Động cơ công nghệ cao, khoang vũ khí bên trong, kết nối mạng chiến trường, tích hợp tên lửa siêu thanh mang đầu đạn hạt nhân... là những gì sẽ có trên oanh tạc cơ chiến lược B-52J.
Chữ "J" biểu thị bản nâng cấp mới nhất đối với chiếc máy bay ném bom chiến lược mang tính biểu tượng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, dự kiến tổng thời gian phục vụ của "pháo đài bay" sẽ lên tới 100 năm.
Các kỹ sư, nhà bảo trì và nhà phát triển vũ khí đã nhiều lần nói rằng khung thân của B-52 vẫn rất vững chắc và thực sự đủ khả năng tiếp tục hoạt động thêm hàng thập kỷ.
Trong một số trường hợp, Không quân Mỹ và các chuyên gia trong ngành hàng không đã gia cố hoặc nâng cấp thân máy bay, nhưng cấu trúc cơ bản của khung chiếc oanh tạc cơ vẫn còn nguyên vẹn.
Điều này có nghĩa là B-52J ngày nay hoàn toàn không phải chiếc máy bay ném bom đã xuất hiện cách đây nhiều thập kỷ, mà nó gần như hoàn toàn khác, biến thể “J” đại diện cho một loạt các nâng cấp đang dần dần mở ra trong suốt nhiều năm.
Từ 10 năm trước, Không quân Mỹ đã đạt được những bước tiến nhanh chóng bằng cách tích hợp khoang vũ khí mới, hệ thống thông tin liên lạc và công nghệ ném bom để B-52 tiếp tục hoạt động cho tới năm 2050 hoặc xa hơn nữa.
Nỗ lực nâng cấp khoang vũ khí bên trong đã được tiến hành suốt nhiều năm. Việc làm này cho phép B-52 mang thêm tên lửa đối không đối đất JDAMS và một loại vũ khí có thể là tên lửa gây nhiễu phóng từ trên không với kích thước nhỏ.
Sử dụng giao diện kỹ thuật số và bệ phóng dạng trống quay giúp tăng đáng kể tải trọng vũ khí của B-52, cho phép nó mang được những loại tên lửa hay bom dẫn đường mới nhất.
Vũ khí chính xác là nền tảng cho sự trưởng thành về chiến thuật và tính năng của B-52, khi từ "ném bom rải thảm" thành tấn công chính xác từ xa, thậm chí có thể là khả năng phóng máy bay không người lái.
Loại vũ khí chính xác có thể chưa được xác định, mặc dù B-52 chắc chắn sẽ phóng tên lửa siêu thanh. Một số cuộc thử nghiệm với tên lửa AGM-183A đã diễn ra trên B-52, nhưng chương trình đang bị tạm đình chỉ.
Nhưng điều này không có nghĩa là B-52 phải hài lòng với tên lửa cận âm, kể cả khi dự án tên lửa AGM-183A bị loại bỏ thì vẫn còn những nền tảng khác sẵn sàng thử nghiệm cùng với "pháo đài bay".
Các kỹ sư cũng đã tích hợp một radar AESA mới và hệ thống mạng kỹ thuật số được gọi là CONECT, cho phép phi hành đoàn B-52 nhận dữ liệu tình báo theo thời gian thực trong chuyến bay, chẳng hạn như thông tin nhắm mục tiêu được cập nhật.
Là một phần của cuộc đại tu này, B-52 đang chờ tích hợp công nghệ mạng và liên lạc mới, bao gồm thay thế đài thu phát sóng vô tuyến tần số thấp, xác định lại mục tiêu một cách nhanh chóng để hỗ trợ sử dụng vũ khí hạt nhân.
Có lẽ điều quan trọng nhất là công nghệ liên lạc vô tuyến liên kết dữ liệu cho phép phi hành đoàn nhận được các bản cập nhật tình báo và điều chỉnh mục tiêu theo thời gian thực trong chuyến bay.
Điều này giúp loại bỏ thao tác cũ đối với các phi hành đoàn B-52, khi trước kia họ tấn công hoàn toàn dựa vào dữ liệu tình báo thu thập được trước khi thực hiện nhiệm vụ.
Cuối cùng, hoàn toàn có thể hình dung rằng B-52 sẽ phóng và thu hồi các máy bay không người lái để thực hiện thêm chức năng trinh sát chiến trường hay chế áp phòng không đối phương.
Với những module thu phát đặc biệt và máy bay không người lái "bầy đàn", B-52 hoàn toàn có thể tiến xa hơn và trở thành phi cơ tác chiến điện tử cỡ lớn, đây là bước phát triển rất xa của nền tảng hàng chục tuổi.
Trong khi những "đàn em" như B-1B Lancer hay B-2A Spirit đã chuẩn bị "nhận sổ hưu", thật đáng ngạc nhiên khi B-52 Stratofortress vẫn còn bền bỉ phục vụ thêm nhiều thập kỷ nữa.