HĐQT Bảo hiểm Bưu điện (PTI) lại trình tăng vốn
Sau khi tất cả các tờ trình phát hành thêm không được ĐHCĐ thường niên năm 2022 thông qua, HĐQT Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI - HNX) tiếp tục trình kế hoạch tăng vốn tại kỳ họp ĐHCĐ thường niên năm 2023, dự kiến tổ chức ngày 30/6 tới.
Theo đó, tại ĐHCĐ sắp tới, HĐQT PTI sẽ trình cổ đông phương án phát hành gần 80,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, theo tỷ lệ 1:1 để tăng vốn điều lệ lên gấp đôi. Giá chào bán là 10.000 đồng/CP.
Theo phương án sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành, 45% số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động đầu tư tài chính dài hạn và các giấy tờ có giá trên thị trường; 45% được sử dụng bổ sung nguồn vốn cho hoạt động đầu tư tiền gửi tại ngân hàng (phù hợp với quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm); và 10% còn lại được sử dụng bổ sung nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng và hệ thống công nghệ thông tin.
PTI hiện có năng lực về vốn ở mức thấp so với thị trường (804 tỷ đồng). Cụ thể, PTI đang đứng thứ 3 về doanh thu nhưng chỉ xếp thứ 9 về quy mô vốn điều lệ so với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ.
Theo đánh giá của HĐQT Công ty, với quy mô vốn điều lệ nhỏ, PTI khó có cơ hội tham gia các hợp đồng bảo hiểm lớn do không đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư về mức vốn điều lệ tối thiểu. Bên cạnh đó, quy mô vốn nhỏ cũng dẫn đến việc hạn chế khả năng cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Chính vì vậy, tăng vốn điều lệ giúp tăng cường năng lực tài chính, giúp Công ty có cơ hội tham gia các hợp đồng bảo hiểm lớn, đặc biệt là trong đấu thầu bảo hiểm.
Cũng theo HĐQT PTI, vốn điều lệ thấp cũng làm ảnh hưởng đến khả năng giữ lại, bởi theo Điều 42, Nghị định số 73/2016/NĐ-CP, mức trách nhiệm giữ lại tối đa trên mỗi rủi ro hoặc trên mỗi tổn thất riêng lẻ không quá 10% vốn chủ sở hữu. Do đó, khi tăng vốn điều lệ, đặc biệt là có thêm thặng dư vốn, vốn chủ sở hữu sẽ tăng lên, cho phép PTI tăng mức giữ lại đối với các hợp đồng/nghiệp vụ bảo hiểm có hiệu quả, giúp gia tăng lợi nhuận.
PTI có Biên khả năng thanh toán theo quy định của Bộ Tài chính năm 2022 là khá thấp (117%), sụt giảm mạnh so với năm 2021 (168%). Theo quy định tại Thông tư số 195/2014/TT-BTC của Bộ Tài Chính, PTI xếp hạng nhóm 2. Tuy nhiên, với Biên khả năng thanh toán năm 2022 là 117% cũng nằm trong ngưỡng cảnh báo an toàn. Xếp hạng của PTI có nguy cơ xuống nhóm 3 khi có nguy cơ không đảm bảo biên khả năng thanh toán. Trong tình huống xuống hạng thuộc nhóm số 3 hoặc thậm chí nhóm số 4 thì PTI phải nằm trong diện kiểm soát đặc biệt của Bộ Tài chính (theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm).
Lãnh đạo Công ty cũng cho biết, chỉ số BCAR dựa trên Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 và Báo cáo tài chính quý I/2023 của PTI lần lượt là 6,8% và 7,7%. Với số liệu BCAR này, xếp hạng Rating của PTI vào cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức B hoặc B+ (giảm từ 1 đến 2 bậc so với hiện tại). Việc tăng vốn điều lệ dự kiến sẽ giúp Công ty tăng quy mô vốn chủ sở hữu, tăng chỉ số BCAR, qua đó giúp PTI duy trì/tăng xếp hạng tín nhiệm ở các năm tiếp theo.
Ngoài ra HĐQT PTI cũng trình Đại hội thông qua kế hoạch năm 2023 với doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm là 5.730 tỷ đồng, giảm 8,6% so với mức thực hiện 6.266 tỷ đồng của năm 2022. Lợi nhuận sau thuế năm 2023 là 112 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lỗ 347,4 tỷ đồng. Năm 2023, hãng bảo hiểm này tiếp tục không chia cổ tức.
Được biết, tại ĐHCĐ thường niên năm 2022, HĐQT PTI cũng trình cổ đông kế hoạch phát hành 80,4 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1:1, giá bán 10.000 đồng/CP cho cổ đông hiện hữu; gần 96,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ 120%; và phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, số lượng phát hành tối đa là 2% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Công ty tại thời điểm chào bán. Tuy nhiên, tất cả các tờ trình phát hành thêm này đã không được ĐHCĐ thông qua.