HĐND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức Kỳ họp thứ 22 – 'Kỳ họp mang tính lịch sử'
Sáng 18/4, HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc kỳ họp thứ 22, kỳ họp chuyên đề. Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND đã biểu quyết thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Tham dự kỳ họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nghị; Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được.

Kỳ họp thứ 22 HĐND Tp. Hồ Chí Minh

Các đại biểu tham dự kỳ họp.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ khẳng định Kỳ họp thứ 22 diễn ra trong thời điểm thành phố cùng cả nước tập trung các nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa quan trọng của đất nước với tinh thần chủ động, linh hoạt để thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố. Kỳ họp sẽ bàn và quyết định các nội dung quan trọng.
"Có thể nói kỳ họp chuyên đề lần này là kỳ họp mang tính lịch sử, các đại biểu HĐND Tp. Hồ Chí Minh sẽ thảo luận quyết định các Nghị quyết để đảm bảo theo quy định của Trung ương về tiến độ sắp xếp bộ máy các đơn vị hành chính các cấp và đáp ứng yêu cầu cấp thiết theo tình hình thực tiễn của thành phố; tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, phát huy nguồn lực, cùng thành phố thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế năm 2025 đạt trên 2 con số" – Chủ tịch HĐND Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Chủ tịch HĐND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh đây là kỳ họp mang tính lịch sử.
TP. Hồ Chí Minh sẽ có 102 phường xã mới
Tại kỳ họp, HĐND Tp. Hồ Chí Minh khóa X đã thông qua Nghị quyết về phương án sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh.
Đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh, TP. Hồ Chí Minh mới là thành phố trực thuộc Trung ương, thành lập trên cơ sở sáp nhập TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP. Hồ Chí Minh. Đơn vị hành chính mới hình thành trên cơ sở thực hiện song hành nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp cơ sở.
Sau sắp xếp, TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, phát huy tiềm năng, lợi thế của 3 tỉnh, thành về diện tích đất đai, quy mô dân số, các kết quả tăng trưởng kinh tế, phấn đấu là cực tăng trưởng mới của cả nước và vùng Đông Nam Bộ.

Các đại biểu HĐND TP. Hồ Chí Minh biểu quyết thông qua các Nghị quyết tại kỳ họp
Về xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, theo tờ trình của UBND TP. Hồ Chí Minh, 273 phường, xã, thị trấn hiện hữu của thành phố được sắp xếp thành 102 đơn vị mới, giảm 171 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó có 78 phường và 24 xã. Phương án sắp xếp về 102 đơn vị hành chính cấp xã mới đảm bảo giảm đúng tỷ lệ 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã cũ theo Nghị quyết 60.
Đặc biệt, tất cả các phường xã mới đều được đặt tên chữ, với những sự cân nhắc từ nhiều yếu tố lịch sử vùng đất, sự thân thuộc với người dân và giá trị văn hóa...
Sự đồng thuận của tuyệt đại đa số bà con
Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND TP. Hồ Chí Minh đã bày tỏ sự đồng tình, cảm xúc vui mừng trước các phương án sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Trong đó, các tên gọi mới cho các phường xã mới của TP. Hồ Chí Minh nhận được sự đồng thuận của tuyệt đại đa số bà con.

Đại biểu HĐND TP. Hồ Chí Minh Vương Đức Hoàng Quân
Ông Vương Đức Hoàng Quân, đại biểu HĐND TP. Hồ Chí Minh đánh giá chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp hoàn toàn đáp ứng được tiêu chí tinh - gọn, đồng thời tạo tiền đề, cơ sở để thành phố trở nên mạnh, hiệu lực và hiểu quả hơn. Liên quan đến tên gọi mới cho các phường xã của thành phố, là một người con được sinh ra, lớn lên, học tập, trưởng thành và cống hiến cho TP. Hồ Chí Minh, đại biểu Hoàng Quân bày tỏ, việc giữ lại các địa danh thân thuộc và yêu thương với người dân thành phố là điều hết sức cần thiết. “Có những địa danh, qua thời gian, có thể không còn được sử dụng một cách chính thống trên các văn bản như Sài Gòn, Chợ Lớn, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, trong các cuộc nói chuyện… thì vẫn được nhắc đến. Nay, được nhắc đến một cách chính danh trên văn bản, theo tôi, đáp ứng được tâm tư và nguyện vọng của tuyệt đại đa số bà con”, đại biểu Hoàng Quân nói thêm.

Đại biểu HĐND TP. Hồ Chí Minh Trần Quang Thắng
Đại biểu Trần Quang Thắng cho rằng, việc lấy lại tên gọi một số địa danh gợi nên hình ảnh thân thuộc như phương án đưa ra sẽ tạo được sự liên kết cộng đồng mạnh hơn, tạo động lực cho việc phát triển các dự án và thu hút đầu tư cho thành phố. “Tôi kỳ vọng chúng ta sẽ làm quyết liệt, từ tổng thể đến chi tiết, từ trên xuống dưới để mạnh mẽ tiến hành”, đại biểu Thắng nhấn mạnh.

Đai biểu HĐND TP. Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê
Theo dõi phản ứng của người dân thành phố trên các diễn đàn thời gian vừa qua, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, chưa lúc nào ông thấy sự tham gia một cách nhiệt thành cùng niềm tin rất phấn khích về viễn cảnh tương lai của thành phố, với một diện mạo mới, không gian địa lý mới, như những ngày vừa qua. Ông cho rằng đây là một bước ngoặt về không gian địa lý để thành phố vươn cao. Về việc đặt tên phường xã mới theo tên các địa danh văn hóa, lịch sử, ông Khuê nhận định, đó đều là những tên gọi địa danh gợi lại tình cảm, vừa là ký ức của mọi con người tại vùng đất phương Nam, trong đó có TP. Hồ Chí Minh.

Đại biểu HĐND Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh
Dưới góc độ của người làm du lịch, đại biểu Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, qua khảo sát với các doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh du lịch, nhận được sự đồng thuận rất cao với các phương án sắp xếp và đặt tên phường xã mới. Nữ đại biểu thông tin, các đơn vị và cá nhân được khảo sát đều đánh giá đây là cơ hội lớn để ngành du lịch làm mới lại bản đồ du lịch của TP trên nền tảng văn hóa, lịch sử. “Những địa danh gắn liền với bản sắc, vừa gần gũi, vừa quen thuộc, không chỉ tạo sự gắn kết cho cộng đồng dân cư, mà còn thu hút du khách trong và ngoài nước, từ đó tăng khả năng định vị, tạo sức hấp dẫn cho ngành du lịch của thành phố”, đại biểu Ánh Hoa nhận định. Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết cá nhân nhận thấy trách nhiệm cao hơn trong việc sáng tạo và phát triển các sản phẩm du lịch trên không gian mới.
Riêng việc đặt tên Sài Gòn tại một phường trung tâm Thành phố, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho biết, HĐND rất hoan nghênh ý tưởng này. Đồng thời, bà Lệ cũng thay mặt HĐND TP bày tỏ sự hoan nghênh đồng bào cử tri Thành phố đã quan tâm, đây là cách để bảo tồn tôn vinh tên gọi lịch sử, vốn là biểu tượng của Thành phố, vì Sài Gòn xuất hiện từ thế kỷ 17 gắn liền với sự hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ, mang dấu ấn của thời kỳ người Việt mở cõi.

HĐND TP. Hồ Chí Minh hoan nghênh ý tưởng đặt tên phường Sài Gòn
“Đối với nhiều người Việt Nam dù đi đâu, ở đâu đều nhớ Sài Gòn không chỉ là tên gọi. Có một phường mang tên Sài Gòn không chỉ để nhắc, để nhớ, tôn vinh di sản lịch sử, mà còn là một điểm nhấn văn hóa thu hút du khách gần xa, đặc biệt khi Sài Gòn được biết đến rộng rãi trên bản đồ du lịch quốc tế sẽ góp phần quan trọng xây dựng thương hiệu TP. Hồ Chí Minh", bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh. Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, đến nay đa số ý kiến cử tri và nhân dân đồng tình ủng hộ, nhất là ý kiến bà con cử tri đã từng sống gắn bó với vùng đất thân thương này./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/hoi-dong-nhan-dan.aspx?itemid=93602