HĐND với cử tri

* Mức đóng bảo hiểm y tế sẽ thay đổi theo mức lương cơ sở

Cử tri P.Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) phản ánh: Giá mua bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2023 cao hơn so với năm 2022; việc khám chữa bệnh BHYT không được khám, chữa bệnh (KCB) ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai mà phải đi khám nơi khác xa nhà gây khó khăn cho người dân. Cử tri đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội thông tin đến cử tri về các nội dung trên.

* Trả lời:

a) Về giá mua thẻ BHYT năm 2023 cao hơn so với năm 2022

Theo quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 7 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17-10-2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, mức đóng BHYT hộ gia đình như sau: “Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất”.

Từ ngày 1-7-2023, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng theo Nghị định 24/2023/CP-CP ngày 14-5-2023 của Chính phủ (trước ngày 1-7-2023 mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng). Do đó, mức đóng BHYT đối tượng hộ gia đình sẽ thay đổi theo mức lương cơ sở.

b) Về việc đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Việc đăng ký nơi KCB ban đầu của người tham gia BHYT được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16-11-2015 của Bộ Y tế quy định đăng ký KCB BHYT ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT. Theo đó, người tham gia BHYT được quyền đăng ký KCB BHYT ban đầu tại một trong các cơ sở KCB quy định tại Điều 3 (tuyến xã và tương đương) và Điều 4 (tuyến huyện và tương đương); Thông tư số 40/2015/TT-BYT không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đối với việc đăng ký KCB BHYT ban đầu tại cơ sở tuyến tỉnh, tuyến trung ương được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 40/2015/TT-BYT chỉ bao gồm một số đối tượng như: người có công với cách mạng, người từ đủ 80 tuổi trở lên, người bị mắc các bệnh cần phải điều trị dài ngày ở tuyến tỉnh trở lên…

Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thực hiện phân bổ thẻ BHYT KCB ban đầu theo quy định tại các văn bản có liên quan, dựa trên khả năng tiếp nhận thẻ KCB ban đầu của từng cơ sở KCB (bàn khám, bác sĩ, ngày giờ làm việc thực tế, lưu lượng khám,…); dựa trên địa giới hành chính (chỉ tiêu phát triển người tham gia BHYT) của từng huyện, thành phố, không phân biệt cơ sở y tế nhà nước và tư nhân, cơ sở y tế thuộc các bộ, ngành quản lý đóng trên địa bàn và đảm bảo công khai, minh bạch. Các cơ sở KCB BHYT được phân bổ số lượng thẻ KCB BHYT ban đầu theo khả năng tiếp nhận nên khi số lượng thẻ KCB BHYT ban đầu đã đủ thì không tiếp nhận thêm thẻ KCB BHYT theo quy định.

Mặt khác, việc KCB BHYT đã thực hiện liên thông tuyến huyện từ ngày 1-1-2016 (theo Khoản 4, Điều 22, Luật BHYT), theo đó người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền KCB BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh có mức hưởng theo quy định. Các trường hợp cấp cứu; bệnh nặng phải điều trị nội trú tại các bệnh viện tuyến huyện hoặc bệnh viện tuyến tỉnh trong và ngoài tỉnh; người KCB BHYT trái tuyến đến khám, chữa bệnh và được bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị được Quỹ BHYT thanh toán như đúng tuyến.

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202402/hdnd-voi-cu-tri-29c525c/