NASA chụp được hình ảnh từ vị trí gần Mặt Trời nhất từ trước đến nay
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 11/7 đã công bố những hình ảnh do tàu thăm dò Parker Solar Probe ghi lại từ bên trong tầng khí quyển của Mặt Trời.

Tàu thăm dò Parker Solar Probe tiếp cận Mặt Trời ở khoảng cách 6,1 triệu km. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo thông báo của NASA, Parker Solar Probe tiếp cận Mặt Trời ở khoảng cách gần nhất vào ngày 24/12/2024, khi tàu này chỉ còn cách bề mặt Mặt Trời khoảng 6,1 triệu km. Những hình ảnh mà Parker Solar Probe chụp lại được NASA xác nhận là “ở vị trí gần Mặt Trời nhất mà con người từng ghi hình”, hé lộ những chi tiết đầy ấn tượng về vành nhật hoa và gió Mặt Trời - dòng hạt điện tích khổng lồ phóng ra từ Mặt Trời, di chuyển với tốc độ hơn 1,6 triệu km/giờ xuyên suốt hệ Mặt Trời.
Tàu Parker Solar Probe - có kích thước chỉ bằng một chiếc ô tô nhỏ - được phóng lên vào năm 2018. Đến năm 2021, Parker Solar Probe trở thành tàu vũ trụ đầu tiên của nhân loại đi vào tầng khí quyển của Mặt Trời. Kể từ đó, Parker Solar Probe tiếp tục thực hiện các quỹ đạo tiệm cận ngày càng gần hơn với bề mặt Mặt Trời, bất chấp điều kiện nhiệt độ và bức xạ khắc nghiệt.
Bà Nicky Fox - một trong những nhà quản lý cấp cao của NASA - khẳng định: “Tàu Parker một lần nữa đã đưa chúng ta vào sâu bên trong bầu khí quyển năng động của ngôi sao gần nhất. Những dữ liệu mới này sẽ giúp chúng ta cải thiện đáng kể khả năng dự báo thời tiết không gian, từ đó bảo vệ an toàn cho các phi hành gia cũng như công nghệ trên Trái Đất và khắp hệ Mặt Trời”.