri quan tâm.
Hết tháng 12.2022, đảm bảo thông nước sông Đà vào sông Tích
Cụ thể, HĐND Thành phố chất vấn, tái chất vấn kết quả thực hiện các kết luận chất vấn, cam kết, lời hứa của UBND Thành phố và các cơ quan tại kỳ họp thứ 3, kỳ họp thứ 7 HĐND Thành phố liên quan đến các dự án đầu tư.
Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, qua báo cáo của UBND Thành phố, nội dung này đã được chỉ đạo, tổ chức triển khai khắc phục. Tuy nhiên, kết quả còn chưa cao; nhiều dự án cả vốn ngân sách, ngoài ngân sách đã được thanh tra, kiểm tra, giám sát, chất vấn nhưng tiến độ còn chậm, gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.
HĐND Thành phố chất vấn về 2 nhóm vấn đề: Bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải và thoát nước trên địa bàn thành phố.
Theo Đại biểu Trần Khánh Hưng, huyện Ba Vì, tại Kỳ họp thứ 3, HĐND Thành phố đã chất vấn về dự án tiếp nước vào sông Tích, đã hơn 10 năm chưa hoàn thành. Đại biểu đề nghị Thành phố cho biết thực tế triển khai dự án hiện nay, và nguyên nhân chậm giải ngân vốn cũng như Thành phố đã chỉ đạo, đôn đốc tháo gỡ khó khăn cho dự án ra sao?
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, dự án được Thành phố rất quan tâm và nhiều lần lãnh đạo Thành phố đã xuống thực tế, chỉ đạo giải quyết quyết liệt.
Hiện nay, công tác GPMB đã cơ bản hoàn thành, trong đó, phần diện tích giải phóng mặt bằng tại huyện Ba Vì đã xong và sẽ phấn đấu hoàn thành nốt phần còn lại trong tháng 12.2022.
“Tiến độ thi công trên công trường hiện nay rất tốt. Công tác giải ngân đã hoàn thành kinh phí năm 2021 chuyển sang. Năm 2022, đã chuyển toàn bộ hồ sơ thanh toán được 70%”, ông Mỹ nói và cam kết, từ nay đến hết tháng 12.2022, đảm bảo thông nước sông Đà vào sông Tích.
Trả lời thêm về nội dung này, Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền thông tin, dự án nhận được sự chỉ đạo điều hành sát sao của lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Đến nay, đã có 42 văn bản chỉ đạo, 2 cuộc kiểm tra thực tế, 8 cuộc họp trực tiếp tháo gỡ cho dự án.
Ông Quyền cho biết, hiện dự án cơ bản được tháo gỡ khó khăn và đang tập trung hoàn thiện nốt các thủ tục và hoàn thiện tại hiện trường. Trong năm 2022, hoàn thành 100% công tác GPMB và cơ bản hoàn thành công tác thi công.
“Sang tuần, Thành phố sẽ kiểm tra trực tiếp tại hiện trường và đảm bảo thông nước trong năm 2022. Về giai đoạn 2, hiện đang được các đơn vị liên quan tập trung công tác chuẩn bị đầu tư”, ông Quyền nêu.
Chậm tiến độ dự án xử lý rác thải
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, dự án được UBND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2015 với quy mô xử lý 500 tấn/ngày đêm, tổng mức đầu tư gần 217 tỉ đồng. Các thủ tục về đầu tư đối với dự án này chưa được phê duyệt và chưa được giao đất.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã có báo cáo ngày 8.8.2022 đề nghị UBND Thành phố dừng chủ trương đầu tư đối với dự án này. Ngày 28.9.2022, UBND Thành phố đã có văn bản đồng ý với đề nghị của Sở, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội phối hợp với Sở Tư pháp Hà Nội rà soát để chấm dứt dự án theo quy định pháp luật. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội mới nhận được văn bản của Sở Tư pháp Hà Nội và đang tổng hợp lại để chính thức trình UBND Thành phố dừng đối với dự án này.
Liên quan đến Dự án xử lý chất thải rắn Núi Thoong, huyện Chương Mỹ, đại diện lãnh đạo các Sở gồm: Tài nguyên Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư thống nhất với lộ trình triển khai dự án làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 thực hiện theo đúng quy hoạch chất thải rắn với công suất 450 tấn/ngày đêm và giai đoạn 2 sau khi điều chỉnh quy hoạch sẽ nâng lên 2.000 tấn/ngày đêm để đủ công suất đốt rác phát điện.
Làm rõ thêm vấn đề này, Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết, hiện nay, rác thải của Thành phố chủ yếu vận chuyển lên Sóc Sơn và một phần lên Sơn Tây để xử lý nên quãng đường di chuyển rất xa và quá trình vận chuyển gây ô nhiễm môi trường. Do vậy việc đầu tư các dự án xử lý rác khu vực phía Nam là cần thiết.
Ông Nguyễn Trọng Đông thống nhất với quan điểm của các sở về Dự án xử lý chất thải rắn Núi Thoong. Đối với Dự án Nhà máy xử lý rác thải Châu Can, Phú Xuyên, trong tháng 12 này, UBND Thành phố sẽ chấm dứt dự án để chuyển sang kêu gọi xã hội hóa hoặc chuyển sang đầu tư công.
Làm rõ tiến độ dự án đường trục phía nam Hà Tây
Các đại biểu đã chất vấn về việc chậm tiến độ dự án đường trục phía nam Hà Tây và yêu cầu Thành phố cho biết bao giờ tiếp tục thi công để kết nối với đường Vành đai 4 đang triển khai.
Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, hiện dự án còn lại 19 km thuộc giai đoạn 2.
Ông Quân cho hay, dự án còn một số tồn tại, vướng mắc giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp về thống nhất phân chia số tiền nộp. Để tháo gỡ khó khăn, UBND Thành phố đã chỉ đạo ứng 200 tỉ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng.
Ngày 27.6.2022, Thành phố đã họp và chỉ đạo Thanh tra Thành phố rà soát toàn bộ dự án. Hiện nay, đang xin ý kiến các bên liên quan, dựa trên kết quả đó, sẽ thống nhất điều chỉnh chủ trương dự án.
Làm rõ thêm, Phó chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, sau khi UBND Thành phố giao Thanh tra Thành phố tiến hành thanh tra tổng thể dự án, UBND Thành phố đã có văn bản yêu cầu, trước ngày 30.11.2022, chủ đầu tư và doanh nghiệp liên quan phải có phương án giải quyết vướng mắc và cam kết tiến độ dự án.
Theo đó, nếu không thống nhất được UBND Thành phố sẽ thu hồi, chuyển sang đầu tư công để đảm bảo lợi ích của nhà nước và người dân. Đến nay, chủ đầu tư và doanh nghiệp đã đạt được thỏa thuận, chứng minh năng lực tài chính và cam kết tiến độ hoàn thành dự án trước năm 2025.
UBND Thành phố cũng yêu cầu chủ đầu tư ký quỹ để triển khai dự án đúng tiến độ. Như vậy, dự án này sẽ tiếp tục được triển khai theo hình thức đầu tư BT.