Hé lộ bí ẩn nghi lễ hiến tế lừa của người Canaan cổ tại Israel
Một nhóm khảo cổ học ở Israel mới đây đã công bố phát hiện mang tính bước ngoặt khi khai quật được hài cốt của 4 con lừa được hiến tế cách đây hơn 4.500 năm.

Hài cốt của 4 con lừa được hiến tế cách đây hơn 4.500 năm ở Israel. Ảnh: plos.org
Những con lừa này được tìm thấy dưới nền một ngôi nhà thời đại đồ đồng tại thành cổ Gath, gần Tell es-Safi, cách thành phố Hebron khoảng 20 km về phía Tây Bắc.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, nghiên cứu công bố trên tạp chí PLOS One cho thấy những con lừa có nguồn gốc từ Ai Cập cổ đại và nhiều khả năng từng được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp và buôn bán. Việc hiến tế chúng có thể là một nghi lễ thể hiện sự giàu có và địa vị xã hội của chủ nhân.
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng cả 4 con lừa đều là giống cái, đang trong độ tuổi sung sức và được chôn với tư thế hai chân trước và hai chân sau bị trói. Tất cả hộp sọ của chúng đều hướng về phía Đông - một chi tiết được cho là có ý nghĩa nghi lễ.
Phát hiện này mở ra cái nhìn mới về thực hành tín ngưỡng của người Canaan cổ, những cư dân sinh sống tại khu vực này trong thời kỳ Đồ đồng sớm III (khoảng năm 2900 - 2550 TCN).
Theo nhóm nghiên cứu, nguồn gốc Ai Cập của các con lừa cho thấy chủ nhân của chúng có thể là những thương nhân hoặc người buôn bán có mối liên hệ giao thương với Ai Cập.
Trước đó, năm 2010, tại cùng địa điểm, các nhà khảo cổ từng phát hiện một con lừa bị chặt đầu, phần đầu được đặt cẩn thận lên bụng và hướng về phía ngược lại với thân thể - một chi tiết bí ẩn cho thấy nghi lễ tế thần phức tạp.
Thông qua phân tích hóa học và đồng vị men răng, các nhà nghiên cứu xác định rằng những con lừa này sinh trưởng tại vùng châu thổ sông Nile. Những dữ liệu này cũng từng được công bố trong một nghiên cứu của PLOS One vào năm 2016.
Giáo sư Elizabeth Arnold, nhà nhân chủng học và khảo cổ môi trường tại Đại học Grand Valley State (Michigan, Mỹ), cho biết: “Phát hiện này nhấn mạnh vai trò thiết yếu của lừa trong thế giới cổ đại – không chỉ về mặt kinh tế và thương mại, mà còn trong các nghi lễ tôn giáo”.
Trong xã hội cổ đại, lừa đóng vai trò then chốt trong sản xuất nông nghiệp - từ cày bừa, kéo vật nặng đến vận chuyển hàng hóa. Việc hiến tế một con lừa, đặc biệt là lừa cái đang độ sung mãn, không chỉ là hành động tôn giáo mà còn là biểu tượng của sự dư dả - cho thấy chủ nhân đủ khả năng thay thế những con vật quý giá này.
Phát hiện về 4 con lừa tế thần tại Tell es-Safi là bằng chứng rõ rệt cho vai trò kép - vừa kinh tế vừa nghi lễ - của loài vật này trong xã hội cổ đại. Các nhà nghiên cứu hy vọng tiếp tục phân tích sâu hơn để làm sáng tỏ mối quan hệ phức tạp giữa con người và động vật trong lịch sử nhân loại.