HĐT ở trường mầm non, phổ thông công lập hoạt động hình thức bỏ là phù hợp

Theo lãnh đạo một số trường, việc bỏ hội đồng trường nhằm bớt giảm thủ tục hành chính, tăng hiệu quả quản lý và tập trung vào nâng cao chất lượng giáo dục.

.t1 { text-align: justify; }

Trong báo cáo tổng kết việc thi hành Luật Giáo dục 2019, nhiều địa phương đã phản ánh thực trạng hội đồng trường ở các trường mầm non và phổ thông công lập hoạt động hình thức, thiếu thực quyền, trùng vai và không tạo ra giá trị quản trị thực chất.

Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất bỏ hội đồng trường ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Hội đồng trường hoạt động hình thức, chồng chéo chức năng, gây lãng phí nguồn lực

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Thị Quang – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Lượng (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) cho rằng, việc bỏ hội đồng trường trong cơ sở mầm non, giáo dục phổ thông công là bước đi phù hợp với thực tiễn. Mô hình hội đồng trường hiện nay phù hợp hơn với khối tư thục, bởi vì họ có hội đồng quản trị và cơ cấu cổ phần rõ ràng giữa các thành viên.

Với các trường mầm non, phổ thông công lập, hội đồng trường không thực sự cần thiết và hoạt động còn mang tính hình thức, không hiệu quả. Trong một năm, chỉ có khoảng 2-3 cuộc họp, chủ yếu để thông qua một số nội dung mang tính thủ tục như thực hiện các nhiệm vụ của năm học mới, góp ý về phương hướng hoạt động của nhà trường.

Hiện nay, thành phần hội đồng trường đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông gồm bí thư cấp ủy, hiệu trưởng, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đại diện tổ chuyên môn, đại diện tổ văn phòng, đại diện chính quyền địa phương, ban đại diện cha mẹ học sinh và đại diện học sinh đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông.

Ví dụ, ban đại diện cha mẹ học sinh được mời tham gia góp ý ngay từ giai đoạn xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường trong 4 năm học, thậm chí đã có những hoạt động trao đổi, thảo luận trước đó. Tuy nhiên, sau đó lại tiếp tục tham dự các phiên họp hội đồng trường để thảo luận lại nội dung tương tự, dẫn đến sự trùng lặp không cần thiết.

Tình trạng chồng chéo cũng diễn ra với các tổ chức như Đoàn Thanh niên, Công đoàn. Nhiều thành viên trong các tổ chức này đã trực tiếp tham gia xây dựng kế hoạch chiến lược trung hạn của nhà trường. Chẳng hạn, chủ tịch công đoàn thường kiêm nhiệm vai trò phó hiệu trưởng hoặc tổ trưởng chuyên môn nên đã có mặt trong quá trình soạn thảo kế hoạch ngay từ đầu. Việc đưa kế hoạch này ra hội đồng trường một lần nữa để thông qua khiến quy trình trở nên hình thức và không thực sự gia tăng hiệu quả.

 Cô Lê Thị Quang – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Lượng (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An). Ảnh: nhân vật đã từng cung cấp.

Cô Lê Thị Quang – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Lượng (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An). Ảnh: nhân vật đã từng cung cấp.

Theo cô Quang, việc bỏ hội đồng trường có thể giúp loại bỏ những yếu tố hình thức trong quản lý giáo dục, đồng thời góp phần đơn giản hóa bộ máy vận hành. Trước hết, hệ thống hồ sơ, sổ sách sẽ được tinh gọn, giảm đáng kể khối lượng công việc hành chính. Một số loại hồ sơ và đầu việc không còn cần thiết có thể được cắt bỏ.

Bên cạnh đó, những hoạt động kém hiệu quả cũng nên được xem xét loại bỏ để tập trung nguồn lực vào những gì thiết thực hơn. Khi giảm bớt được gánh nặng hành chính, cả giáo viên và cán bộ quản lý sẽ có điều kiện tập trung nhiều hơn cho chuyên môn và chất lượng giảng dạy, thay vì bị “cuốn” vào các quy trình hình thức.

Cô Quang cho biết thêm, các phần mềm quản lý trong trường học hiện nay cũng đang bị chồng chéo, gây quá tải cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Các hệ thống như cơ sở dữ liệu ngành, phần mềm phổ cập giáo dục, phần mềm quản lý học sinh bán trú, phần mềm VNedu... đều tồn tại song song và trùng lặp nhiều nội dung, đặc biệt về dữ liệu. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả vận hành mà còn tăng gánh nặng hành chính cho nhà trường.

Chẳng hạn, cơ sở dữ liệu ngành yêu cầu cập nhật tình hình sức khỏe học sinh thì phần mềm quản lý học sinh bán trú cũng có nội dung tương tự. Cả hai phần mềm đều cần thông tin về sức khỏe nhưng thực tế là cùng một thông số và dữ liệu. Tình trạng này còn diễn ra ở một số phần mềm khác. Điều này, khiến cán bộ quản lý thì phải liên tục nhập liệu, cập nhật thông tin nhưng nội dung bị chồng chéo gây lãng phí thời gian, không mang lại hiệu quả.

“Tôi rất kỳ vọng vào mô hình quản lý mới sau khi bỏ hội trường. Trong bối cảnh sáp nhập chính quyền địa phương, đây là bước đi được xem là nhằm tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý và phát huy tối đa nguồn lực cho phát triển giáo dục.

Từ đổi mới trong cách vận hành đến việc xây dựng môi trường học tập thân thiện, an toàn và hiệu quả, tôi tin rằng giáo dục sẽ ngày càng có những bước tiến tích cực, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước”, cô Quang bày tỏ.

Cùng bàn về vấn đề này, cô Phùng Thị Trại – Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Tiến (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) cho biết: “Theo tôi, nên bỏ hội đồng trường ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Hiện nay, ở nhiều trường học, hiệu trưởng đồng thời giữ vai trò bí thư chi bộ, tức là vừa phụ trách quản lý hành chính, chuyên môn, vừa đảm nhận vai trò lãnh đạo về mặt chính trị, tư tưởng trong nhà trường.

Việc có thêm hội đồng trường với vai trò định hướng và giám sát hoạt động chung sẽ tạo ra sự chồng chéo trong thẩm quyền và trách nhiệm giữa các bộ phận. Điều này không những không cần thiết mà còn làm phức tạp thêm bộ máy quản lý, gây hoạt động kém hiệu quả.

Về hiệu quả hoạt động của hội đồng trường hiện nay, tôi cho rằng không mang lại nhiều kết quả rõ rệt. Khi không có hội đồng trường, các bộ phận khác trong nhà trường vẫn hoạt động và có thể đảm nhiệm tốt các nhiệm vụ quản lý và điều hành.

Chẳng hạn, hội đồng sư phạm đã bao gồm đầy đủ các thành phần cần thiết như hiệu trưởng, bí thư chi bộ, đóng vai trò lãnh đạo tập thể, đảm nhiệm các nhiệm vụ chủ chốt trong quản lý và định hướng nhà trường. Vì vậy, việc duy trì hội đồng trường với chức năng trùng lặp không thật sự cần thiết. Việc bỏ hội đồng trường là hợp lý trong bối cảnh tinh gọn bộ máy, tránh hình thức và chồng chéo chức năng.

Ngoài ra, cơ chế tổ chức và vận hành của hội đồng trường còn rườm rà, mang nặng tính thủ tục, nhiều khâu xin ý kiến bị trùng lặp cùng một nội dung, gây tốn thời gian và giảm hiệu quả công việc. Trong khi đó, các nội dung quan trọng đã được chi bộ thảo luận và quyết định theo đúng chỉ đạo của Đảng. Do đó, để tinh gọn quy trình và nâng cao hiệu quả quản lý nên để để hiệu trưởng và hội đồng sư phạm trực tiếp thực hiện là hợp lý, thay vì phải thông qua hội đồng trường thêm một lần nữa".

 Cô Phùng Thị Trại – Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Tiến (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai). Ảnh: NVCC.

Cô Phùng Thị Trại – Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Tiến (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai). Ảnh: NVCC.

Bỏ hội đồng trường là giải pháp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục

Từ thực tiễn cơ sở, cô Ma Thị Thuyên – Hiệu trưởng Trường Tiểu Học Nguyên Phúc (huyện Bạch Thông - Tỉnh Bắc Kạn) chia sẻ: “Trong bối cảnh ngành giáo dục đang tiến tới việc tối ưu hóa bộ máy hoạt động và tăng cường tính chủ động trong quản lý trường học, việc bỏ hội đồng trường trong cơ sở mầm non, giáo dục phổ thông công là hợp lý, đáp ứng nhu cầu tinh giản bộ máy, giảm thiểu tầng lớp trung gian không cần thiết.

Thực tế cho thấy, thành viên hội đồng trường thường trùng lặp với những cán bộ đã và đang tham gia trong các bộ phận quản lý của nhà trường. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn hay chủ tịch công đoàn đã tham gia vào nhiều quy trình lập kế hoạch, điều hành và giám sát các hoạt động chuyên môn. Tuy nhiên, những cá nhân này lại tiếp tục tham gia hội đồng trường khiến vai trò và chức năng trở nên chồng chéo khiến hoạt động trở nên kém hiệu quả, lãng phí thời gian.

Mặt khác, nhiều nội dung hoạt động của hội đồng trường hiện nay còn mang nặng tính hình thức. Các cuộc họp thường được tổ chức nhằm hoàn tất quy trình về mặt thủ tục hơn là nhằm tạo ra những đổi mới thực chất trong công tác quản lý và vận hành trường học. Mặc dù, các cuộc họp vẫn diễn ra đúng theo quy định, nhưng hiệu quả mang lại không tương xứng với thời gian và nguồn lực đã bỏ ra.

Việc xin ý kiến qua nhiều cấp, nhiều đầu mối cho cùng một nội dung khiến quy trình ra quyết định trở nên kéo dài. Điều này khiến vai trò của hội đồng trường trở nên mờ nhạt và thiếu tính thực tiễn trong bối cảnh cần sự linh hoạt và nhanh chóng trong điều hành giáo dục hiện nay.

Vì vậy, khi bỏ hội đồng trường sẽ giúp tinh giảm bộ máy quản lý, giảm bớt những thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý, các bộ phận chuyên môn tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyên sâu, nâng cao chất lượng giáo dục thay vì dành thời gian cho các hoạt động mang tính hình thức.

Không chỉ vậy, việc này còn giúp nâng cao hiệu quả điều hành trong nhà trường, đảm bảo các quyết sách được triển khai kịp thời, sát thực tế và phù hợp với đặc thù từng cấp học. Khi đội ngũ quản lý không bị chi phối bởi quá nhiều tầng nấc trung gian, quá trình ra quyết định sẽ trở nên linh hoạt, chủ động hơn, từ đó góp phần cải thiện chất lượng giáo dục một cách bền vững.

 Trường Tiểu Học Nguyên Phúc (huyện Bạch Thông - Tỉnh Bắc Kạn) trong Hội nghị cán bộ, viên chức năm học 2024-2025. Ảnh: website nhà trường.

Trường Tiểu Học Nguyên Phúc (huyện Bạch Thông - Tỉnh Bắc Kạn) trong Hội nghị cán bộ, viên chức năm học 2024-2025. Ảnh: website nhà trường.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Tiến nhìn nhận, hội đồng trường thường chỉ phù hợp với các cấp học có quy mô rộng và nhiều thành phần. Tại các trường đại học, cao đẳng với nhiều phân môn và bộ phận khác nhau, hội đồng trường đóng vai trò quan trọng trong việc lấy ý kiến từng bộ phận để tổng hợp và ra quyết định chung một cách hiệu quả.

Còn ở cấp học phổ thông và mầm non, cơ cấu tổ chức tương đối đơn giản với một hội đồng chuyên môn duy nhất và các tổ bộ phận không quá phức tạp. Do vậy, việc duy trì hội đồng trường ở các cấp này không thật sự cần thiết.

Bỏ hội đồng trường sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Trước hết, việc này giúp loại bỏ thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp đang gây tốn kém thời gian và công sức cho nhà trường. Bên cạnh đó, còn giảm tải áp lực hành chính và tạo điều kiện để thầy cô tập trung hơn vào các hoạt động chuyên môn và phát triển giáo dục.

Tiếp đó, khi không còn phải thông qua hội đồng trường, hiệu trưởng sẽ có quyền chủ động hơn trong việc triển khai các nhiệm vụ, đưa ra các quyết định kịp thời và điều phối nguồn lực một cách linh hoạt. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo trong công tác giáo dục.

Bên cạnh đó, việc tinh gọn bộ máy quản lý còn giúp tiết kiệm chi phí, giảm bớt sự chồng chéo về chức năng và trách nhiệm giữa các bộ phận, từ đó tạo môi trường làm việc năng động, hiệu quả hơn cho toàn thể cán bộ, giáo viên.

Khánh Hòa

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hdt-o-truong-mam-non-pho-thong-cong-lap-hoat-dong-hinh-thuc-bo-la-phu-hop-post251411.gd