Lục long đồ của họa sĩ thời Tống, Trung Quốc, từng gây rúng động làng đấu giá khi đạt mức kỷ lục lịch sử, 48,9 triệu USD. Đây là bức họa được vua Càn Long đặc biệt yêu thích.
Lục long đồ do Trần Dung (1200-1266) vẽ. Trần Dung vốn là một quan văn chán chường thời cuộc, hình ảnh mãnh long biểu đạt nỗi giằng xé, thất vọng lẫn giận dữ của ông về các vấn đề thời sự.
Trần Dung được mệnh danh "sư tổ vẽ rồng" ở Trung Quốc vì tranh mang tính đột phá, trở thành hình mẫu cho các họa sĩ.
Lục long đồ gần 800 tuổi song còn nguyên vẹn, màu lụa vẫn bóng đẹp. Không tính phần thư pháp, tranh cuộn kích thước 34.3 x 440.4cm.
Trên tranh có bút tích của hoàng đế Lý Tông Hoàng thời Nam Tống và các đại thần. Trần Dung cũng đề một bài thơ lên tác phẩm.
Ji Tao, một người am hiểu về thị trường hội họa ở Bắc Kinh nói, nét vẽ có phần phóng túng của Trần Dung tạo ra những đám mây, tảng đá kỳ lạ, làm nổi bật chuyển động và hình dáng đồ sộ của con rồng, tạo cảm giác thần bí.
Trong tranh, Trần Dung đã tạo nên một con rồng đang di chuyển giữa những đám mây, thể hiện tham vọng và quan điểm chính trị của tác giả.
Theo một số tư liệu cổ, trước khi vẽ rồng, Trần Dung thường sai người nhà mang rượu đến, sau đó đóng cửa một mình trong phòng, không ai được phép vào trong. Trần Dung vẽ trong trạng thái say mềm, vừa sáng tác vừa nói, hét những câu "điên rồ".
Hoàng đế Càn Long thời nhà Thanh (năm 1644-1911) đặc biệt yêu thích bức họa này, đưa vào bộ sưu tập bảo bối quan trọng của hoàng đế. Càn Long đề thơ và đóng hơn 10 con dấu yêu thích của ông trên tác phẩm.
Cuối thời Thanh, Lục long đồ được ban thưởng cho đại thần Dịch Hân, được bảo quản trong Cung vương phủ của đại thần này. Con cháu của Dịch Hân bán bức tranh cho thương nhân đồ cổ người Nhật Bản, từ đó thuộc về Bảo tàng Nghệ thuật Fujita. Năm 2017, do các vấn đề về tài chính, bảo tàng đấu giá hơn 30 tác phẩm nghệ thuật, trong đó có Lục long đồ.
Hiện trên thế giới có 22 bức tranh rồng của Trần Dung còn được lưu giữ, 11 bức ở Trung Quốc đại lục và Đài Loan, 11 bức ở các nước khác. Trong đó, tranh Cửu long đồ được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Boston, Mỹ.
Hoàng Mai (T/H)