Hé lộ câu nói của Tào Tháo khiến Tư Mã Ý phải hạ mình quy phục

Tào Tháo là nhân vật nổi bật thời Tam Quốc, nổi tiếng với tài dùng người cùng bản tính đa nghi. Ngay từ đầu, ông đã nhìn thấu được tham vọng của Tư Mã Ý. Nhưng câu hỏi nào của Tào Tháo đã buộc Tư Mã Ý phải hạ mình chấp nhận phục tùng?

Tào Tháo đã hỏi: "Tại sao bàn chân ngươi lại trắng hơn mặt và tay?".

Tư Mã Ý đáp: "Tại hạ không biết".

Tào Tháo mỉm cười: "Vì nó luôn được che đậy!".

Câu hỏi này của Tào Tháo không chỉ đơn thuần, mà còn mang ý nghĩa sâu xa, đánh thẳng vào tâm tư sâu kín của Tư Mã Ý.

Năm Kiến An thứ sáu, tức năm 201, khi đang giữ chức Tư Không trong triều đình nhà Hán, Tào Tháo đã mời Tư Mã Ý về phục vụ dưới trướng. Tuy nhiên, Tư Mã Ý từ chối lời mời này.

Ảnh cắt từ clip.

Ảnh cắt từ clip.

Sinh ra trong thời loạn lạc, Tư Mã Ý là người quyết đoán, mưu lược và quả cảm. Lúc ấy, Tào Tháo dùng danh nghĩa hoàng đế để chiêu mộ các nhân tài, nhiều lần mời Tư Mã Ý vào phủ. Tuy nhiên, Tư Mã Ý tỏ rõ sự kiêu ngạo, không muốn phụng sự một người mà ông coi là dòng dõi hoạn quan và có dã tâm lớn.

Thậm chí, Tư Mã Ý còn cho rằng dòng dõi danh giá nhà Tư Mã phải đứng ở vị trí cao, chứ không thể dưới quyền của Tào Tháo. Vì vậy, ông giả bệnh, nằm bất động trên giường để tránh sự theo dõi của Tào Tháo, khiến Tào Tháo đành bỏ cuộc.

Bảy năm sau, khi Tào Tháo đã chinh phục nhiều vùng đất lớn và được phong Thừa tướng nhà Hán, ông lại chiêu mộ Tư Mã Ý, lần này kèm theo lời đe dọa. Trước tình thế đó, Tư Mã Ý buộc phải chấp nhận.

Dù phục tùng, Tư Mã Ý vẫn cố che giấu tham vọng của mình. Nhưng không gì qua mắt được Tào Tháo, người đã nhận ra "khí phách anh hùng" và "bóng hình lang sói" ẩn sau vẻ ngoài điềm tĩnh của Tư Mã Ý.

Trong một lần, Tào Tháo đi chân đất và hỏi Tư Mã Ý: "Vì sao bàn chân ngươi trắng hơn tay và mặt?". Tư Mã Ý đáp không biết. Tào Tháo nói: "Vì bàn chân luôn được che đậy!".

Câu hỏi này như một lời cảnh báo ẩn ý sâu xa. Nó nhắc nhở rằng những thứ bị che giấu thường mang bí mật. Tào Tháo muốn cảnh cáo rằng, làm việc dưới trướng ông, Tư Mã Ý phải biết rõ vị trí của mình và từ bỏ dã tâm, nếu không hậu quả sẽ khó lường.

Hiểu rõ ý nghĩa ẩn sau câu nói, Tư Mã Ý liền phủi bụi trên đường, dọn lối cho Tào Tháo đi. Hành động này thể hiện sự khuất phục của Tư Mã Ý. Tào Tháo hài lòng và tiếp tục giữ ông bên cạnh.

Dù dưới trướng Tào Tháo, Tư Mã Ý vẫn âm thầm nuôi tham vọng lớn. Sự nhẫn nại của ông kéo dài qua ba đời Tào thị. Dù Tào Tháo nhận ra bản chất của Tư Mã Ý, ông vẫn phải giữ người này bên mình để đối đầu với Ngọa Long Gia Cát Lượng.

Khi Tào Tháo qua đời, Tư Mã Ý nhẫn nhịn trước Tào Sảng, chờ thời cơ lật đổ. Năm 249, ông thực hiện cuộc chính biến, đưa nhà Ngụy vào tay dòng họ Tư Mã.

Sau đó, quyền lực nhà Tư Mã tiếp tục được củng cố bởi Tư Mã Sư và Tư Mã Chiêu. Đến đời Tư Mã Viêm, nhà Ngụy chính thức bị soán ngôi, nhường chỗ cho triều đại nhà Tấn, chấm dứt thời kỳ Tam Quốc.

Tào Tháo với tài năng và sự đa nghi nổi tiếng, luôn đi trước một bước để tránh bị phản bội. Câu hỏi cảnh cáo Tư Mã Ý là minh chứng cho tầm nhìn của ông. Nhưng ông không ngờ rằng sự nhẫn nhục của Tư Mã Ý lại có thể kéo dài và sắc bén đến mức hủy hoại cả triều đại Tào thị.

Dung (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/he-lo-cau-noi-cua-tao-thao-khien-tu-ma-y-phai-ha-minh-quy-phuc/20250116102048198